(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Khi nắng chiếu như đổ lửa, mọi người tìm cách trú nắng thì cũng là lúc hàng trăm diêm dân vẫn đang “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trên cánh đồng bỏng rát để mưu sinh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Duy trì sản xuất ở các vùng muối và đời sống diêm dân - Bài 1: Mặn chát cánh đồng muối

(VH&ĐS) Khi nắng chiếu như đổ lửa, mọi người tìm cách trú nắng thì cũng là lúc hàng trăm diêm dân vẫn đang “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trên cánh đồng bỏng rát để mưu sinh.

Thu nhập bèo bọt

Thanh Hóa có gần 300 ha đất đồng muối, tập trung tại các huyện Hậu Lộc, Tĩnh Gia... với gần 2.500 hộ tham gia sản xuất. Do phương thức sản xuất lạc hậu, nhỏ lẻ, manh mún, cơ sở hạ tầng đồng muối xuống cấp dẫn tới năng suất, chất lượng muối giảm, thu nhập bình quân rất thấp.

Quệt những giọt mồ hôi đặc quánh, mặn chát, diêm dân Ngô Thi Hát ở thôn Tam Hòa (xã Hòa Lộc) chia sẻ: “Năm nay, mưa nhiều nên mất mùa, bên cạnh đó giá muối lại không tăng, nên suốt từ đầu vụ đến giờ mới thu được khoảng 3 triệu đồng. Như thế này chưa bõ tiền công chứ đừng nói gì đến các chi phí khác”.

Được biết, để làm ra được hạt muối, mỗi vụ diêm dân cũng phải đầu tư khá nhiều công sức, tiền bạc. Nếu chỉ tu sửa đồng ruộng, chi phí bỏ ra cũng đã mất khoảng 3 – 4 triệu đồng (gồm sân phơi, ô chạt, cát giống…); còn làm mới, người dân phải mất khoảng 12 – 15 triệu đồng, chưa tính đến tiền làm nhà kho, cần khoảng 15 – 20 triệu đồng. Thế nhưng, tính ra cả ngày làm quần quật trên cánh đồng, cật lực lắm thì họ chỉ thu được từ 120.000 – 150.000 đồng/người/ngày.

Nhiều diêm dân bỏ nghề

Hiện nay, số lao động làm muối đang giảm dần. Tập trung ở các xã Hòa Lộc, Hải Lộc (Hậu Lộc), Hải Châu, Hải Bình, Hải Hà, Hải Thượng (Tĩnh Gia).

Ông Đào Nguyên Hồng – Chủ nhiệm HTX Dịch vụ sản xuất muối Tam Hòa, xã Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc), cho biết: “Thực tế, cho tới nay, nghề làm muối ở Thanh Hóa chỉ còn lại ở một vài xã của huyện Tĩnh Gia và Hậu Lộc, song số hộ làm muối giờ cứ giảm theo từng năm. Như ở xã Hòa Lộc chỉ còn hơn 87,71ha với 561 hộ còn làm muối”.

Chỉ tính riêng thôn Tam Hòa, đã có gần 500 người bỏ nghề muối đi làm thuê nơi đất khách, quê người. Có không ít người đã đánh cược với tính mạng của mình để sang Trung Quốc “làm chui”. Những người bám nghề chỉ còn lại phụ nữ, người già và trẻ nhỏ.

Một nghịch lý đang tồn tại trong những năm qua là trong khi giá nhiều mặt hàng tăng vọt, thì giá muối lại liên tục giảm hoặc cầm chừng. Không chỉ giá rẻ, năng suất thấp, mà việc tìm đầu ra cho nghề muối cũng rất khó khăn. Ngoài một số ít công ty thu mua lẻ, còn lại hầu hết bà con vẫn phải tự đạp xe rong ruổi trên các đường làng, ngõ xóm khắp nơi đến gõ cửa từng nhà dân để bán muối.

Trước đây, huyện Tĩnh Gia, nghề làm muối đã tạo việc làm cho khoảng 1.500 hộ diêm dân. Đến nay, diện tích sản xuất muối này gần như không sản xuất được, diêm dân đang đối mặt với nguy cơ mất nghề truyền thống.

Để hỗ trợ diêm dân trong huyện khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, UBND tỉnh cũng đã đồng ý chủ trương hỗ trợ thu nhập từ sản xuất muối đối với các hộ dân sản xuất muối tại xã Hải Hà bị ảnh hưởng trong quá trình thi công dự án Cảng Tổng hợp Quốc tế Gang thép Nghi Sơn và Bến số 2 Cảng Nghi Sơn.

Tiếp tục khảo sát tại đồng muối khác, tình trạng cũng không có gì khá hơn. Đây đã trở thành thực trạng chung của hàng nghìn diêm dân. Có thể thấy, Thanh Hóa là một trong những địa phương có nghề làm muối lâu đời, tuy nhiên, nghề này đang có nguy cơ bị xóa sổ.

Nguyên nhân một phần là do đầu ra bấp bênh, thu nhập người làm muối thấp. Những năm gần đây, nhiều địa phương sản xuất muối truyền thống của huyện Tĩnh Gia không còn những cánh đồng muối trắng trải dài, những thúng nại đầy ắp muối, người bán, người mua tấp nập... Tại các xã Hải Châu, Hải Bình, Hải Hà, Hải Thượng, những vuông muối xuống cấp vì lâu ngày không sử dụng, những kho chứa muối bỏ hoang, hư hỏng ngày càng nhiều.

Cũng như nhiều diêm dân mong muốn diện tích đất làm muối bị ảnh hưởng bởi các dự án thì Nhà nước nên có chính sách thu hồi để diêm dân chuyển đổi nghề. Nghề muối đã từng tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, từng là mô hình điểm được các cơ quan chức năng đầu tư cơ sở hạ tầng để gây dựng thành làng nghề.

Huy Hoàng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]