(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Những mảnh đất có thời chỉ dành cho cỏ dại, bị người nông dân rời bỏ nay lại xanh cây tốt lá. Đó là khi người nông dân trở lại mặn mà với nghề, bám đất, bám ruộng, hăng say lao động, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Đáng nói hơn, bằng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ và áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp, người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh đã tìm ra hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thay đổi diện mạo tam nông.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khi nhà nông không còn thờ ơ với ruộng

(VH&ĐS) Những mảnh đất có thời chỉ dành cho cỏ dại, bị người nông dân rời bỏ nay lại xanh cây tốt lá. Đó là khi người nông dân trở lại mặn mà với nghề, bám đất, bám ruộng, hăng say lao động, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Đáng nói hơn, bằng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ và áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp, người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh đã tìm ra hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thay đổi diện mạo tam nông.

Manh nha tích tụ ruộng đất

Tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa XVI diễn ra vào 12/2013, theo báo cáo của Sở NN&PTNT có 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh có tình trạng nông dân bỏ ruộng, trả ruộng với 10.578 hộ tương ứng 1.104,7ha (gồm 534,1ha đất chuyên sản xuất lúa và 570,6ha đất sản xuất nông nghiệp khác). Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, ông Lê Như Tuấn - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng do sản xuất nông nghiệp mang lại thu nhập thấp hơn so với các ngành nghề khác nên thay vì gắn bó với nghề truyền thống, nhiều người nông dân đã tìm việc khác có thu nhập cao hơn. Đó cũng là tình trạng chung đã và đang diễn ra trên nhiều tỉnh thành của cả nước.

Có một thực tế là, trong khi nhiều nông dân bỏ ruộng, vẫn có những người dám đứng ra nhận ruộng để sản xuất. Tích tụ ruộng đất, đầu tư máy móc, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật… là những bước đi giúp những hộ dân này dần biến những thửa ruộng hoang trở thành “tấc đất tấc vàng”! Tại huyện Nga Sơn, huyện có diện tích ruộng bị bỏ, trả nhiều nhất cả tỉnh vào thời điểm năm 2013 đến nay số lượng đó đã không còn nhiều.

Trong số rất nhiều những mô hình đang canh tác hiệu quả trên đất ruộng bị nông dân trả lại chính quyền trước đây, phóng viên có dịp gặp gỡ với ông Hoàng Văn Hòa (xã Định Tăng, huyện Yên Định) đúng dịp thu hoạch vụ mùa năm 2017, ông Hòa hồ hởi chia sẻ: “Gia đình tôi chuyên làm lúa giống, vụ mùa năm nay ước tính thu 80 tấn, năng suất khoảng 3,6 – 3,8 tạ/sào, cao hơn so với năm ngoái. Hiện tại, tôi đang phải huy động người làm để quạt lúa, đóng gói giao cho công ty đến thu mua lúa giống”. Được biết, gia đình ông Hòa là một trong những hộ đang phát triển mô hình trồng lúa giống chất lượng cao và cung ứng cho các công ty giống cây trồng. Dù vẫn gắn bó với ruộng đồng và cây lúa nhưng lối canh tác mà gia đình ông áp dụng được đổi mới rất nhiều để phù hợp với yêu cầu sản xuất giống.

Ông Hòa cho biết, trong khi nhiều người dân trong làng, xã bỏ ruộng, trả ruộng thì ông đứng ra xin chính quyền xã cho thuê lại đất ruộng với diện tích lớn. Vì chuyên về sản xuất lúa giống không chỉ cần năng suất cao mà chất lượng phải đảm bảo nhiều tiêu chuẩn khắt khe, đất nhận về lại là đất chiêm trũng, nhiều ốc bưu vàng, ông đã đầu tư máy móc hiện đại, liên hệ công ty cung ứng dinh dưỡng cây trồng và phối hợp với cán bộ trạm khuyến nông để tiến hành cải tạo đất, chăm bón cây lúa. Nhờ tiến hành đảm bảo theo quy trình, tiêu chuẩn, diện tích lúa mà gia đình trồng cho năng suất, sản lượng, chất lượng cao, gia đình ông dễ dàng tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Chia sẻ với phóng viên ông Hòa còn cho biết, nếu có hộ nào trả ruộng ông sẵn sàng thuê lại để mở rộng sản xuất. Ông cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để mua sắm thêm máy móc hiện đại phục vụ sản xuất.

Còn gia đình ông Nguyễn Hữu Lượng (xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn) lại lựa chọn cây hoa để làm giàu trên đất ruộng. Hiện gia đình ông đang làm chủ 2 ha trồng hoa các loại được chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả do các hộ nông dân khác bỏ canh tác. Để đưa ý tưởng trồng hoa vào thay thế cây lúa truyền thống, ông Lượng đã đi học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi, đầu tư về giống, vật tư, nhân công. Theo ông việc trồng hoa mang lại hiệu quả cao gấp 50 lần so với trồng lúa trước đây cùng trên một mảnh đất. Sản phẩm hoa tươi của gia đình ông hiện được đưa đi tiêu thụ tại nhiều địa phương trong tỉnh. Ông Nguyễn Hữu Lượng cũng đang có nguyện vọng thuê thêm diện tích đất của các hộ nông dân không còn canh tác để mở rộng diện tích trồng hoa, nâng cao thu nhập.

Tích tụ ruộng đất và áp dụng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, KHKT đang nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Ngoài những mô hình cá thể đang hoạt động hiệu quả như mô hình của ông Hòa, ông Lượng, hiện nay tại một số địa phương, mô hình HTX nông nghiệp cũng đang phát huy sức mạnh trong phát triển kinh tế khi lựa chọn được hướng đi đúng đắn. Tiêu biểu như HTX DVNN và điện năng Hoằng Hợp (Hoằng Hóa) vốn được biết đến từ lâu với cây trồng chính là rau an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Từ 1ha đầu tiên do HTX khởi sự đến nay xung quanh vùng trồng rau an toàn của HTX nhiều hộ dân đã cùng làm theo, đưa tổng diện tích lên hơn 20ha và quy hoạch tổng thể toàn vùng là hơn 40ha. Thăm cánh đồng đang mùa mướp, bí, các loại rau xanh, một nông dân là xã viên của HTX hồ hởi chia sẻ: “Ở đây chúng tôi mùa gì trồng rau đó, không cho đất nghỉ”. Với bề dày kinh nghiệm trong trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, Hoằng Hợp là một trong số rất ít những địa phương trong tỉnh tạo được thương hiệu cho sản phẩm rau sạch và đang tìm cách xâm nhập sâu hơn vào thị trường rau an toàn.

Đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ người nông dân

Những ví dụ trên là rất ít trong số các mô hình sản xuất nông nghiệp đang hoạt động hiệu quả hiện nay theo hướng tích tụ ruộng đất, ứng dụng tiến bộ KHKT, cơ giới hóa ngành trồng trọt. Đây cũng chính là phương án mà ngành nông nghiệp tỉnh đang vận dụng nhằm giảm thiểu diện tích đất ruộng bỏ hoang. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp tỉnh đến năm 2025, định hướng 2030, Thanh Hóa cũng thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến nông như hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại các huyện miền núi; phát triển sản xuất rau an toàn tập trung; mua máy thu hoạch mía, tưới mía mặt ruộng; phát triển vùng luồng thâm canh; hỗ trợ kinh phí thuê đất, thuê mặt nước, hỗ trợ hạ tầng khu trang trại tập trung quy mô lớn; liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm trồng trọt…

Với những chính sách kích cầu, cộng thêm tinh thần của những nhà nông yêu đất, bám ruộng, ngành nông nghiệp sẽ lại có thêm nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, xóa bỏ tình trạng nông dân bỏ ruộng như những năm qua.

Nguyên Mai



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]