(vhds.baothanhhoa.vn) - Ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu tỉnh Thanh Hóa rơi vào tình cảnh khó khăn. Bởi vậy, việc cơ cấu lại sản xuất, cắt giảm lao động (LĐ) là giải pháp mà các doanh nghiệp (DN) đã và đang thực hiện để vượt qua giai đoạn này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Doanh nghiệp cơ cấu lại sản xuất ứng phó dịch Covid-19

Ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu tỉnh Thanh Hóa rơi vào tình cảnh khó khăn. Bởi vậy, việc cơ cấu lại sản xuất, cắt giảm lao động (LĐ) là giải pháp mà các doanh nghiệp (DN) đã và đang thực hiện để vượt qua giai đoạn này.

May công nghiệp xuất khẩu là lĩnh vực chịu tác động trực tiếp của đại dịch Covid-19, do phụ thuộc đến 90% nguyên, phụ liệu từ Trung Quốc, Đài Loan nên khi các nhà máy tại nước này đóng cửa cũng như Chính phủ các nước tạm thời đóng các cửa khẩu, hạn chế giao dịch tất cả các DN may mặc, giày da đều lâm vào cảnh khó khăn. Trước tiên là thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào, rồi đến khó khăn trong xuất khẩu sản phẩm và tiếp đó phải đảm bảo nguồn thu nhập cho người LĐ cũng như duy trì hoạt động của các nhà máy. Thử thách này là cuộc thi gan của các DN buộc họ phải quyết đoán trong hướng đi riêng để cứu chính mình và người LĐ.

Nhiều doanh nghiệp cơ cấu lại sản xuất để ứng phó với dịch Covid-19.

Tổng Công ty Tiên Sơn Thanh Hóa, vốn là một trong những công ty lớn trong lĩnh vực may mặc tại Thanh Hóa, đến thời điểm này, mặc dù nguyên liệu sản xuất của công ty ngày càng khan hiếm, sản phẩm làm ra không xuất đi được phải nằm lưu kho... Tuy vậy, lo lắng trước thu nhập của gần 9.000 LĐ, lãnh đạo Tổng Công ty Tiên Sơn đã đưa ra giải pháp trước mắt là bố trí lao động luân phiên, giảm bớt giờ làm, tuyên truyền người LĐ chi tiêu tiết kiệm, đảm bảo thu nhập.

Bên cạnh việc cơ cấu lại LĐ, để tạo việc làm, đảm bảo thu nhập cho công nhân, Tổng Công ty Tiên Sơn đã quyết định chuyển 3 nhà máy sang sản xuất khẩu trang kháng khuẩn. Hiện tại, mỗi ngày các nhà máy của tổng công ty sản xuất được 50.000 khẩu trang kháng khuẩn. Theo thông tin của lãnh đạo công ty thì chỉ ít ngày nữa, khi công ty nhập được máy sản xuất khẩu trang chuyên dụng sẽ nâng công suất lên 200.000 khẩu trang mỗi ngày. Mặt hàng khẩu trang kháng khuẩn của công ty này tuy mới được cung cấp thị trường trong nước nhưng khi được xuất khẩu, sẽ là hướng đi quan trọng không chỉ giúp Tổng Công ty Tiên Sơn mà nhiều DN may trong tỉnh đảm bảo sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh.

Theo báo cáo của Công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, hiện nay các DN sản xuất giày da trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì sản xuất. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều đơn hàng đã bị hủy hoặc giãn tiến độ giao hàng, buộc các DN phải giảm dần số LĐ. Hiện, đã có một số doanh nghiệp giày da chấm dứt hợp đồng và thanh toán đủ tiền công đối với những LĐ đang trong thời gian thử việc. Trong đó, Công ty TNHH giày RollSport Việt Nam cắt giảm 460 LĐ, Công ty TNHH Giày Aleron Việt Nam cắt giảm 370 LĐ, Công ty TNHH Giày Annora Việt Nam cắt giảm 443 LĐ, Công ty TNHH Giày SunJade Việt Nam cắt giảm 48 LĐ. Để đảm bảo việc làm thường xuyên cho 80.000 LĐ còn lại, Tập đoàn Hồng Phúc, DN đang có 10 nhà máy sản xuất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã lên phương án cắt giảm khoảng 10.000 LĐ đối với LĐ có hợp đồng dưới một năm, đồng thời xây dựng phương án cho các giai đoạn tiếp theo cho đến khi dịch bệnh được khống chế.

Theo ông Trịnh Xuân Lâm - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh, cho biết: Toàn tỉnh hiện có hơn 200 DN trong lĩnh vực may mặc, giày da, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn LĐ. Ở thời điểm này, hầu hết các DN đều đang gặp khó khăn do phụ thuộc nguyên liệu đầu vào từ các đối tác Trung Quốc. Nhiều DN đã phải sản xuất cầm chừng, cho người LĐ làm việc luân phiên. Hiệp hội cũng đã bàn bạc, định hướng cho các DN nghiên cứu, thay thế nguồn nguyên liệu từ các đối tác khác nhưng gặp khó khăn do giá thành cao hơn làm tăng các chi phí đầu vào, trong khi các đơn hàng đã được ký kết và thống nhất về giá. Bên cạnh đó, với các công ty may gia công, chủ hàng là đối tác Trung Quốc hiện chưa sang được Việt Nam hoặc đang bị cách ly do dịch bệnh Covid-19, cũng làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của các DN.

Không chỉ các mặt hàng may mặc, giày da mà lĩnh vực nông, lâm, thủy sản hiện cũng bị tồn đọng, dồn ứ, hàng loạt DN có nguyên liệu đầu vào xuất xứ từ Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ đóng cửa hoặc thiếu việc làm. Nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục kéo dài, thì nhiều DN tại Thanh Hóa có đối tác là khách hàng Trung Quốc, Đài Loan đều có nguy cơ đóng cửa tạm thời vì thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào và đơn hàng sản xuất.

Theo thông tin từ Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa, hàng năm, xuất khẩu các mặt hàng nông sản của tỉnh sang Trung Quốc đạt khoảng 64 triệu USD. Theo kế hoạch, năm 2020, toàn tỉnh sẽ xuất khẩu khoảng 61.000 tấn tinh bột sắn, 2.200 tấn cói nguyên liệu, 13.000 tấn thủy sản... Tuy nhiên, hiện nay nhiều mặt hàng đang bị tồn kho, dồn ứ.

Theo báo cáo của LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, hiện nay, toàn tỉnh có 201 đơn vị (trong đó khối DN là 156, trường học là 45) phải thực hiện việc cắt giảm LĐ, với số LĐ bị ảnh hưởng là 46.686 người. Trong đó, chấm dứt hợp đồng LĐ 15.982 người; LĐ phải nghỉ luân phiên 7.845 người; tạm hoãn hợp đồng LĐ, ngừng việc 22.859 người. Theo báo cáo của các cấp công đoàn, các DN sẽ tiến hành cắt giảm LĐ theo thứ tự như: Cắt giảm toàn bộ LĐ đang trong thời gian thử việc; nếu dịch Covid-19 vẫn tiếp tục như hiện nay sẽ cắt giảm đến LĐ có thời hạn làm việc dưới 1 năm, bố trí cho người LĐ làm việc luân phiên để duy trì hoạt động; từ tháng 5 trở đi nếu dịch Covid-19 vẫn chưa giảm thì sẽ tiếp tục cắt giảm đến hợp đồng LĐ từ 1 năm trở lên. Dự báo cao nhất có khả năng phải cắt giảm tối đa đến 50% lực lượng LĐ của DN.

Ðể hỗ trợ các DN trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, Chính phủ đã có những giải pháp thiết thực. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 13/3/2020 Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01 về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ vay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cùng với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 11 ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, nhiều ý kiến cho rằng, các DN trên địa bàn tỉnh cần nỗ lực tìm giải pháp chủ động tháo gỡ khó khăn. Trong đó tăng cường tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu thị trường, mở rộng thị trường; đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao hàm lượng chế biến và giá trị gia tăng. Ðồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn; đặc biệt khuyến khích các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến, điều chỉnh cơ cấu một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và lợi thế so sánh của địa phương.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]