(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, công tác phát triển doanh nghiệp trên địa bàn Thanh Hóa đã đạt được những kết quả tương đối tích cực. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 2.078 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 0,6% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới tuy có tăng, nhưng chỉ đạt 69,3% so với kế hoạch đề ra.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nỗ lực hoàn thành phát triển doanh nghiệp mới

Trong những năm qua, công tác phát triển doanh nghiệp trên địa bàn Thanh Hóa đã đạt được những kết quả tương đối tích cực. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 2.078 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 0,6% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới tuy có tăng, nhưng chỉ đạt 69,3% so với kế hoạch đề ra.

Kế hoạch trong năm 2019 tỉnh Thanh Hóa phải thành lập mới 3.000 doanh nghiệp, từ nay đến hết năm phải có thêm 922 doanh nghiệp được thành lập. Là một địa phương có tiềm năng và dư địa lớn trong phát triển doanh nghiệp mới với số lượng các hộ kinh doanh cá thể nhiều, lĩnh vực kinh doanh đa dạng, hàng năm, thành phố Thanh Hóa đều đạt và vượt chỉ tiêu, kế hoạch thành lập doanh nghiệp mới. Hiện nay, thành phố Thanh Hóa tiếp tục dẫn đầu với việc thành lập mới với 851 doanh nghiệp, đạt 70% so với chỉ tiêu kế hoạch cả năm, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố lên 4.580 doanh nghiệp. Có 6 phường, xã đã hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch giao, gồm: Đông Vệ, Quảng Thịnh, Hàm Rồng, Quảng Thành, An Hoạch, Hoằng Lý, còn các đơn vị khác đã và đang tiếp tục hoàn thành chỉ tiêu giao. Tạo đà từ kết quả của năm 2018, và 9 tháng đầu năm 2019, từ nay đến cuối năm, thành phố Thanh Hóa tiếp tục giao chỉ tiêu thành lập mới cho các đơn vị, UBND các phường, xã là 349/1.200 doanh nghiệp, dự kiến nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố khoảng gần 6.000 doanh nghiệp.

Công nhân làm việc tại xưởng may Công ty CP Dụng cụ thể thao Delta (Hoằng Hóa).

Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn có những địa phương chưa hoàn thành 50% kế hoạch đề ra, trong đó một số huyện như: Lang Chánh, Ngọc Lặc, Quan Sơn, Thiệu Hóa... mới thực hiện đạt từ 24% đến trên 43% kế hoạch. Bên cạnh đấy, chất lượng doanh nghiệp thành lập mới còn nhiều hạn chế, số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn tăng 14% so với cùng kỳ, tình hình hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn. Một số địa phương có nhiều tiềm năng như huyện Tĩnh Gia, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Hậu Lộc có tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn so với kế hoạch và cùng kỳ năm 2018.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Phát triển doanh nghiệp tỉnh, tiềm năng, dư địa để phát triển doanh nghiệp còn rất lớn, với hơn 95.000 hộ kinh doanh, trong đó có nhiều hộ kinh doanh có đủ điều kiện để chuyển đổi thành doanh nghiệp. Với quyết tâm hoàn thành mục tiêu phát triển doanh nghiệp năm 2019, ngay từ đầu các khóa đào tạo khởi sự doanh nghiệp và bồi dưỡng doanh nhân đã được đồng loạt tổ chức tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cũng đang chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan đi kiểm tra, đôn đốc công tác phát triển doanh nghiệp tại những địa phương khó khăn. Tuy nhiên, con số khoảng hơn 900 doanh nghiệp phải thành lập mới trong 3 tháng cuối năm là mục tiêu rất lớn, cần sự vào cuộc thực sự của các sở, ngành, các địa phương.

Được biết, Đề án Phát triển doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; bên cạnh mục tiêu phát triển doanh nghiệp về số lượng thì chất lượng hoạt động của doanh nghiệp được quan tâm hàng đầu. Ngoài ra, đối với việc thành lập các doanh nghiệp mới, đề án cũng định hình rõ, ưu tiên phát triển các doanh nghiệp với những ngành, nghề đang thực sự cần thiết như: Các doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực sản xuất, chế biến; khuyến khích phát triển các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; các doanh nghiệpkhoa học công nghệ và doanh nghiệp ở khu vực miền núi.

Ông Lê Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: “Năm 2019, công tác phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được đánh giá có nhiều thuận lợi khi mà các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được triển khai, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện tích cực, tinh thần khởi nghiệp đã được khơi dậy và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Bên cạnh đó, nhận thức trong công tác phát triển doanh nghiệp của cấp ủy, chính quyền các địa phương đã được nâng lên rõ rệt. Để công tác phát triển doanh nghiệp đạt kết quả cao và bền vững, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn lực về đất đai, tài chính mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tập trung cải cách thủ tục hành chính, phối hợp với Thanh tra tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh chấn chỉnh hoạt động thanh, kiểm tra trên địa bàn; trong đó, không thực hiện thanh tra, kiểm tra trong năm đầu tiên đối với các doanh nghiệp mới thành lập, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng để doanh nghiệp hoạt động”.

Đông Hoàng


Đông Hoàng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]