(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Từ nhiều năm nay, các mặt hàng ngoại với giá cả phải chăng, mẫu mã bắt mắt đã nhanh chóng lấy được lòng người tiêu dùng. Tuy nhiên, chất lượng hàng ngoại cũng khiến không ít người tiêu dùng băn khoăn?

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hàng ngoại: Nhập nhằng chất lượng thật, giả

(VH&ĐS) Từ nhiều năm nay, các mặt hàng ngoại với giá cả phải chăng, mẫu mã bắt mắt đã nhanh chóng lấy được lòng người tiêu dùng. Tuy nhiên, chất lượng hàng ngoại cũng khiến không ít người tiêu dùng băn khoăn?

Nhộn nhịp thị trường hàng nhập khẩu

Qua khảo sát của chúng tôi, trên địa bàn TP Thanh Hóa, các sản phẩm hàng hóa gắn mác Thái Lan, New Zealand, Mỹ... ngày càng xuất hiện nhiều. Với nhiều mặt hàng đa dạng và phong phú từ hàng gia dụng như: khăn giấy, bột giặt, nước xả vải, bát đũa, xô chậu đến hàng lương thực, thực phẩm như: bánh kẹo, nước ngọt, mì tôm, hoa quả...; hay quần áo, giầy dép, mỹ phẩm... Theo quan sát của chúng tôi tại khu vực bán hoa quả, có khá nhiều xe đẩy bán trái cây ngoại nhập thu hút đông người mua. Người bán hàng luôn miệng quảng cáo: “Trái cây nhập khẩu chính gốc, mua ngay kẻo hết”. Tất cả các loại trái cây đều có tem nhãn, có mã vạch đàng hoàng và có giá từ 65.000 đồng đến 95.000 đồng/kg (tùy loại).

Chị Nguyễn Thị Nguyệt (TP Thanh Hóa) cho biết: “Gia đình tôi dùng hơn 1 kg hoa quả/ngày và gần như ngày nào cũng sử dụng. May mắn thì mua được ít hoa quả quê, còn lại phải “cầu cứu” đến nho Mỹ, táo New Zealand hay hoa quả Thái Lan, chứ không đủ tự tin để mua các loại khác vì cứ sợ hàng Trung Quốc bị người bán “phù phép”. Điều đáng nói, việc phân biệt đâu là hàng Việt, hàng Tàu hay hàng nhập khẩu cao cấp chỉ bằng chiếc tem nhỏ xíu được dán trên mỗi loại quả và lời giới thiệu của người bán hàng.

Tuy nhiên, chiếc tem - căn cứ duy nhất để phân biệt lại được dán rất... “hờ hững” và nhìn cũng không mấy an tâm. Không chỉ được bày bán tại các cửa hàng, các địa chỉ kinh doanh hàng Thái Lan trên mạng xã hội cũng xuất hiện rầm rộ với những lời mời chào, chiêu trò hút khách như: “em có chuyến đi Thái Lan”, “mình có người nhà ở Thái Lan ai lấy hàng cùng”... Qua tìm hiểu, các mặt hàng được bán qua mạng đều không có tem nhãn phụ và có giá rẻ hơn sản phẩm tại các cửa hàng kinh doanh hàng nhập khẩu hay trong Siêu thị BigC từ 10.000 đến 25.000 đồng.

Hàng Thái Lan đang lấn át hàng Việt với việc rất nhiều cửa hàng đồ Thái mọc lên ở Thanh Hóa.

Đối với mỹ phẩm nhập khẩu gắn dưới mác xách tay, tại các chợ sỉ trên địa bàn TP Thanh Hóa, nơi có tỷ lệ mỹ phẩm ngoại nhập về nhiều như chợ Tây Thành nguồn hàng chủ yếu từ Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia... cùng với nhiều nhãn hiệu sản xuất tại VN. Các loại mỹ phẩm được tiểu thương chào mời rất phong phú về chủng loại, chất liệu và giá bán. Phần lớn các loại mỹ phẩm ngoại đều không ghi nhãn phụ bằng tiếng Việt, một quy định bắt buộc đối với hàng nhập khẩu chính ngạch. Nhiều loại son, phấn, nước hoa, kem dưỡng da, sữa rửa mặt, kem dưỡng tóc... của các hãng sản xuất trong và ngoài nước như Debon, Amore, Lancom, Revlon, Olay"s, Esteelauder được tiểu thương chào mời với giá rất hấp dẫn. Khách hàng có nguy cơ mua phải hàng giả bất cứ lúc nào, cho dù đã được cảnh báo trước.

Có thực sự an toàn?

Theo khoản 3, điều 9, Nghị định số 89 của Chính phủ quy định: “Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt...” và theo khoản 2, điều 14 quy định: “Hàng hóa được nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam thì ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu”... Quy định là vậy, song các cơ sở kinh doanh hàng ngoại hầu như không có nhãn phụ vẫn hoạt động bình thường, nhưng chưa được các ngành chức năng kiểm tra, nhắc nhở.

Thế giới sản phẩm trên internet vô cùng đa dạng từ giầy dép, quần áo, túi xách, mỹ phẩm... nhưng chất lượng và xuất xứ thật của sản phẩm thì chẳng ai có thể kiểm chứng được. “Treo đầu dê, bán thịt chó” là nguy cơ thường gặp nhất đối với những người mua hàng trên mạng. Chị Hiền ngụ ở phường Trường Thi (TP Thanh Hóa) cho biết chị đã từng rơi vào trường hợp phải ngậm đắng nuốt cay khi nhận được chiếc áo Burberry mà “giặt tẩy bằng VIM cũng không đủ sạch”, trong khi chủ nhân của nó tuyên bố ngọt như mía lùi là còn mới 98%. Còn chị Thu Hà (phường Đông Vệ) bỏ ra cả chục triệu đồng mua được chiếc túi Louis Vuitton qua mạng, đến khi nhờ nguồn uy tín kiểm tra lại, mới ngã ngửa vì đó chỉ là hàng nhái cao cấp.

Việc kiểm tra các hóa đơn chứng từ nhằm chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa đang được các cơ quan chức năng thực hiện. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là cần phải quản lý và siết chặt hơn các mặt hàng ngoại đang có trên thị trường. Để bảo vệ thương hiệu của mình, các nhà nhập khẩu phải tự tìm cách thay đổi nhận diện cho người tiêu dùng phân biệt. Người tiêu dùng cũng nên chọn mua tại các điểm kinh doanh uy tín, phải quan sát kỹ tem trước khi mua, hạn chế tiêu thụ các loại trái cây trái mùa vụ, các loại trái cây đẹp mã được giới thiệu sạch, hữu cơ nhưng không rõ xuất xứ.

Yến Vy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]