(vhds.baothanhhoa.vn) - Liên tiếp các gói chính sách về tài khóa và tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 với quy mô chưa từng có tiền lệ đã và đang được các ngành liên quan triển khai và được xem là những giải pháp rất thiết thực giúp DN có thể giảm bớt khó khăn trong giai đoạn này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Doanh nghiệp kỳ vọng vào chính sách tháo gỡ khó khăn

Liên tiếp các gói chính sách về tài khóa và tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 với quy mô chưa từng có tiền lệ đã và đang được các ngành liên quan triển khai và được xem là những giải pháp rất thiết thực giúp DN có thể giảm bớt khó khăn trong giai đoạn này.

Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tiêu cực lên toàn diện các ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Trong đó, hàng loạt DN bị đứt gãy về chuỗi nguồn cung nguyên liệu và cầu sản phẩm. Nặng nề nhất là các DN trong ngành dệt may, giày da, nông sản, dịch vụ du lịch và bán lẻ, những ngành nghề sử dụng nhiều lao động. Thanh Hóa hiện có hơn 15.500 DN đang hoạt động, trong đó có tới 90% là DN nhỏ và vừa. Với đối tượng DN này, thời gian tích lũy vốn còn ngắn, kinh nghiệm điều hành sản xuất còn hạn chế.

DN kỳ vọng vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn giúp ổn định sản xuất, kinh doanh.

Có thể nói, dịch bệnh Covid-19 tác động toàn diện trên các lĩnh vực từ đầu tư, y tế, giao thông, du lịch, giáo dục, thương mại... Một số DN đã thống kê thiệt hại như: Công ty CP Đầu tư khoáng sản Đại Dương giảm gần 50% doanh thu, Công ty CP Xi măng Công Thanh thiệt hại tới 459 tỷ đồng... Nhiều DN sử dụng nguyên liệu chính nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và một số thị trường khác có nguy cơ thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng, dẫn đến công suất không đạt theo yêu cầu. Vì vậy, các DN buộc phải cắt giảm hoặc phân công ca làm việc luân phiên cho người lao động. Đồng thời, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, khó có khả năng để hoàn thành được các chỉ tiêu về kế hoạch sản xuất năm 2020. Hiện nay, Tập đoàn HongFu đã cắt giảm khoảng 10.000 lao động hợp đồng dưới 1 năm, Công ty TNHH SH Vina cắt giảm 200 lao động...

Anh Trần Văn Tân - Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong cách mới cho biết: “Ngân hàng cũng có chính sách giảm lãi suất cho vay cũng như số dư nợ tiền vay nhưng mức giảm chưa được như kỳ vọng, chưa tác động, hỗ trợ được nhiều bù đắp những khó khăn của doanh nghiệp, nếu áp dụng được đồng bộ các giải pháp, các doanh nghiệp sẽ giảm bớt được những khó khăn.”

Rà soát mới nhất của Sở Công thương cho thấy, 32 ngành hàng công nghiệp chủ yếu của tỉnh đều chịu tác động do diễn biến phức tạp của dịch bệnh gây ra. Trong lĩnh vực may mặc, giày da, chỉ một số ít DN dự trữ đủ nguyên liệu sản xuất tới tháng 6 hoặc đã nhập khẩu nguyên liệu thành công từ các thị trường khác.

Chị Nguyễn Thị Mai - Giám đốc Công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu thực phẩm Sao Mai, chia sẻ: “Hiện công ty đã phải ngừng thu mua nguyên liệu do chi phí hàng tồn kho, bảo quản nguyên liệu cao. Không những vậy, hoạt động của các nhà hàng, khách sạn cũng gặp khó khăn nên thực phẩm đã được nhập khẩu về cũng bị tồn đọng. Đến thời điểm hiện tại, số hàng hóa tồn đọng tại các kho lạnh của công ty đã lên tới 8 container, giá trị khoảng 4,8 tỷ đồng. Để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa tồn kho, đơn vị đã hạ giá 20% sản phẩm nhưng vẫn không xuất được hàng”.

Được biết, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn các DN làm thủ tục tạm dừng đóng bảo hiểm, hưu trí, tử tuất đối với DN bị giảm 50% lao động. Trong đó, đã làm văn bản xác nhận cho 9 DN thuộc đối tượng thụ hưởng. Sở cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn DN trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động. Trong thời điểm DN đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về đơn hàng, sức mua giảm sút, dòng tiền bị nghẽn lại nhưng chi phí vận hành DN vẫn phải đảm bảo. Hơn lúc nào hết, DN mong chờ vào những giải pháp phù hợp để có thể tiếp cận các gói hỗ trợ nhanh, trúng và đúng. Nguồn vốn tín dụng được “tung” ra trong bối cảnh này đang được các DN, các hộ kinh doanh chịu tác động của dịch bệnh thực sự kỳ vọng, đặc biệt là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng. Không chỉ vậy, việc thực thi đồng bộ các giải pháp hỗ trợ cũng được kỳ vọng sẽ tạo động lực kép cho doanh nghiệp ổn định và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Sáng ngày 9/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”. Hội nghị được truyền hình trực tuyến với 93 điểm cầu trên cả nước. Ngay sau hội nghị, trên cơ sở kết luận của Thủ tướng Chính Phủ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại hội nghị, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; bảo đảm mọi người dân và doanh nghiệp được hưởng các gói hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian ngắn nhất, đúng đối tượng và không bỏ sót trường hợp nào để doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến cũng yêu cầu Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; VCCI - Chi nhánh Thanh Hóa rà soát, thống kê lại đầy đủ những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp để kiến nghị tỉnh những giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách và bổ sung nguồn lực để giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Trong trường hợp đặc biệt, Thường trực Tỉnh ủy sẽ xem xét từ nguồn ngân sách tỉnh để giải quyết.

49.132 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Theo thống kê từ Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa, đến ngày 5/5/2020, toàn tỉnh có 201 doanh nghiệp phải thực hiện việc cắt giảm lao động, với số lao động bị ảnh hưởng là 49.132 người.

Trong đó, chấm dứt hợp đồng lao động 17.601 người. Lao động phải nghỉ luân phiên là 7.917 người. Tạm hoãn hợp đồng lao động, ngừng việc 23.614 người.

Theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó, chỉ hỗ trợ đối với trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương và các trường hợp bị chấm dứt hợp đồng lao động từ tháng 4/2020 đến tháng 6/2020.

Như vậy, Thanh Hóa sẽ có khoảng gần 23.000 người lao động bị tạm hoãn hoặc chấm dứt hợp đồng lao động trước ngày 1/4/2020 không được hưởng gói hỗ trợ.

Để giúp người lao động vơi đi phần nào khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, Liên đoàn Lao động tỉnh đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét hỗ trợ cho người lao động đã bị tạm hoãn hoặc chấm dứt hợp đồng lao động (không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp) trước ngày 1/4/2020 do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Đình Giang

Đông Hoàng


Đông Hoàng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]