(vhds.baothanhhoa.vn) - Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, không ít doanh nghiệp (DN) ở Thanh Hóa đã gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh phải tạm dừng hoạt động, hoặc thu hẹp quy mô sản xuất. Trong bối cảnh vừa chủ động phòng, chống dịch, vừa khắc phục để sản xuất, nhiều DN dù khó khăn vẫn quyết bám trụ, xoay sở bằng mọi cách để đảm bảo việc làm cho người lao động, xây dựng các giải pháp để bù đắp sự thiếu hụt về doanh số, sản lượng và bảo đảm đạt các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra trong năm 2020.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Biến thách thức thành cơ hội

Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, không ít doanh nghiệp (DN) ở Thanh Hóa đã gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh phải tạm dừng hoạt động, hoặc thu hẹp quy mô sản xuất. Trong bối cảnh vừa chủ động phòng, chống dịch, vừa khắc phục để sản xuất, nhiều DN dù khó khăn vẫn quyết bám trụ, xoay sở bằng mọi cách để đảm bảo việc làm cho người lao động, xây dựng các giải pháp để bù đắp sự thiếu hụt về doanh số, sản lượng và bảo đảm đạt các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra trong năm 2020.

Theo rà soát của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, từ tháng 4/2020 tỷ lệ DN ngừng hoạt động bắt đầu tăng (tăng 11,75% cùng kỳ) do sức chống chịu đã đến ngưỡng. Cũng theo thống kê của cơ quan chức năng, có khoảng trên 33.800 lao động trong khu vực DN tại Thanh Hóa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhiều DN bị “đóng băng” sản xuất, rơi vào khó khăn, người lao động phải tạm thời nghỉ việc, giãn việc, nhất là đối với các DN nhỏ và vừa. Thế nhưng, với quyết tâm vượt khó, thời điểm này, các DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn Thanh Hóa đang nỗ lực thích ứng với tình hình mới, duy trì và từng bước phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm, thu nhập và đảm bảo các chính sách cho người lao động.

Điển hình như may mặc, là một ngành sản xuất gặp khó khăn sớm nhất và toàn diện trong cả chuỗi sản xuất, từ cung tới cầu. Không chỉ áp lực lên vấn đề doanh thu và lợi nhuận DN, mà còn là việc làm của hơn 100.000 lao động. Trước nhu cầu khẩu trang phòng dịch tăng cao cả ở trong nước và các quốc gia trên thế giới, một số DN dệt may Thanh Hóa đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội để chuyển hướng sang sản xuất và xuất khẩu khẩu trang như: Tổng Công ty Tiên Sơn, Công ty CP May xuất khẩu Trường Thắng... cũng đang xúc tiến các thủ tục xuất khẩu mặt hàng khẩu trang để duy trì việc làm cho lao động.

Cùng với sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn, Tổng Công ty Tiên Sơn đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để lắp đặt dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế kháng khuẩn 4 lớp, công suất 200.000 sản phẩm/ngày. Với lợi thế chủ động về nguồn nguyên phụ liệu trong nước và đội ngũ lao động lành nghề, nên ngay sau khi hoàn tất đầy đủ các thủ tục theo quy định, tổng công ty đã bắt tay ngay vào sản xuất hàng chục triệu chiếc khẩu trang y tế, dự kiến xuất sang thị trường Nhật Bản. Đại diện DN chia sẻ, Nghị quyết số 60 của Chính phủ về xuất khẩu khẩu trang y tế không chỉ mở hướng xuất khẩu cho DN tại thời điểm này, mà còn là thời cơ vàng để thâm nhập những thị trường lớn như: Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.

Doanh nghiệp may mặc nỗ lực tìm kiếm thị trường mới nhằm đảm bảo mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 15.500 DN đang hoạt động. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới đã và đang tác động mạnh đến các DN. Trong bối cảnh vừa chủ động phòng dịch, vừa khắc phục khó khăn để sản xuất, nhiều DN trên địa bàn tỉnh cũng đang xây dựng các giải pháp để bảo đảm đạt các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra. Điển hình như tại Công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hóa, ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến sức tiêu thụ hàng hóa giảm mạnh. 4 tháng đầu năm, công ty chỉ sản xuất được hơn 7,7 triệu lít bia các loại, đạt 20% kế hoạch năm. Trong điều kiện sản xuất gặp khó khăn và tổng công ty thực hiện việc điều chỉnh kế hoạch giao, để duy trì và phát triển sản xuất, công ty đã nhanh chóng triển khai đồng loạt các giải pháp cơ cấu lại sản xuất, làm mới sản phẩm, linh hoạt trong phương thức bán hàng nhằm củng cố, phát triển thị trường.

Theo báo cáo từ Sở Công thương, trong 4 tháng đầu năm, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN tại Khu Kinh tế Nghi Sơn vẫn được duy trì, thậm chí còn có sự tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ. Sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh đạt 1.638 triệu kwh, tăng 6,5% so với 4 tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó, các nhà máy sản xuất điện tại KKT Nghi Sơn vẫn duy trì hoạt động ổn định; lớn nhất là Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 thường xuyên chạy tối đa công suất 14 triệu kwh điện mỗi ngày. Tại các DN khai thác các cảng biển, như: Cảng Đại Dương, Cảng PTSC Thanh Hóa, Cảng Quốc tế Nghi Sơn..., các hoạt động đã trở lại nhộn nhịp bình thường, nhiều hãng tàu quốc tế, trong nước vẫn cập cảng đưa hàng hóa xuất, nhập khẩu đến và rời bến với điều kiện tuân thủ các quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Ông Vũ Tuấn Minh - Chủ tịch Công đoàn KKT Nghi Sơn và các KCN, cho biết: “Tuy vẫn có những khó khăn nhất định, nhưng các DN tại KKT Nghi Sơn đã biết khắc phục để duy trì và phát triển sản xuất. Hiện nay, không có DN nào phải tạm dừng hay đình trệ sản xuất. Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh đang đấu mối với các tập đoàn, DN trong và ngoài nước để xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào KKT Nghi Sơn. Nhiều giải pháp kích thích sản xuất đang được các ngành, đơn vị liên quan triển khai theo các chủ trương và văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa các tháng gần đây về hỗ trợ DN vượt khó do đại dịch Covid-19”.

Cùng với nhiệm vụ chống dịch, từ đầu năm tới nay, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng DN. Theo đó, cấp tỉnh và các địa phương, một số sở, ngành đã phối hợp tổ chức các buổi làm việc với DN để tháo gỡ, giải quyết những khó khăn vướng mắc, thúc đẩy tăng trưởng; bàn về các giải pháp phát triển du lịch và công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19; thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng... Tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan hạn chế công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành để tạo điều kiện cho DN sản xuất kinh doanh; nâng cao trách nhiệm trong việc nắm bắt thông tin; đề xuất các giải pháp ngắn hạn, trung hạn, tập trung giải quyết ngay các đề nghị của DN.

Đồng thời, đề nghị các ngân hàng đứng chân trên địa bàn tạo nguồn vay cho DN để đầu tư, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đầu tư hạ tầng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí, gia hạn nộp thuế, hỗ trợ DN trong việc tìm kiếm thị trường... Với những giải pháp kịp thời, hiệu quả, các DN trên địa bàn tỉnh đã có điều kiện thuận lợi hơn để tái sản xuất, tập trung đầu tư xây dựng cơ bản, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phát triển mới của tỉnh trong giai đoạn tới.

Đông Hoàng


Đông Hoàng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]