Chính phủ dự kiến 2 kịch bản tăng trưởng của Việt Nam năm 2020. Trong đó, kịch bản tốt là dự kiến GDP tăng khoảng 4,4-5,2% so với năm 2019; kịch bản xấu hơn là dự kiến GDP tăng khoảng 3,6-4,4% so với năm 2019.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chính phủ dự kiến 2 kịch bản tăng trưởng năm 2020

Chính phủ dự kiến 2 kịch bản tăng trưởng của Việt Nam năm 2020. Trong đó, kịch bản tốt là dự kiến GDP tăng khoảng 4,4-5,2% so với năm 2019; kịch bản xấu hơn là dự kiến GDP tăng khoảng 3,6-4,4% so với năm 2019.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp. (Ảnh: quochoi.vn)

Đây là nội dung quan trọng trong Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 15/5.

Dự kiến 2 kịch bản

Trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã dự kiến 2 kịch bản tăng trưởng năm 2020.

Hai kịch bản được xây dựng trên cơ sở dự báo tình hình, rà soát và tính toán các cân đối lớn, ước khả năng thực hiện và với 2 giả định. Một là, Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020, không thay đổi dự toán chi đầu tư phát triển, giải ngân tối đa vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020. Hai là tình hình diễn biến, khả năng khống chế dịch bệnh, nới lỏng và thực hiện các hoạt động kinh tế của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng đối với Việt Nam (Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Cụ thể, dự kiến có 02 kịch bản như sau:

Kịch bản 1: Thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong Quý III/2020, theo đó dự kiến GDP tăng khoảng 4,4-5,2% so với năm 2019 (thấp hơn 1,6-2,4 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra), trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,5-2,8%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,7-7,9%, khu vực dịch vụ ước tăng 2,8-3,6%.

Kịch bản 2: Thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong Quý IV/2020, theo đó dự kiến GDP tăng khoảng 3,6-4,4% so với năm 2019 (thấp hơn 2,4-3,2 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra), trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,1-2,5%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,8-6,7%, khu vực dịch vụ ước tăng 1,8-2,8%.

Chính phủ khẳng định, trong quá trình phát triển, nước ta đã bị tác động và vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng trên thế giới. Để ứng phó, nước ta đã phải linh hoạt điều chỉnh mục tiêu phát triển, đề ra các giải pháp đồng bộ, phù hợp, bảo đảm sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành. Cuộc khủng hoảng dịch tễ COVID-19 hiện nay không xuất phát từ khó khăn, yếu kém trong hệ thống tài chính, tiền tệ khu vực và thế giới mà từ yếu tố khách quan, nhưng tác động và phạm vi ảnh hưởng nặng nề, mạnh mẽ hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng trước đây. Do đó, yêu cầu điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế khách quan.

Dự kiến những chỉ tiêu cần điều chỉnh là: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 4,5% (trước đây là 6,8%), nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng cao hơn; trường hợp tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi, phấn đấu đạt mức tăng 5,4%, nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 là 6,5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2020 khoảng 4% (trước đây là dưới 4%); tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4% (trước đây là khoảng 7%); tổng số thu ngân sách nhà nước giảm 163 nghìn tỷ đồng so với dự toán được giao; bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 4,75% GDP (tăng 1,31% so với mục tiêu đề ra); tỷ lệ nợ công bằng khoảng 55,5% GDP (tăng 3,2% so với mục tiêu đề ra).

Không nên vội vàng điều chỉnh chỉ tiêu

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến đều thống nhất đánh giá trước diễn biến và tác động của đại dịch COVID-19, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kịp thời nhiều kết luận, Nghị quyết, Chỉ thị với phương châm "chống dịch như chống giặc", kiểm soát dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu, quan trọng nhất nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, ổn định xã hội, giảm thiểu thiệt hại đối với nền kinh tế, tạo điều kiện duy trì và sớm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, sớm tận dụng cơ hội sau khi hết dịch để phát triển nhanh, bền vững.

Đến nay, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội và hạn chế tới mức thấp nhất tác động tiêu cực lên nền kinh tế, được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao, Việt Nam trở thành “tấm gương” cho nhiều quốc gia trong ứng phó hiệu quả với dịch bệnh trong điều kiện nguồn lực hạn chế. Những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 đã tiếp tục củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước ta; nâng cao vai trò, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Phát biểu tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy cho rằng, chống dịch quan trọng nhưng phát triển kinh tế quyết định sự phát triển đất nước trong tương lai. Do đó, cần nhấn mạnh quản trị quốc gia trong tình hình mới, dịch vừa qua đã chỉ ra thách thức nhưng cũng là thời cơ đẩy mạnh ứng dụng cách mạng 4.0. Thời gian qua đây là vấn đề nói nhiều nhưng qua dịch thấy 4.0 chưa được đẩy mạnh nhiều.

Cho rằng cần rút kinh nghiệm trong quá trình điều hành việc xuất khẩu gạo, giá thịt lợn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, vấn đề này thể hiện sự không thống nhất trong điều hành. “Nhân dân nói giá thịt lợn giảm trên ti vi còn giá lợn ở chợ không giảm” - Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc nói và đề nghị cần rút kinh nghiệm.

Liên quan việc điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng, ông cho rằng, nên giữ nguyên, chưa nên vội điều chỉnh chỉ tiêu bởi “vẫn chưa nói trước được tình hình dịch bệnh như thế nào”.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng không nên vội vàng điều chỉnh chỉ tiêu. “Nên chăng báo cáo khả năng không đạt với Quốc hội bởi hiện nay mọi thứ vẫn đang còn diễn biến” - bà đề nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị cần cân nhắc kỹ thêm về các chỉ tiêu. Ông nhấn mạnh, điều cần nhất là thúc đẩy sản xuất kinh doanh để đạt mức cao nhất có thể, còn điều chỉnh thế nào thì Chính phủ cần nghiên cứu, cân nhắc thật kỹ. Đồng thời, lựa chọn vấn đề nào cần thiết thì có Tờ trình cụ thể, phân tích rõ để Quốc hội nắm rõ tình hình.

Kết luận vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát, dự báo đánh giá tình hình năm 2020 một cách sát nhất và có thể xây dựng kịch bản thứ 3 với tình hình dịch bệnh có thể kéo dài sang năm 2021, kéo theo kinh tế gặp nhiều khó khăn. Theo đó tăng trưởng của Việt Nam chỉ khoảng 3%, kéo theo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn gặp khó khăn.

Đối với dự kiến của Chính phủ về điều chỉnh chỉ tiêu, UBTVQH thống nhất cho rằng, chưa đủ căn cứ pháp lý để xin ý kiến Quốc hội về điều chỉnh chỉ tiêu. Vì vậy, đề nghị Chinh phủ xin ý kiến Quốc hội về một số nguyên tắc về điều hành; nếu cóbiến động thì sẽ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 10, để đảm bảo linh hoạt, chặt chẽ.

Theo dangcongsan.vn


Theo dangcongsan.vn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]