(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị có ý nghĩa vô cùng to lớn trong sản xuất nông nghiệp, nhất là đất nước ta đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, sản phẩm nông nghiệp chuyển sang chủ yếu là xuất khẩu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Động lực từ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị

(VH&ĐS) Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị có ý nghĩa vô cùng to lớn trong sản xuất nông nghiệp, nhất là đất nước ta đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, sản phẩm nông nghiệp chuyển sang chủ yếu là xuất khẩu.

Từ thực tế ngành nông nghiệp Thanh Hóa còn những hạn chế: Sản xuất chưa theo định hướng thị trường, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị còn ít, chưa tập trung vào các sản phẩm chủ lực... Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 16 ngày 20/4/2015 về Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện nghị quyết, trong đó xác định chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị là vấn đề trọng tâm nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị có ý nghĩa vô cùng to lớn trong sản xuất nông nghiệp, nhất là đất nước ta đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, sản phẩm nông nghiệp chuyển sang chủ yếu là xuất khẩu. Trong điều kiện kinh tế thị trường cần phải có sản phẩm khối lượng lớn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn, giá thành cạnh tranh. Sản xuất cá thể sẽ không thể làm được điều này, cần phải tổ chức "hành động tập thể" theo quy trình sản xuất cánh đồng lớn. Quy trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản và thương mại của nông dân được thiết lập trên cơ sở yêu cầu của doanh nghiệp, thị trường về khối lượng cung ứng, chất lượng hàng hóa…

Yêu cầu chất lượng của thị trường phải làm căn cứ cơ bản để xây dựng quy trình kỹ thuật cho các mô hình liên kết. Liên kết ngang giữa nông dân với nhau để cung cấp sản phẩm theo nhu cầu thị trường mới là khía cạnh, yếu tố "đẩy" trong mô hình liên kết. Mô hình này cần yếu tố "kéo", chính là thị trường tiêu thụ, mà hoạt động cốt lõi là xây dựng được liên kết dọc giữa nông dân với doanh nghiệp. Xây dựng mối liên kết này về bản chất là xây dựng kênh tiêu thụ mới trong chuỗi giá trị thông qua loại bỏ bớt tác nhân trung gian, rút ngắn độ dài của kênh tiêu thụ.

Mô hình liên kết phát triển chăn nuôi lợn trang trại công nghiệp hiệu quả ở xã Nga Thành, Nga Sơn. (Ảnh: Thúy Hòa)

Thực tế quá trình triển khai các mô hình, phương thức liên kết sản xuất trong tỉnh thời gian qua cho thấy, mức độ thành công của các địa phương, các doanh nghiệp rất khác nhau, chủ yếu phụ thuộc vào công tác chỉ đạo, tuyên truyền vận động, tổ chức triển khai, nỗ lực của chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Để mở rộng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cần thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, hỗ trợ hợp tác xã nâng cao năng lực hoạt động để thực hiện có hiệu quả chuỗi liên kết cung ứng dịch vụ đầu vào và tiêu thụ đầu ra cho nông sản; đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích, nâng cao nhận thức của nông dân về lợi ích khi tham gia liên kết sản xuất, để nông dân hiểu hơn về hợp tác xã kiểu mới.

Thứ hai, để có được chuỗi cung ứng hiệu quả, mang lại lợi nhuận và khả năng cạnh tranh cao, cần tìm kiếm, mời gọi sự tham gia của các doanh nghiệp đủ tầm, đủ năng lực và tâm huyết tham gia. Cần có các chính sách khuyến khích nông dân đầu tư mở rộng sản xuất, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp.

Thứ ba, đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với nhau để tập trung ruộng đất và đáp ứng nhu cầu thị trường tốt hơn thông qua hình thức tổ, nhóm, nhất là hợp tác xã, để cung cấp sản phẩm đủ lớn về số lượng, đồng đều về chất lượng, kịp thời gian cho nhiều đối tác.

Thứ tư, cần có chế tài ràng buộc các chủ thể (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân) có trách nhiệm thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng sản xuất nông nghiệp. Các bên ký kết hợp đồng cùng nhau thỏa thuận xử lý các rủi ro về thiên tai, đột biến về giá cả thị trường và các nguyên nhân khác theo nguyên tắc cùng chia sẻ rủi ro.

Thứ năm, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản có thế mạnh của tỉnh để gia tăng giá trị, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Có kế hoạch dài hạn về việc xây dựng thương hiệu mặt hàng nông sản của Thanh Hóa.

Thứ sáu, đầu tư vào công nghệ mới đòi hỏi chi phí đầu tư khá lớn, thường cao hơn giá trị đất thế chấp vay ngân hàng; đây cũng chính là trở ngại để mở rộng đầu tư theo công nghệ mới. Để giải quyết bất cập này, cần nghiên cứu cơ chế, chính sách giúp người dân tham gia góp vốn đầu tư bằng giá trị đất, doanh nghiệp đầu tư công nghệ, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Nguyễn Văn Nam

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]