(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, công tác thu hút đầu tư vào Thanh Hóa mang lại nhiều kết quả tích cực. Thông qua các hoạt động quảng bá, kêu gọi, xúc tiến đầu tư, tiềm năng, thế mạnh cùng các cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh đã trở nên gần gũi, thân thiện với nhà đầu tư.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bước đột phá trong thu hút đầu tư của Thanh Hóa

Những năm gần đây, công tác thu hút đầu tư vào Thanh Hóa mang lại nhiều kết quả tích cực. Thông qua các hoạt động quảng bá, kêu gọi, xúc tiến đầu tư, tiềm năng, thế mạnh cùng các cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh đã trở nên gần gũi, thân thiện với nhà đầu tư.

Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư trong năm 2020 .

Kết quả từ sự đổi mới

Với nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư đã được ban hành, đi vào thực tiễn. Đáng nói, việc thu hút các dự án không còn thụ động chờ các nhà đầu tư đến xúc tiến đầu tư, tỉnh đã chủ động tổ chức nhiều cuộc xúc tiến đầu tư ở nước ngoài để giới thiệu tiềm năng, lợi thế và những chính sách thông thoáng khi đầu tư vào Thanh Hóa. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã dẫn đầu nhiều đoàn công tác, tổ chức nhiều cuộc xúc tiến, mời gọi đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Kuwait…Sau mỗi cuộc xúc tiến đầu tư trên đất nước bạn, nhiều nhà đầu tư sở tại đã quan tâm, đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Thanh Hóa.

Một “kỳ tích” trong thu hút đầu tư là từ đầu năm 2020 đến nay, tuy tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các biện pháp giãn cách xã hội trong nước, rồi hạn chế xuất - nhập cảnh với nước ngoài, song vẫn có 13 nhà đầu tư trong và ngoài nước quyết tâm đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn và Các khu công nghiệp (KKTNS&CKCN). 13 dự án lớn đã được trao giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 527,46 tỷ đồng và 150 triệu USD. Trong số đó, có nhiều dự án với số vốn hàng nghìn tỷ đồng hoặc hàng chục triệu USD được chấp thuận, đang chuẩn bị các điều kiện để triển khai đầu tư xây dựng.

Để có được những thành quả trên, mỗi địa phương, các sở, ngành, cơ quan cấp tỉnh cùng toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc. Đầu tiên phải kể đến công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp được tỉnh coi là nhiệm vụ quan trọng trong những năm gần đây. Các đầu mối thủ tục được đơn giản hóa, doanh nghiệp và các nhà đầu tư không phải đi nhiều sở, ngành để xin các thủ tục như trước. Các phần mềm công nghệ thông tin để giải quyết các thủ tục hành chính được áp dụng, việc phối hợp giải quyết hồ sơ thủ tục giữa các sở, ngành liên quan nhanh gọn hơn nhiều, doanh nghiệp và nhà đầu tư cũng chỉ cần làm việc với một đầu mối.

Tại 2 đơn vị liên quan có vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư của tỉnh là Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban quản lý KKTNS&CKCN tỉnh, công tác cải cách hành chính đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, tiếp tục thực hiện giảm từ 30 đến 60% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định, đồng thời tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn được thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và các chủ đầu tư. Hiện cả 2 cơ quan này đang tiếp tục nâng cao công tác cải cách hành chính, quan tâm chỉ đạo, bám sát thực hiện tiêu chí “4 tăng, 2 giảm và 3 không”, trong đó 4 tăng gồm: tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường công khai minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; tăng sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp. 2 giảm gồm: giảm thời gian, giảm chi phí giải quyết thủ tục hành chính. 3 không là: không phiền hà, sách nhiễu; không yêu cầu bổ sung hồ sơ quá 1 lần; không trễ hẹn.

Riêng tại BQL KKTNS&CKCN tỉnh đã chủ động gửi các thông tin hoặc tiếp cận các nhà đầu tư để mời gọi, xúc tiến các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Thanh Hóa. Cùng với đó, Ban đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, các nhà đầu tư đến sản xuất, kinh doanh. Cũng trong 5 năm qua, BQL KKTNS&CKCN tỉnh đã tổ chức đón tiếp khoảng 200 đoàn nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia tìm hiểu cơ hội. Trong số đó có những tập đoàn kinh tế tầm cỡ trên thế giới, như: Exxon Mobil (Hoa Kỳ), PEC (Singapore), Hyosung, Huyn Dai (Hàn Quốc)…và nhiều tổ chức quốc tế.

Thu hái trái ngọt sau nhiều nỗ lực của toàn tỉnh.

Với cơ sở hạ tầng đồng bộ và chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, sự cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh và cải cách hành chính, giai đoạn 2016-2020, Thanh Hóa đã thu hút được trên 1.100 dự án đầu tư trực tiếp, gấp gần 2 lần so với giai đoạn 2011-2015, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 186.000 tỷ đồng và trên 3.600 triệu USD.

Thanh Hóa cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô cấp tỉnh năm 2020 với số dự án và số vốn thu hút đầu tư lớn nhất từ trước đến nay, đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư đối với 34 dự án, với tổng vốn đầu tư khoảng 15 tỷ USD. Đến ngày 20/11/2020, đã thu hút được 155 dự án đầu tư trực tiếp (13 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký 28.900 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ.

Đánh giá cao quy mô, tầm vóc hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2020 của tỉnh Thanh Hoá, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng đã nhận định: Thanh Hoá là tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư sau dịch Covid-19. Với những nỗ lực thời gian qua, Thanh Hoá đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Thanh Hoá đứng thứ 9 về thu hút vốn đầu tư. Những tiềm năng đã hiện thực hoá với những kết quả đáng khích lệ , đưa Thanh Hoá vươn lên thành tỉnh có quy mô nền kinh tế thứ 8 cả nước. Tỉnh Thanh Hóa đã thay đổi tư duy từ quản lý doanh nghiệp sang hỗ trợ doanh nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao quan điểm của tỉnh và cam kết song hành cùng tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ.

Một trong những dự án FDI lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay - Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng vốn đầu tư lên tới 9,3 tỷ USD đang hoạt động hiệu quả. Công trình trọng điểm Quốc gia mang tầm cỡ quốc tế này đang sừng sững hiện hữu trên vùng ven biển Nghi Sơn, như là một biểu tượng thành công trong thu hút đầu tư vào Thanh Hóa. Cũng tại Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS), nhiều công trình lớn đang hoạt động hiệu quả nhờ những nỗ lực thu hút đầu tư của các giai đoạn trước. Có thể kể đến Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Công ty Xi măng Nghi Sơn, các hệ thống cảng biển nước sâu..., và gần đây Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 đang xây dựng.

Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, tuyến vận tải container quốc tế tại Cảng Quốc tế Nghi Sơn đãthu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng. Việc tuyến vận tải biển container quốc tế đầu tiên của khu vực Bắc Trung bộ được mở tại Cảng Quốc tế Nghi Sơn đã giúp khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của hệ thống cảng biển Nghi Sơn; tăng điểm hấp dẫn của Thanh Hóa trong thu hút đầu tư và là minh chứng cho sự quyết tâm đồng hành của tỉnh Thanh Hóa cùng với doanh nghiệp.

Những dự án được gọi là “kỳ tích” được đầu tư trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, điển hình như Dự án Nhà máy Sản xuất lốp ô tô Radial của Công ty TNHH Lốp COPO Việt Nam với tổng số vốn đầu tư là 60 triệu USD (khoảng 1.398 tỷ đồng) tại KCN Bỉm Sơn. Một dự án có vốn nước ngoài khác là Nhà máy Sản xuất găng tay Nitrile Intco Việt Nam của Công ty Intco medical Việt Nam với tổng số vốn là 70 triệu USD (tương đương khoảng 1.642 tỷ đồng) cũng được chấp thuận đầu tư vào KCN Bỉm Sơn. Hơn 20 dự án khác tuy chưa được trao giấy chứng nhận đầu tư, song các chủ đầu tư đã có nhiều động thái tích cực cho thấy gần như chắc chắn sẽ đầu tư trong những ngày tới.

Có được kết quả trên là do môi trường đầu tư kinh doanh của Thanh Hoá được cải thiện mạnh mẽ. Lãnh đạo tỉnh luôn nỗ lực hết mình hỗ trợ nhà đầu tư phát triển. Khi các nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư, tỉnh luôn thực hiện “2 đồng hành” và “3 cam kết”, đó là: Đồng hành cùng nhà đầu tư khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư, và đồng hành với nhà đầu tư trong việc giải quyết thủ tục hành chính, kể cả những thủ tục thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương”. Khi nhà đầu tư đã quyết định đầu tư, tỉnh chủ động thực hiện, “Ba cam kết”, đó là: Cam kết tiến độ giải phóng mặt bằng theo yêu cầu của nhà đầu tư; Cam kết đầu tư hạ tầng đường giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc đến chân hàng rào dự án; Cam kết đồng hành với nhà đầu tư, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình đầu tư và vận hành thương mại của dự án.

Với phương châm “Doanh nghiệp thành công - Thanh Hóa phát triển”, tỉnh Thanh Hóa luôn hoan nghênh, chào đón các nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư và quyết định đầu tư tại Thanh Hóa, tỉnh cam kết sẽ luôn sát cánh, đồng hành và chia sẻ cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất tại tỉnh Thanh Hóa.

Đông Hoàng


Đông Hoàng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]