(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động công tác hội phụ nữ các cấp tỉnh Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phụ nữ xứ Thanh giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững

Trong những năm qua, vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động công tác hội phụ nữ các cấp tỉnh Thanh Hóa.

Bám sát chủ trương của Đảng, vận dụng linh hoạt, hiệu quả trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đến nay nhiều phong trào, các cuộc vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo đã và đang đạt hiệu quả thiết thực, với nhiều mô hình hoạt động đa dạng như CLB giảm nghèo, CLB nữ doanh nghiệp, tổ vay vốn, tổ tiết kiệm - tín dụng, tổ liên kết sản xuất - kinh doanh, tổ hợp tác, HTX, quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo... Các cấp hội đã giúp 142.051 lượt phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 8.510 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo, góp phần vào chương trình giảm nghèo chung của tỉnh.

Được thành lập năm 2015 với nghề mây giang xiên HTX Nghề Tiểu thủ công nghiệp Minh Thọ - Thị trấn Nông Cống, chỉ với 60 thành viên tham gia chủ yếu là phụ nữ đơn thân, tàn tật, hoàn cảnh khó khăn do chị Nguyễn Thị Vinh - Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Nông Cống kiêm nhiệm luôn chức Giám đốc HTX. Ấy vậy, sau 3 năm thành lập và đi vào hoạt động, đến nay số thành viên tăng lên 200 người, với mức thu nhập từ 1,5 đến 4triệu đồng/ người / tháng. Nghề phụ nhưng đã trở thành thu nhập chính cho nhiều chị em khi tận dụng khoảng thời gian nông nhàn. Không chỉ thu hút chị em phụ nữ thị trấn mà các xã lân cận Vạn Thắng, Công Chính, Công Bình, Minh Nghĩa... cũng hăng hái tham gia HTX và luôn đáp ứng yêu cầu mẫu mã, tiến độ do công ty yêu cầu.

HTX nghề TTCN Minh Thọ - thị trấn Nông Cống với nghề đan cơi trầu, sọt xuất khẩu tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Chỉ tính riêng năm 2017, các cấp hội phụ nữ đã thành lập 4 HTX, 15 tổ hợp tác, 22 tổ liên kết tại 17 huyện, nâng tổng số mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ toàn tỉnh lên 192 mô hình, trong đó có 27 HTX, 165 tổ hợp tác, tổ liên kết, với sự tham gia 2.996 thành viên tham gia. Cùng với việc hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế tập thể các cấp hội phụ nữ tiếp tục quan tâm hỗ trợ thành lập và nâng cao chất lượng hiệp hội doanh nhân nữ, các CLB doanh nhân nữ, nữ tiểu thương... đến nay đã có 12 đơn vị cấp huyện xây dựng được 14 CLB doanh nghiệp nữ. Thu hút 500 nữ doanh nghiệp tham gia.

Đặc biệt, phải kể đến là việc nhiều chị em phụ nữ dù chưa qua đào tạo trường lớp nhưng rất chịu khó học hỏi từ trong thực tiễn và mạnh dạn áp dụng vào trong công việc. Điển hình đó là chị Nguyễn Thị Lý (SN 1980), xã Đồng Lộc, huyện Hậu Lộc. Học hết lớp 9, không tiếp tục con đường học tập, chị ở nhà, vừa chăm bố mẹ chồng già yếu, vừa bươn chải với hai bàn tay trắng. Được sự giúp đỡ của bạn bè, người thân chị mở cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng rồi làm nhà phân phối cho hãng sơn Boss tại xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc. Năm 2011 gia đình chị thành lập Công ty TNHH Thương mại Hiệp Lý với số vốn chỉ mới 3 tỷ đồng. Vậy mà sau gần 8 năm con số đạt trên 10 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động thu nhập từ 3,5 đến 5 triệu đồng/ người/ tháng.

Còn chị Nguyễn Thị Sâm, xã Mậu Lâm, Như Thanh từng xuất phát là một hộ nghèo trong thôn. Năm 2009 chị vay vốn NHCS là 15 triệu đồng, Chi hội Phụ nữ thôn Yên Thọ cho vay 2 triệu đồng. Với nguồn vốn ít ỏi, gia đình chị đầu tư vào chăn nuôi lợn nái, gà, ngan, vịt. Với sự cố gắng nỗ lực, năm 2014 gia đình chị thoát nghèo và phát triển kinh tế trang trại với tổng diện tích hơn 1000m2. Hiện nay gia đình chị nuôi trâu, bò, 120 lợn thịt, hàng trăm con gà, vịt đẻ trứng. Gia đình chị tự chế biến thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, chị đầu tư mua 2 máy cấy, 1 máy cày bừa và 1 máy làm mạ khay phục vụ cho bà con trong xã, vào mùa tạo công ăn việc làm cho 10 - 12 lao động nữ. Trừ mọi chi phí thu nhập hàng năm của gia đình từ 150 - 180 triệu đồng/năm. Ngoài ra chị còn là tổ trưởng tổ hợp tác chăn nuôi gia súc, gia cầm, Phó chủ nhiệm CLB Gia đình hạnh phúc bền vững thôn Yên Thọ, luôn giúp đỡ chị em trong chi hội có hoàn cảnh khó khăn.

Từ những phong trào thi đua, các cuộc vận động này đã góp phần khơi dậy ý thức trách nhiệm, tinh thần tương thân tương ái, khích lệ tính sáng tạo, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo của các cấp hội. Đồng thời, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh Thanh Hóa.

Ngọc Huấn


Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]