(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ là hướng đi mới của nghề khai thác thủy sản theo hướng bền vững. Đóng tàu vỏ thép, tàu vỏ gỗ công suất lớn với sự hỗ trợ về vốn từ các chính sách của Chính phủ, ngư dân đã có thể tự tin vươn xa bám biển trên những con tàu kiên cố, vững chắc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khai thác hải sản chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng vươn khơi xa

(VH&ĐS) Hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ là hướng đi mới của nghề khai thác thủy sản theo hướng bền vững. Đóng tàu vỏ thép, tàu vỏ gỗ công suất lớn với sự hỗ trợ về vốn từ các chính sách của Chính phủ, ngư dân đã có thể tự tin vươn xa bám biển trên những con tàu kiên cố, vững chắc.

Anh Trần Văn Trung (xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia) chủ tàu cá mang số hiệu TH.90690.TS, vừa trở về từ ngư trường Vịnh Bắc Bộ sau chuyến đánh bắt dài ngày cho biết: “Nguồn lợi hải sản ở gần bờ ngày càng khan hiếm, nếu không đóng tàu lớn để ra khơi xa khai thác thì sản lượng cũng không được là mấy.

Hơn nữa, khai thác hải sản trên những con tàu có công suất lớn, gặp thời tiết xấu, gió cấp 7 chúng tôi vẫn an tâm bám trụ lại trên biển”. Được biết, anh Trung đã bán chiếc tàu cũ công suất 90CV để đầu tư đóng mới tàu công suất trên 300CV cũng với các trang thiết bị trên tàu với tổng số vốn trên 3 tỷ đồng.

Thực hiện chủ trương giảm dần tàu cá có công suất dưới 20CV, tăng tàu có công suất lớn vươn khơi khai thác hải sản của Chính phủ, anh Trần Văn Trung và nhiều ngư dân trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền. Đặc biệt với Nghị định 67 của Chính phủ về các chính sách cho việc khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn để dần chuyển từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ, khai thác các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao hơn... tỉnh Thanh Hóa được phân bổ đóng mới 94 tàu khai thác có công suất từ 400CV trở lên (trong đó có 4 tàu dịch vụ hậu cần).

Hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ là hướng đi mới của nghề khai thác thủy sản theo hướng bền vững.

Hiện nay, tổng số tàu thuyền trên toàn tỉnh có 7.055 chiếc, tổng công suất 442.874 CV, trong đó, tàu có công suất từ 90 CV trở lên là 1.531 chiếc, chiếm 20,4%. Việc đóng mới, cải hoán tàu nhỏ thành tàu có công suất lớn đang được đông đảo ngư dân hưởng ứng chuyển đổi mạnh mẽ.

Trong quý 1 năm 2016, đã có 9 chiếc tàu được đóng mới có công suất từ 45CV trở lên, 9 tàu cá mua ngoài tỉnh, cải hoán thay máy có công suất lớn 36 chiếc. Thực hiện chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, đến nay, toàn tỉnh đã có 28 chủ tàu (thị xãSầm Sơn 10 tàu; Tĩnh Gia 3 tàu; Hậu Lộc 11 tàu; Hoằng Hóa 4 tàu) ký hợp đồng tín dụng với số tiền đã giải ngân đạt 84 tỷ đồng.

Đã có 7 tàu hạ thủy (6 tàu vỏ gỗ, 1 tàu vỏ thép) và đang tiếp tục lắp đặt các trang thiết bị để ra khơi khai thác hải sản. Với sự đầu tư của bà con ngư dân nên sản lượng khai thác quý I năm 2016 đạt 24.146 tấn, tăng 6,6% so với cùng kỳ.

Những kết quả trên cho thấy Nghị định 67 đã được ngư dân vui mừng đón nhận, được sự đồng thuận của toàn xã hội và phù hợp Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Trong quá trình triển khai phát sinh một số vướng mắc, nhưng Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị định 89 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67, để tháo gỡ khó khăn.

Từ đó, thúc đẩy ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu cá để hoạt động xa bờ, bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ, góp phần quan trọng vào việc tái cơ cấu đội tàu theo hướng phát triển khai thác xa bờ, tổ chức lại sản xuất trên vùng biển xa theo mô hình tổ, đội nghề cá.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chưa đồng đều ở các địa phương, quy trình thủ tục cũng nhanh - chậm tùy từng hồ sơ. Các vấn đề liên quan vốn vay, chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng cho chủ tàu, việc hướng dẫn vị trí xa bờ cho tàu dịch vụ hậu cần để được nhận hỗ trợ theo quy định... vẫn còn lúng túng.

Đặc biệt, việc đóng mới, nâng cấp tàu công suất lớn đòi hỏi trình độ của ngư dân phải nâng lên, nhưng nhiều địa phương vẫn chưa có lớp đào tạo, tập huấn cho các chủ tàu một cách bài bản khiến hiệu quả của chương trình bị ảnh hưởng.

Ông Trần Đức Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh cho biết: “Đến nay, nhiều tàu khai thác hải sản của ngư dân đã được trang bị các thiết bị hàng hải hiện đại như: máy định vị vệ tinh GPS, Icom, Movimar, máy đo sâu, dò cá, ra đa hàng hải, máy thu lưới, thu câu, máy tời thủy lực... Ngư lưới cụ cũng không ngừng được cải tiến để khai thác có năng suất, hiệu quả kinh tế cao, khai thác có tính chọn lọc và bảo vệ nguồn lợi hải sản. Cơ cấu tàu khai thác hải sản chuyển dịch rõ nét theo hướng vươn ra khơi xa”.

Việc đóng tàu đánh cá bằng vỏ thép, tàu vỏ gỗ công suất lớn không chỉ giúp ngư dân bám biển dài ngày, hiệu quả đánh bắt cao, giảm thiểu rủi ro trên biển mà còn giúp ngư dân thay đổi tập quán khai thác thủy sản từ kinh nghiệm truyền thống sang đánh bắt bằng máy móc với các trang thiết bị hiện đại, từ đó tạo động lực thúc đẩy khai thác thủy sản xa bờ.

Hoàng Lan



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]