(vhds.baothanhhoa.vn) - Phát huy lợi thế của huyện miền núi với nhiều loại cây lâm sản và cây ăn quả, những năm qua, huyện Thạch Thành đã khuyến khích các hộ dân phát triển mô hình nuôi ong lấy mật. Đến nay, nghề nuôi ong mật đang mang lại nguồn thu nhập khá cho nông dân, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nghề nuôi ong lấy mật ở Thạch Thành

Phát huy lợi thế của huyện miền núi với nhiều loại cây lâm sản và cây ăn quả, những năm qua, huyện Thạch Thành đã khuyến khích các hộ dân phát triển mô hình nuôi ong lấy mật. Đến nay, nghề nuôi ong mật đang mang lại nguồn thu nhập khá cho nông dân, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Gia đình anh Nguyễn Văn Hưởng - thôn Hợp Tiến, xã Thành Hưng, huyện Thạch Thành gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật đã hơn 10 năm. Ban đầu, gia đình chỉ nuôi ong theo phương pháp truyền thống với quy mô nhỏ. Nhận thấy vùng đất quê hương mình có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển nghề nuôi ong, anh Hưởng đã mạnh dạn tìm hiểu, nghiên cứu và học hỏi cách làm hay của các mô hình nuôi ong ở nhiều địa phương để mở rộng quy mô lên hơn 700 đàn ong. Đồng thời, đầu tư máy móc công nghệ hiện đại để chế biến mật ong.

Anh Nguyễn Văn Hưởng chia sẻ: “Để nâng cao chất lượng, giá trị mật ong, gia đình tôi đã đầu tư hệ thống máy móc hiện đại gồm: máy thủy phần, máy lọc, máy sục khí. Nhờ đó, sản phẩm mật ong của gia đình anh đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, có tem nhãn, cấp mã vạch sở hữu trí tuệ và công nhận đạt 3 sao sản phẩm OCOP Thanh Hóa năm 2020. Trung bình mỗi năm, gia đình sản xuất được hơn 10 tấn mật ong, tương đương doanh thu hơn 1 tỷ đồng”.

Hiện nay, Thạch Thành là huyện có tổng đàn ong lớn nhất của tỉnh với gần 50 nghìn đàn, phát triển ở 24 xã, mỗi năm thu hoạch trên 300 tấn mật. Do tận dụng được nguồn mật từ phấn hoa của các loại cây lâm sản và cây ăn quả trên địa bàn nên đàn ong mật phát triển tốt, cho lượng mật cao, chất lượng tốt. Để nghề nuôi ong lấy mậtphát triển bền vững, huyện Thạch Thành đã tổ chức cho người dân địa phương tham gia nhiều lớp tập huấn, học hỏi kỹ thuật chăm sóc. Đồng thời, khuyến khích thành lập các câu lạc bộ, hợp tác xã nuôi ong để cùng liên kết hỗ trợ nhau sản xuất, tạo ra sản phẩm, thương hiệu ổn định, tăng giá trị kinh tế của mật ong.

Theo các hộ nuôi ong nơi đây, nghề nuôi ong không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, không vất vả nên nông dân có thể tranh thủ làm lúc nông nhàn, mỗi ngày người nuôi chỉ cần bỏ ra khoảng 2 - 3 giờ để chăm sóc, vệ sinh thùng ong. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc đòi hỏi người nuôi phải cẩn thận, kiên trì, tỉ mỉ và nắm rõ đặc tính của ong để có chế độ chăm sóc phù hợp từng giai đoạn, từng mùa.

Ông Nguyễn Văn Cơi - thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành cho biết: “Đầu tiên gia đình tôi chỉ nuôi 1 đàn ong, sau khi nuôi thấy hiệu quả, vừa học vừa lấy kinh nghiệm, học tập anh em bạn bè phát triển, sau đó gia đình đã nhân rộng, đến nay đã tăng lên 150 đàn”.

Từ hiệu quả nghề nuôi ong lấy mật, huyện Thạch Thành đang tiếp tục khuyến khích các hộ tiếp tục duy trì và phát triển mô hình này, tập trung theo hình thức liên kết hợp tác xã. Ngoài lợi ích kinh tế, nghề nuôi ong lấy mật ở Thạch Thành còn góp phần tạo việc làm cho người dân địa phương, đồng thời, nuôi ong còn giúp thụ phấn cho cây trồng, tăng năng suất, chất lượng mùa màng, bảo vệ tính đa dạng sinh học của các loài thực vật và bảo vệ môi trường sinh thái.

P.V


P.V

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]