(vhds.baothanhhoa.vn) - Nắm bắt tâm lý hạn chế ra đường, nhất là đến những chỗ đông người trong diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các siêu thị, cửa hàng ở Thanh Hóa đã đẩy mạnh hình thức bán hàng online phục vụ khách hàng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người dân "sính" chợ online thời Covid-19

Nắm bắt tâm lý hạn chế ra đường, nhất là đến những chỗ đông người trong diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các siêu thị, cửa hàng ở Thanh Hóa đã đẩy mạnh hình thức bán hàng online phục vụ khách hàng.

Người dân trực tiếp mua sắm tại các siêu thị đã giảm, thay vào đó là mua hàng online.

Đi chợ online

Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các cháu phải nghỉ học, chị Lê Thị Hà Minh (nhân viên ngân hàng tại TP Thanh Hóa) sử dụng thường xuyên hơn dịch vụ giao hàng tận nhà. Từ mua sắm đồ dùng sinh hoạt thiết yếu đến đi chợ hàng ngày đều được chị thực hiện trên mạng. Theo chị Minh thì mình nên cẩn thận không nên đến chỗ đông người như chợ truyền thống, trung tâm thương mại... nhưng vẫn giữ thói quen đi chợ hàng ngày, chỉ thay đổi cách thức từ trực tiếp sang online trên mạng. Chị chia sẻ: “Bằng điện thoại tôi vẫn có thể đi chợ thường xuyên mua thực phẩm và đồ tươi sống. Việc giao hàng đến tận nhà rất tiện lợi và an toàn”.

Còn anh Lê Hiểu Minh, lái xe chạy Grabfood (dịch vụ giao đồ ăn của Grab) tại TP Thanh Hóa, chia sẻ: “Trong mùa dịch bệnh, lượng khách đi xe sụt giảm thấy rõ, ít người ra đường, ngược lại các đơn hàng giao đồ ăn lại tăng mạnh. Hầu hết khách hàng đều có tâm lý e ngại khi đi ra đường, đến những nơi đông người, rồi các em nhỏ đều ở nhà trong mùa dịch, vì vậy mọi người đều muốn gọi đồ ăn đến tận nhà, giá cả vẫn vậy mà lại tiện lợi và an toàn”.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thực hiện khuyến cáo của Bộ Y tế người dân hạn chế đi ra đường, đến những nơi đông đúc vì vậy nếu các ngành hàng thực phẩm và đồ uống vẫn giữ cách làm truyền thống là đợi khách hàng đến trực tiếp mua sắm sản phẩm thì không tránh khỏi hiện tượng sụt giảm doanh số dẫn đến phá sản. Chị Lê Thị Thảo, chủ cửa hàng thực phẩm sạch Bill Green (phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa) cho biết: Thời gian này các đơn hàng online của cửa hàng tăng đến 30%. Mỗi ngày chị nhận hàng chục cuộc điện thoại đặt hàng và thực hiện dịch vụ giao hàng tận nhà. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, chị phải thuê thêm nhân viên giao hàng, dành nhiều thời gian online để đăng tải các mặt hàng thực phẩm lên mạng Intenet; đồng thời cửa hàng tăng thêm các món ăn chế biến sẵn cho người tiêu dùng lựa chọn. Có thể nói, kênh bán hàng trực tuyến đang mở ra lối thoát cho cửa hàng trong bối cảnh ế ẩm vì dịch bệnh hiện nay.

Tăng cường kinh doanh trực tuyến

Không chỉ các cửa hàng mà hệ thống siêu thị cũng đang đẩy mạnh mảng bán hàng trực tuyến để phục vụ khách hàng trong mùa dịch. Những ngày qua, nhân viên siêu thị Co.opmart Thanh Hóa đã đến các khu dân cư, tổ dân phố ở phường Điện Biên, Đông Thọ... (TP Thanh Hóa) phát tờ rơi, cẩm nang mua sắm của siêu thị, trong đó có hướng dẫn cách thức mua hàng oline qua fanpage của siêu thị kèm số điện thoại đặt hàng. Anh Lê Văn Liêm - Giám đốc phụ trách Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa cho biết: "Qua fanpage siêu thị luôn cập nhập hàng ngày các mặt hàng thiết yếu, trong đó có nhiều mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch như khẩu trang, nhu yếu phẩm khô, thực phẩm tươi sống... đang có mặt tại siêu thị để người tiêu dùng tham khảo và mua sắm. Nếu như trước mùa dịch với hóa đơn 200 nghìn đồng trở lên chỉ được giao hàng miễn phí trong phạm vi 5km, thì nay để phục vụ nhu cầu khách hàng thì phạm vi giao hàng đã mở rộng trên toàn thành phố”. Với các chính sách hỗ trợ, đơn hàng online của siêu thị tăng trên 10%, khách hàng có thể lựa chọn thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản.

Các siêu thị khác như: Big C, Vinmart Thanh Hóa cũng đã tăng cường các hình thức mua sắm trực tuyến, giao hàng tận nhà. Đồng thời, trên các trang online mua bán trực tuyến cập nhật liên tục các chương trình khuyến mại, đảm bảo người tiêu dùng dù ở nhà vẫn được hưởng các chương trình ưu đãi của siêu thị.

Có thể thấy, dịch bệnh Covid -19 đang ảnh hưởng, gây nên những xáo trộn không nhỏ cho toàn bộ ngành nghề sản xuất và dịch vụ, ngay cả những thói quen của người tiêu dùng cũng đang thay đổi. Bên cạnh những tác động tiêu cực thì những biến động này đang giúp các dịch vụ trực tuyến xâm nhập sâu hơn, nhanh hơn vào đời sống xã hội, hình thành nên những thói quen mới. Đây cũng chính là thách thức và cơ hội mới cho các doanh nghiệp. Với những doanh nghiệp linh hoạt, năng động, nhạy bén trong việc nắm bắt xu hướng của người tiêu dùng thì việc đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trên mạng, kết nối để đa dạng hóa các mặt hàng, phát triển dịch vụ giao hàng tận nhà được xem là cơ hội để phát triển và lớn mạnh. Còn về phần người tiêu dùng thì việc mua sắm trực tuyến cần thận trọng và tỉnh táo tránh trường hợp mua hàng kém chất lượng.

Vân Anh


Vân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]