Với sự kiên cường, không chịu khuất phục của con người trong lúc đại dịch cũng đang ở gần đỉnh điểm, các kịch bản phục hồi kinh tế thế giới cũng được giới chuyên gia dự báo và bức tranh kinh tế toàn cầu thời hậu COVID-19 cũng dần hé lộ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Dự báo bức tranh kinh tế toàn cầu thời hậu COVID-19

Với sự kiên cường, không chịu khuất phục của con người trong lúc đại dịch cũng đang ở gần đỉnh điểm, các kịch bản phục hồi kinh tế thế giới cũng được giới chuyên gia dự báo và bức tranh kinh tế toàn cầu thời hậu COVID-19 cũng dần hé lộ.

Mức độ suy giảm chưa từng có

Theo nhận định của giới chuyên gia, cho dù kết cục của đại dịch như thế nào thì hậu quả của nó tác động đến nền kinh tế toàn cầu có thể nói là ở mức độ “chưa từng có” trong lịch sử. Cú sốc của đại dịch COVID-19 bắt đầu từ cả nguồn cung và cầu, nhất là sự gián đoạn chuỗi cung ứng từ “công xưởng” của thế giới là Trung Quốc, tiếp đó là bởi hàng loạt quốc gia cách ly, phong tỏa đất nước.

Theo đó, sự tắc nghẽn của nhiều lĩnh vực kinh tế xuất hiện, bởi điểm dừng “đột ngột” của các khâu trong quá trình tái sản xuất (sản xuất–phân phối–trao đổi–tiêu dùng), khiến sự suy giảm kinh tế toàn cầu là khó tránh, thậm chí còn đứng trước sự suy thoái với một viễn cảnh gần như “kỷ băng hà kinh tế”.

Cuộc họp trực tuyến của nhóm G7. (Ảnh: AFP)

Ngân sách, nguồn dự trữ phát triển của các nước, buộc phải đưa ra chăm sóc sức khỏe toàn dân và bảo đảm một phần lợi ích kinh tế. Các gói cứu trợ khổng lồ từ các chính phủ và ngân hàng trung ương trở thành nguồn sống để đảm bảo các doanh nghiệp và người dân vẫn được duy trì ở mức có thể tồn tại để vượt qua đại dịch.

Tuy nhiên, theo dự báo của các tổ chức quốc tế thì bức tranh kinh tế toàn cầu trong năm nay và cả đầu năm sau vẫn là “rất ảm đạm” với nhiều gam màu tối. Trung Quốc, một quốc gia được coi là công xưởng của thế giới, lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ đã rơi vào suy thoái với mức dự báo tăng trưởng là gần số âm.

Ngày 14/4, IMF dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm nay, mức tăng trưởng chỉ còn 0,3%. Nhà kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath cho biết: “Rất có thể nền kinh tế toàn cầu sẽ phải trải qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái vào những năm 1930 và thậm chí còn tồi tệ hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây hơn một thập kỷ”.

IMF nhận định, Trung Quốc nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ suy giảm khoảng 6,8% do tác động của đại dịch COVID-19, tuy Bắc Kinh có thể tránh được suy thoái kinh tế nhưng mức tăng trưởng GDP cũng chỉ là 1,2% so với 6,0% dự báo trước đó. Thậm chí, “tăng trưởng trong quý II sẽ ít ỏi, chỉ nhỉnh hơn zero” (0).

Cũng theo IMF, khu vực Eurozone sẽ suy giảm tới 7,5% trong năm nay và châu Âu còn là khu vực kinh tế giảm sút lớn nhất so với các khu vực khác trên thế giới. Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR), cơ quan giảm sát tài chính công của Anh dự báo kinh tế Anh có thể giảm 13% trong năm 2020. Với kinh tế Italy, Tổng liên đoàn thương mại nước này ngày 14/4 cho biết, GDP sẽ giảm 13% trong tháng 4. Confcommercio cho rằng, Italy đang suy giảm âm 2 con số chưa từng có trong lịch sử. Trong đó, ngành du lịch giảm 95% kể từ cuối tháng 3; lượng xe ô tô đăng ký mới giảm 82%; sức tiêu thụ mặt hàng quần áo, giày dép giảm 100%; và dịch vụ quán bar, nhà hàng giảm 68%.

Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng được Công ty quản lý đầu tư Thái Bình Dương (PIMCO) nhận định, với tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh do đại dịch COVID-19, mức thâm hụt ngân sách cao kỷ lục với 3.800 tỷ USD, khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm 30% trong quý II và 5% trong năm 2020.

Các kịch bản phục hồi có thể diễn ra

Theo giới chuyên gia, trong thời điểm hiện nay, việc đưa ra các dự báo kinh tế đầy đủ và chính xác là hết sức khó khăn. Tuy nhiên, điều khả dĩ nhất cũng chỉ là một số “dự đoán” có thể xảy ra. Theo đó, một số kịch bản được nhiều chuyên gia và giới hoạch định chính sách quan tâm đó là:

(1) Phục hồi nhanh chóng: Trong kịch bản này, giả định Mỹ, châu Âu, Trung Quốc chấm dứt ngay việc phong tỏa khi dịch bệnh lên đỉnh điểm và bắt đầu dừng lại trong tháng 5. Việc quản lý chặt chẽ, khiến tỷ lệ người mắc bệnh được khoanh vùng, cách ly điều trị kịp thời và hiệu quả.

Theo đó, các nền kinh tế sẽ trải qua một cuộc suy giảm nhẹ từ 2% - 3% so với năm trước, nhưng sẽ tăng trưởng vào năm 2021. Trong đó, đa số các nền kinh tế trở lại mức trước khủng hoảng vào năm 2021. Đây là kịch bản phục hồi được mô tả theo hình chữ V.

(2) Phục hồi chậm chạp: Đây là kịch bản được giả định rằng, với những căng thẳng KT-XH và sự đổ vỡ kinh tế đáng kể, các chính phủ ở Mỹ, châu Âu quyết định nới lỏng các biện pháp phong tỏa vào cuối tháng tháng 5. Mọi hoạt động dần dần trở lại bình thường, việc cách ly xã hội sẽ tiếp tục trong ít nhất là đến hết mùa hè.

Theo đó, một tỷ lệ những người tiếp tục làm việc tại nhà, trong khi các địa điểm có thể giao tiếp xã hội như quán bar, rạp chiếu phim... bắt đầu mở với yêu cầu giãn cách tại chỗ nghiêm ngặt. Du lịch toàn cầu vẫn còn bị hạn chế, việc phát triển vắc-xin, xét nghiệm được xử dụng rộng rãi hơn và việc kiểm soát dịch được thực hiện vào cuối năm 2020. Kết quả của kịch bản phục hồi này được mô tả theo hình chữ U.

(3) Và trường hợp xấu nhất: Đây là kịch bản được giả định, các biện pháp nới lỏng trong tháng 5 không được kiểm soát chặt chẽ, khiến dịch bệnh quay trở lại vào quý III, sự lây lan mới mất kiểm soát, việc tái phong tỏa kéo dài. Vắc-xin có thể sẽ được phát triển và sử dụng vào mùa đông và dịch bệnh chỉ được kiểm soát vào cuối năm.

Theo đó, hầu hết các nền kinh tế đều rơi vào suy thoái nặng nề chưa từng thấy và bị thu hẹp với tốc độ 2 con số trong cả năm, khiến sự phục hồi chỉ có thể diễn ra vào năm 2022, thậm chí là năm 2023. Và đây là kịch bản được mô tả theo chữ L và có thể coi là một “kỷ băng hà” của nền kinh tế thế giới.

Các nỗ lực đang được thể hiện

Để sớm phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, cho đến nay mặc dù chưa có thể coi là đỉnh dịch toàn cầu, nhưng đã có một số nước như: Mỹ, Áo, Thụy Sỹ, Đức, Italy, Đan Mạch, Tây ban Nha... đã chuẩn bị đưa ra các bước đi cụ thể khác nhau cho nền kinh tế hoạt động trở lại.

Ngày 16/4, Tổng thống Mỹ D.Trump đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các lãnh đạo Nhóm G7 (Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản). Hội nghị đã nhất trí phối hợp để tái mở cửa nền kinh tế của các nước thành viên sau đại dịch và đảm bảo rằng “các chuỗi cung ứng đáng tin cậy”. Riêng đối với nền kinh tế Mỹ, ông Trump đã đưa ra kế hoạch 3 giai đoạn.

Tuy nhiên, việc mở lại hoạt động của các nền kinh tế theo yêu cầu 6 điểm của WHO vẫn là bài toán khó, nhất là việc làm sao để cân đối hoài hòa giữa sức khỏe–việc làm-phát triển bền vững của mỗi quốc gia, có tính đến chuối cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, các quốc gia cần đặc biệt quan tâm đến việc “biến nguy thành cơ” đó là việc vừa khôi phục các hoạt đồng kinh tế truyền thống như trước đại dịch, vừa duy trì và phát huy mạnh mẽ hơn nữa các loại hình kinh tế mới như: Thương mại điện tử, hoạt động trực tuyến, làm việc tại nhà, đẩy nhanh sự phát triển kinh tế số...

Như vậy, với những dữ kiện về sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế thế giới, nhất là sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu và triển vọng của sự khống chế đại dịch COVID-19... khiến bức tranh kinh tế toàn cầu được giới chuyên gia dự báo là “rất ảm đạm với nhiều gam màu tối” là có cơ sở.

Theo dangcongsan.vn


Theo dangcongsan.vn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]