(vhds.baothanhhoa.vn) - Những tháng cuối năm, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa có diễn biến phức tạp; hàng hoá lưu thông lớn, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân tăng cao. Lợi dụng điều đó, nhiều đối tượng kinh doanh không lành mạnh đã trà trộn các sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái nhằm thu lợi nhuận cao.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhiều giải pháp ngăn chặn hàng giả, hàng nhái dịp cuối năm

Những tháng cuối năm, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa có diễn biến phức tạp; hàng hoá lưu thông lớn, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân tăng cao. Lợi dụng điều đó, nhiều đối tượng kinh doanh không lành mạnh đã trà trộn các sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái nhằm thu lợi nhuận cao.

Lực lượng chức năng hướng dẫn người tiêu dùng cách phân biệt hàng thật, hàng nhái.

Nắm bắt tình hình, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường ở các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; chú trọng kiểm tra chặt chẽ chất lượng hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa và những mặt hàng phục vụ tiêu dùng với số lượng lớn trong dịp cuối năm như: Bánh kẹo, mứt, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá, hoa quả, lương thực, thực phẩm tươi sống và chế biến...; tích cực kiểm tra tại các chợ phiên ở khu vực nông thôn nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng để tiêu thụ hàng hoá kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Một số mặt hàng khác được tập trung kiểm tra, kiểm soát và xử lý triệt để vào những ngày giáp tết như: Pháo nổ, đồ chơi nguy hiểm, nội tạng động vật, rượu, đường, mỳ chính, thuốc lá, quần áo may sẵn, giày dép...

Đặc biệt là chú trọng kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại khu vực các chợ, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh, các bếp ăn tập thể và các cơ sở chế biến thức ăn chín, thức ăn đường phố... nhằm ngăn chặn, hạn chế tình trạng hàng hóa kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, lưu thông trên địa bàn tỉnh, bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389 tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành các văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp về công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; xây dựng chương trình công tác, kế hoạch kiểm tra kiểm soát thị trường... Qua đó góp phần ổn định thị trường, giữ vững trật tự kỷ cương pháp luật trong hoạt động thương mại, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh, các hành vi vi phạm chủ yếu là: Gian lận thương mại, đăng ký kinh doanh; quy định về ghi nhãn hàng hóa; hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, không có nguồn gốc xuất xứ... Mặt hàng vi phạm chủ yếu là: Bánh kẹo, nước giải khát đóng chai, sản phẩm đóng gói, bao bì; thức ăn chăn nuôi... Chỉ tính riêng quý III năm 2019 (từ ngày 15/6/2019 đến 15/9/2019), Cục Quản lý thị trường đã kiểm tra tổng số vụ vi phạm là 1.146 vụ, đã xử lý 910 vụ, chủ yếu xử lý hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, lĩnh vực giá và vi phạm về an toàn thực phẩm... Tổng số tiền xử phạt hơn 2,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cũng theo đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh, chế tài xử phạt đối với các hành vi sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng là chưa đủ sức răn đe. Theo Điều 199, Luật Sở hữu trí tuệ: “Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự”. Quy định cũng nêu rõ, việc áp dụng biện pháp dân sự, hình sự thuộc thẩm quyền của tòa án. Việc áp dụng biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan và UBND các cấp.

Với tình hình thực tế tại Thanh Hóa, lực lượng thực thi nhiệm vụ về công tác thanh tra, kiểm tra vi phạm sở hữu trí tuệ chủ yếu là lực lượng quản lý thị trường, do đó hình thức xử lý mới dừng lại ở xử phạt hành chính. Mặc dù nhiều vụ việc có nghi ngờ số lượng hàng hóa, vận chuyển, buôn bán vi phạm lớn, nhưng khi lực lượng chức năng làm nhiệm vụ phải căn cứ trên số lượng hàng hóa bắt quả tang ở hiện trường. Hơn nữa, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ cũng không có hóa đơn, chứng từ xuất kho nên không có bằng chứng để xử phạt cao hơn. Do đó, nhiều đối tượng sau khi nộp phạt lại tiếp tục tìm cách hoạt động trở lại.

Trong thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng nắm chắc địa bàn, đánh giá sát tình hình để có những giải pháp cụ thể đấu tranh có hiệu quả đối với các thủ đoạn tinh vi của các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chống buôn bán vận chuyển kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng... góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Đông Hoàng


Đông Hoàng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]