(vhds.baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình lên doanh nghiệp, nhưng vì nhiều lý do khác nhau như thủ tục thành lập phức tạp, chế độ sổ sách kế toán nặng nề... nên việc chuyển đổi này đến nay chưa được như kỳ vọng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyển đổi mô hình hộ kinh doanh lên doanh nghiệp: Người dân có mặn mà?

Thời gian qua, mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình lên doanh nghiệp, nhưng vì nhiều lý do khác nhau như thủ tục thành lập phức tạp, chế độ sổ sách kế toán nặng nề... nên việc chuyển đổi này đến nay chưa được như kỳ vọng.

Ngại “lên đời”?

Theo ông Lý Đình Sỹ - Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng (KTHT) huyện Thọ Xuân: Một trong những hỗ trợ mang tính “vĩ mô” đã được quy định rất cụ thể trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14, có hiệu lực từ đầu năm 2018. Theo đó, khi hộ kinh doanh chuyển đổi sang doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp; miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật...

Sự hỗ trợ và lợi ích là thấy rõ, thế nhưng hiện nay trên địa bàn huyện Thọ Xuân, mặc dù có rất nhiều hộ kinh doanh đáp ứng đủ điều kiện về quy mô doanh thu, lao động... song việc chuyển đổi doanh nghiệp diễn ra cũng khá khiêm tốn. Theo các hộ kinh doanh nếu chuyển đổi lên doanh nghiệp thì phải thực hiện nhiều thủ tục, đặc biệt là tăng thêm các khoản chi phí, điều đó khiến cho họ “ngần ngại” trong việc chuyển đổi. “Chúng tôi không thể áp dụng biện pháp hành chính để ép họ, bởi vì họ đang làm ăn được với vai trò là hộ kinh doanh, cứ để họ làm ăn và đóng thuế. Mình chỉ có thể vận động chuyển đổi chứ nếu ép họ thì họ tuyên bố là nghỉ kinh doanh”, ông Sỹ cho biết.

Lý giải vì sao hộ kinh doanh còn ngần ngại khi chuyển đổi lên doanh nghiệp, anh Lê Hữu Lâm - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề bánh gai tứ trụ xã Thọ Diên (Thọ Xuân), chia sẻ: Mỗi năm, doanh số bán hàng đạt 100 - 200 triệu đồng, chủ yếu là khách lẻ, không có nhu cầu về hóa đơn tài chính. Bản thân chủ cửa hàng cũng không cần pháp nhân của doanh nghiệp để vay vốn ngân hàng nên không nhất thiết phải chuyển đổi thành doanh nghiệp. Hơn nữa, trở thành doanh nghiệp, người kinh doanh như chúng tôi sẽ phải thực hiện nhiều quy định hơn như: báo cáo thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phòng cháy chữa cháy, đồng nghĩa với việc tăng chi phí. Nói thật nếu chuyển lên doanh nghiệp cũng có những vướng mắc về thuế, nhân sự nên chúng tôi còn băn khoăn chưa muốn chuyển đổi”.

Còn theo chị Hoa, chủ một cửa hàng thời trang trên địa bàn huyện Hoằng Hóa, chia sẻ: Nếu hoạt động theo mô hình doanh nghiệp mà vẫn giữ nguyên quy mô và giao dịch với khách hàng cá nhân, nhỏ lẻ thì hiệu quả kinh tế thậm chí còn không bằng so với hộ kinh doanh. Ngoài ra là phải đóng thuế cao hơn, mất thời gian và chi phí cho việc kê khai thuế, doanh nghiệp còn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề khác như thường xuyên bị thanh tra, kiểm tra; các yêu cầu về điều kiện kinh doanh, phòng cháy chữa cháy... của doanh nghiệp cũng cao hơn so với hộ kinh doanh cá thể. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập trong ngành thời trang có rất ít khả năng thực hiện giao dịch với các khách hàng có nhu cầu lớn.

Lo ngại thủ tục rườm rà, kê khai thuế..., nhiều hộ kinh doanh cá thể chưa mặn mà với việc phát triển lên doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, việc kinh doanh theo hình thức hộ kinh doanh có nhiều hạn chế, trong đó hạn chế lớn nhất là không có tư cách pháp nhân. Với quy định của ngành ngân hàng, nếu không có tư cách pháp nhân thì không thể cho vay vốn. Một hạn chế khác là phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo hình thức thuế khoán kể cả khi tình trạng kinh doanh không tốt cũng khó thuyết phục được hội đồng này giảm số thuế phải nộp. Vấn đề này sẽ được giải quyết khi chuyển sang doanh nghiệp, giá trị “đầu vào”, “đầu ra” rõ ràng qua chứng từ, hóa đơn, sổ sách nên việc thực hiện nghĩa vụ thuế sẽ phù hợp tình hình kinh doanh hơn.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Xuân Lưu - Phó chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Hoằng Hóa, thừa nhận: Nhiều người kinh doanh không qua trường lớp, trong khi lên doanh nghiệp đồng nghĩa với việc phải lo sổ sách kế toán sẽ không phù hợp với trình độ của họ. Ngoài ra, nhiều hộ kinh doanh muốn “ẩn mình” trong quy mô hộ kinh doanh nhỏ vì không muốn thực hiện các nghĩa vụ như mua BHXH cho người lao động...

Tạo động lực cho hộ kinh doanh tự chuyển đổi

Theo ý kiến của lãnh đạo nhiều địa phương thời gian qua mặc dù tỉnh Thanh Hóa đã có những chính sách khá đầy đủ và toàn diện để hỗ trợ cho các DN thành lập mới. Tuy nhiên, để những chính sách đó thực sự đi vào cuộc sống, người kinh doanh thực sự hiểu rõ những lợi ích của mình trong việc chuyển đổi mô hình thì phải có những giải pháp cụ thể, căn cơ hơn.

Ông Lý Đình Sỹ - Trưởng phòng KTHT huyện Thọ Xuân khẳng định: Mục tiêu của huyện trong việc phát triển doanh nghiệp là không chỉ gia tăng về số lượng mà phải mang lại hiệu quả kinh tế thực chất. Để vận động hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp, huyện đã phối hợp với các xã trực tiếp trao đổi với các hộ kinh doanh có doanh thu lớn về lợi ích khi trở thành doanh nghiệp, cũng như tích cực hỗ trợ nghiệp vụ thuế và hồ sơ chuyển đổi.

Cũng theo ông Lê Xuân Lưu, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Hoằng Hóa: Muốn hộ kinh doanh chuyển sang DN cần có chính sách hỗ trợ toàn diện khâu sản xuất kinh doanh. Theo đó, các cơ quan chức năng cần phối hợp đồng bộ và có giải pháp cụ thể hơn trong việc tạo môi trường kinh doanh thân thiện như giảm tần suất các cuộc thanh tra, kiểm tra không cần thiết, tập huấn kỹ năng quản trị và đảm bảo các điều kiện hoạt động cho từng nhóm ngành nghề cụ thể thay vì để doanh nghiệp làm sai rồi xử phạt...

Theo số liệu thống kê, 6 tháng đầu năm 2018, Thanh Hóa có 160 doanh nghiệp được thành lập mới, 1.169 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 19% so với cùng kỳ và bằng 39% so với kế hoạch; Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2018 là 252 doanh nghiệp, tăng 24,1% so với cùng kỳ (tăng 49 doanh nghiệp); số doanh nghiệp tạm ngừng có thời hạn là 452 doanh nghiệp, tăng 136 doanh nghiệp so với cùng kỳ; trong tổng số doanh nghiệp đăng ký tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn có 125 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành dịch vụ; 76 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành sản xuất, chế biến; 138 doanh nghiệp nhóm ngành nghề bán buôn bán lẻ; 52 doanh nghiệp thuộc nhóm xây dựng; 28 doanh nghiệp thuộc nhóm dịch vụ vận tải và 33 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành khác.

Ông Lôi Quang Vũ, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT cho biết: để đạt mục tiêu phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Thanh Hóa xác định 2 nguồn chính là chuyển đổi các hộ kinh doanh sang hoạt động theo hình thức doanh nghiệp và số lượng các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới hàng năm do đó bên cạnh chính sách khuyến khích, cần có biện pháp thực thi nghiêm túc với hộ đủ điều kiện, số lao động lớn nhưng không chịu lên doanh nghiệp để “né” nghĩa vụ.

Yến Vy


Yến Vy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]