(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, Thanh Hóa luôn là địa phương nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới cao nhất cả nước. Điển hình như năm 2017 đã thành lập mới 3.000 DN, đứng thứ 7 cả nước. Năm 2018, số DN được thành lập mới tiếp tục tăng trưởng cao và đạt con số 3.360 DN, tăng 9,4% so với cùng kỳ, vượt 12% kế hoạch đề ra và đứng thứ 6 cả nước về số DN thành lập mới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển doanh nghiệp mới: Số lượng cần đi đôi với chất lượng

Những năm gần đây, Thanh Hóa luôn là địa phương nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới cao nhất cả nước. Điển hình như năm 2017 đã thành lập mới 3.000 DN, đứng thứ 7 cả nước. Năm 2018, số DN được thành lập mới tiếp tục tăng trưởng cao và đạt con số 3.360 DN, tăng 9,4% so với cùng kỳ, vượt 12% kế hoạch đề ra và đứng thứ 6 cả nước về số DN thành lập mới.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thời gian qua, bên cạnh những doanh nghiệp năng động, phát triển ổn định, nhiều doanh nghiệp sau khi thành lập hoạt động không hiệu quả, thập chí ngừng hoạt động. Bài toán nâng cao chất lượng doanh nghiệp sau thành lập vẫn đang cần lời giải từ phía các cơ quan chức năng. Xét ở góc độ tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát triển DN trên địa bàn tỉnh vẫn còn thiếu bền vững và mất cân đối, chưa khơi dậy được những lợi thế. Số lượng DN thành lập mới nhiều, nhưng tỷ lệ DN giải thể, ngừng hoạt động cũng tăng nhanh. Đa số DN thành lập mới trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ; số DN khởi nghiệp sáng tạo còn rất ít; hoạt động của DN mới còn rất nhiều khó khăn nhất là năng lực tài chính, quản trị và nguồn nhân lực, không ít các DN đã đóng cửa sau khi thành lập chưa được bao lâu.

Trước thực trạng trên, hiện nay các địa phương và các ngành chức năng đang tích cực kiểm tra, rà soát nhằm thống kê chính xác số DN đang hoạt động, số DN đã ngừng hoạt động, từ đó có những chính sách phát triển DN phù hợp, hiệu quả hơn.

Doanh nghiệp may mặc tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Theo số liệu từ Sở KH&ĐT Thanh Hóa, mặc dù tỷ lệ thành lập DN mới năm 2018 tăng 4,3% so với cùng kỳ. Song, cũng trong năm 2018, có tới 118 DN giải thể, tăng 28% so với cùng kỳ. Số lượng DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 816 DN, tăng 62% so với cùng kỳ. Con số này phản ánh thực trạng các DN trên địa bàn tỉnh còn yếu về năng lực cạnh tranh. Thanh Hóa hiện có khoảng 93 nghìn hộ kinh doanh cá thể, trong đó có tới hơn 21 nghìn hộ có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, đa số các hộ kinh doanh cá thể còn yếu về tiềm lực tài chính, hạn chế về kỹ năng quản trị. Tại các địa phương nhiều DN được thành lập một cách vội vàng khi chưa hội tụ đủ các yếu tố cần thiết như năng lực tài chính, kỹ năng quản trị. Nhiều hộ cá thể thành lập DN trong tình trạng cho đủ chỉ tiêu, số lượng mà chưa quan tâm thực sự tới nội lực của DN.

Được biết, hiện nay, các thủ tục về thành lập, kinh doanh, tạm ngừng, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản DN... đã được đơn giản và giảm thiểu. Cơ chế này đã tạo điều kiện cho DN phát huy khả năng sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, chính sự thông thoáng này cũng đặt ra yêu cầu phải có cơ chế quản lý Nhà nước chặt chẽ hơn để bảo đảm phát triển DN đúng quy định pháp luật. Theo đánh giá của Sở KH&ĐT nguyên nhân là do hiện nay, một số DN đã và đang lợi dụng “kẽ hở” này để thành lập nhiều DN hoặc lợi dụng việc tạm ngừng, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản DN để gian lận, trốn thuế, chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Một trong những lĩnh vực kinh doanh mà DN thường lợi dụng để thực hiện các hành vi trục lợi này là xuất nhập khẩu.

Tại TP Thanh Hóa thực tế hoạt động của các DN mất cân đối nghiêm trọng. Ông Lê Trọng Thụ - Phó Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa, cho biết: “Đây là địa bàn kinh tế năng động, nơi diễn ra nhiều hoạt động kinh doanh, buôn bán trọng điểm của tỉnh, địa phương luôn thực hiện vượt chỉ tiêu thành lập DN mới theo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, hoạt động của các DN vẫn trong tình trạng mất cân đối nghiêm trọng. Điển hình như năm 2018, TP Thanh Hóa thành lập 1.300 DN mới, vượt 18% kế hoạch. Nhưng các DN mới thành lập vẫn chủ yếu trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ; các lĩnh vực đang cần thiết đối với sự phát triển của địa phương lại chiếm số lượng ít, điển hình như chỉ có 8 DN thành lập mới trong lĩnh vực quản trị mạng, 11 DN trong lĩnh vực chế biến”.

Đến nay, toàn tỉnh có 13.275 DN đang hoạt động, mục tiêu đến năm 2020 có 20 nghìn doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, cùng với việc quan tâm phát triển về số lượng, rất cần nâng cao chất lượng hoạt động của DN bằng nhiều giải pháp hỗ trợ cụ thể, tạo ra đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hóa.

Đông Hoàng


Đông Hoàng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]