(vhds.baothanhhoa.vn) - Mặc dù có nhiều lợi thế về nguồn tài nguyên nông, lâm nghiệp, nhưng nhiều địa phương ở Thanh Hóa vẫn khó phát triển nông nghiệp công nghệ cao do, thiếu hạ tầng, nguồn nhân lực...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Có lợi thế, nhiều huyện vẫn khó phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Mặc dù có nhiều lợi thế về nguồn tài nguyên nông, lâm nghiệp, nhưng nhiều địa phương ở Thanh Hóa vẫn khó phát triển nông nghiệp công nghệ cao do, thiếu hạ tầng, nguồn nhân lực...

Thường Xuân vốn là huyện có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, được khẳng định từ mô hình sản xuất dưa Kim Hoàng Hậu với 1,5ha được trồng trong nhà lưới ở xã Thọ Thanh. Theo đó, mô hình này do HTX nông nghiệp Thọ Thanh đưa vào sản xuất từ năm 2018, đến nay đã sản xuất được 3 vụ, năng suất trung bình 25 đến 30 tấn/ha/vụ. Sản phẩm hiện đang được tiêu thụ tại các siêu thị và cửa hàng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh, mang lại doanh thu hơn 2 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, HTX này cũng phát triển được 6 ha cây ăn quả ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt theo tiêu chuẩn VietGAP và hơn 100 ha mía ứng dụng kỹ thuật thâm canh, năng suất cao.

Cũng từ mô hình sản xuất dưa Kim Hoàng Hậu của xã Thọ Thanh, xu hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng nhà màng, nhà lưới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đã được nông dân trên địa bàn huyện Thường Xuân ứng dụng rộng rãi, hiệu quả kinh tế cao gấp 2,5 đến 3 lần so với sản xuất thông thường. Không chỉ ứng dụng công nghệ cao vào trồng trọt mà trong lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, huyện Thường Xuân cũng chú trọng phát triển và mang lại kết quả khả quan, như: Mô hình chăn nuôi gà liên kết với Công ty CP Nông sản Phú Gia; mô hình nuôi bò thịt chất lượng cao tại xã Ngọc Phụng, Xuân Dương; mô hình nuôi cá lồng ứng dụng kỹ thuật mới tại xã Xuân Cẩm... Mặc dù việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, nhưng hiện huyện vẫn đang gặp phải rất nhiều thách thức, khó khăn. Khó khăn lớn nhất chính là nguồn vốn đầu tư cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo nhân lực, tiêu thụ sản phẩm,... Chẳng hạn, muốn thành lập và phát triển trang trại chăn nuôi theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao chi phí sẽ gấp 4-5 lần so với việc xây dựng trang trại chăn nuôi mô hình truyền thống. Thực tế, đời sống người dân miền núi còn gặp nhiều khó khăn, tư duy của họ vẫn thiên về sản xuất nhỏ lẻ, an toàn theo kiểu truyền thống, chưa dám mạnh dạn đầu tư để phát triển, nâng cao thu nhập.

Việc hình thành và phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao vẫn đang là cái khó của nhiều địa phương miền núi.

Điều này, cũng là băn khoăn của rất nhiều địa phương ở miền núi. Tại Lang Chánh, theo ông Lương Văn Phúc - Trưởng phòng NN&PTNT, thì: Trên địa bàn vẫn chưa hình thành được vùng sản xuất công nghệ cao nào, mặc dù huyện đã rất tích cực thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, như: tăng cường công tác tuyên truyền về những lợi ích của việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân biết để thực hiện, tập trung ưu tiên, kêu gọi các doanh nghiệp xây dựng các mô hình, khuyến khích người dân áp dụng các kỹ thuật công nghệ cao, như: Tưới nhỏ giọt bằng công nghệ Isarel cho cây ăn quả nhằm tiết kiệm nguồn nước vào mùa khô, áp dụng các kỹ thuật hiện đại để nâng cao chất lượng cũng như sản lượng cho các loại cây trồng, đặc biệt là cây ăn quả... Huyện cũng trích ngân sách để hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển đổi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đồng thời chủ động liên kết với các doanh nghiệp để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cho người dân... tuy nhiên, vẫn chưa đạt kết quả khả quan.

Tại một số huyện như Cẩm Thủy, Như Xuân, Ngọc Lặc,... cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, với đặc thù là huyện miền núi, đời sống người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, trình độ sản xuất còn hạn chế nên nhiều HTX, hộ gia đình chưa mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn lớn, phải ít nhất 2 đến 3 năm sản xuất thuận lợi mới có thể thu hồi vốn. Thêm vào đó, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn khu vực miền núi còn nhiều khó khăn. Cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao chưa thực sự hấp dẫn, do đó, nhiều đơn vị, cá nhân trên địa bàn vẫn chưa mặn mà.

Nói về những khó khăn để phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở các huyện miền núi, phần đa các lãnh đạo ở nhiều địa phương đều cho rằng: Một trong những khó khăn lớn là việc sản xuất công nghệ cao đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực cao, có hiểu biết về khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp mà trên thực tế, nguồn nhân lực có chuyên môn, đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ở các huyện miền núi hiện nay còn hạn chế, ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận khoa học công nghệ. Khó khăn tiếp đó là thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được xây dựng với mục tiêu phát triển toàn diện, theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, khi chúng tôi tiếp cận với nông dân, người trực tiếp sản xuất, họ đều lo ngại về vấn đề thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư, rủi ro lớn khi có thiên tai, chưa tạo được sản phẩm đặc trưng, thường xuyên cho thị trường...

Đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là lời giải bài toán nâng cao thu nhập cho người dân ở các huyện miền núi. Tuy nhiên, để làm được, nên chăng các huyện miền núi cần xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, như: Thủ tục thuê đất, xây dựng, củng cố hệ thống giao thông nội đồng, thủy lợi, hệ thống điện, tạo thuận lợi cho việc đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp,...

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]