(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Cà gai leo thuộc loài cỏ dại nhưng từ lâu được nhắc đến là loại thảo dược quý rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt hỗ trợ điều trị bệnh về gan. Theo phương thuốc cổ truyền, cà gai leo có tính giải rượu cực mạnh, dùng để chữa nóng gan, gan yếu, mẩn ngứa, thanh lọc, giải độc cơ thể, trị rắn cắn, phong thấp, đau nhức xương, ho, dị ứng, thậm chí là cả đau răng và say rượu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hiệu quả kinh tế cao từ cây cà gai leo

(VH&ĐS) Cà gai leo thuộc loài cỏ dại nhưng từ lâu được nhắc đến là loại thảo dược quý rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt hỗ trợ điều trị bệnh về gan. Theo phương thuốc cổ truyền, cà gai leo có tính giải rượu cực mạnh, dùng để chữa nóng gan, gan yếu, mẩn ngứa, thanh lọc, giải độc cơ thể, trị rắn cắn, phong thấp, đau nhức xương, ho, dị ứng, thậm chí là cả đau răng và say rượu.

Từ những kinh nghiệm dân gian truyền lại, các nghiên cứu khoa học hiện đại đã chỉ ra rằng cho đến thời điểm hiện tại, cà gai leo là dược liệu duy nhất mang lại tác dụng rất hiệu quả trong điều trị viêm gan virus, xơ gan, giúp hạ men gan, giải độc gan...

Vùng đất Triệu Sơn, Thanh Hóa là địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho sự phát triển của cây cà gai leo. Theo nhiều người dân nơi đây, cà gai leo mọc hoang tự nhiên ở đây rất nhiều, đặc biệt là vùng đất Thái Hòa, Tân Ninh, Khuyến Nông... Xác định cà gai leo là loại dược liệu quý, người dân nơi đây đã nhanh chóng mở rộng đầu tư trồng cà gai leo. Tuy nhiên bà con còn trồng tự phát, không có kĩ thuật chăm sóc, khi sâu bệnh không biết cách dùng thuốc trị... nên cây phát triển chậm, năng suất thấp. Hơn nữa, trồng với diện tích lớn, người dân cũng gặp khó khăn trong việc tìm nguồn tiêu thụ.

Người tiên phong trong trồng cây thảo dược cà gai leo với quy mô lớn chính là anh Trần Sỹ Út, xã Tân Ninh. Bắt đầu tìm hiểu và trồng cà gai leo từ năm 2015, sau 2 năm, diện tích trồng cà gai leo của gia đình anh trải rộng trên 20 ha của 3 xã Tân Ninh, Thái Hòa, Khuyến Nông. Qua quá trình nắm bắt hiệu quả của cây dược liệu cà gai leo, được sự giúp đỡ của Học viện Nông nghiệp Việt Nam và của tỉnh, huyện về khoa học kỹ thuật, diện tích cà gai leo của gia đình anh đạt chất lượng tới 80% - 85%.

Đặc biệt, gia đình anh được Công ty Tuệ Linh hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó, anh yên tâm đầu tư trồng cà gai leo và mua sắm trang thiết bị sơ chế như máy ép, máy băm. Mỗi năm cà dây leo cho thu hoạch 2 đến 3 vụ. Bình quân mỗi ha cho thu hoạch 1 tấn với giá bán trung bình 30.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, 20 ha cà gai leo đem lại thu nhập cho gia đình anh Út hàng trăm triệu đồng. Không chỉ đem lại thu nhập ổn định, gia đình anh còn góp phần tạo việc làm thường xuyên, tăng thu nhập cho người dân các xã Tân Ninh, Khuyến Nông, Thái Hòa.

Anh Trần Sỹ Út - người tiên phong trồng cây dược liệu cà gai leo ở Triệu Sơn.

Từ thực tế ở Triệu Sơn, những năm gần đây, Hội LHPN huyện Đông Sơn cũng xây dựng và nhân rộng mô hình trồng cà gai leo. Ban đầu mô hình được trồng thí điểm tại xã Đông Hoàng và nhân rộng mô hình ở các xã Đông Minh, Đông Ninh. Đến thăm mô hình trồng cà gai leo của gia đình chị Nguyễn Thị Hoà, xã Đông Hoàng, được biết, cuối năm 2014, gia đình chị Hoà đã trồng 3 sào cà gai leo. Trong quá trình triển khai mô hình, Hội phụ nữ xã được Công ty Tuệ Linh hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giới thiệu đầu ra cho sản phẩm, đồng thời đứng ra tín chấp với Ngân hàng CSXH cho gia đình chị Hoà vay vốn phát triển mô hình. Do chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật, bước đầu cây cà gai leo đã cho thu hoạch, với sản lượng 2 tạ/sào, được Công ty Tụê Linh đến tận ruộng thu mua với giá 30.000đ/kg. Hiện nay, gia đình chị Hoà đã nhân rộng lên gần 2ha cây cà gai leo. Theo chị Hoà, cây cà gai leo dễ trồng, thích hợp ở những nơi đất cằn cỗi, không tốn nhiều công chăm sóc, từ khi trồng lứa đầu tiên đến khi thu hoạch là 3 tháng.

Với hiệu quả của cây dược liệu cà gai leo đem lại, việc nhân rộng các mô hình trồng cà gai leo chính là hướng giải quyết việc làm hữu ích, góp phần tăng thu nhập cho bà con nhân dân huyện Triệu Sơn, Đông Sơn và có thể nhân rộng ra các địa phương khác trên địa bàn tỉnh.

Thảo Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]