(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Vấn nạn thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường khiến không ít người tiêu dùng hoang mang, trong khi đó, phía người sản xuất nông sản sạch do chưa chú trọng đến công tác quảng bá nên việc tiêu thụ vẫn gặp nhiều khó khăn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quảng bá và kết nối để nông sản sạch chiếm lĩnh thị trường

(VH&ĐS) Vấn nạn thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường khiến không ít người tiêu dùng hoang mang, trong khi đó, phía người sản xuất nông sản sạch do chưa chú trọng đến công tác quảng bá nên việc tiêu thụ vẫn gặp nhiều khó khăn.

Đầu tiên phải nói đến mặt hàng rau, nhất là rau an toàn (RAT) có nhu cầu tiêu thụ rất lớn, nhưng các cơ sở sản xuất lại hầu như đều gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Mà nguyên nhân chủ yếulà do quá trình liên kết giữa các ngành, doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất, tiêu thụ RAT chưa đồng bộ. Một nguyên nhân khác là nhiều người tiêu dùng không biết RAT bán ở đâu. Đây chính là cái thiếu trong công tác quảng bá của các nhà sản xuất, đơn vị cung ứng, thậm chí là của cả chính quyền địa phương.

Tìm hiểu thực tế tại HTX DVNT Thiệu Hưng (Thiệu Hóa), chúng tôi được biết với chủ trương đưa sản phẩm RAT đến tay người tiêu dùng, năm 2013 HTX này đã xây dựng mô hình sản xuất RAT trên diện tích 25,5 ha, trong đó có 7,7 ha trồng theo quy trình VietGAP đã được chứng nhận. Tuy nhiên, cho đến nay thì đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định. Nói về những vướng mắc trong khâu tiêu thụ, một số cán bộ của HTX đều khẳng định: Do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa đa dạng chủng loại lại thiếu sự kết nối giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và bán lẻ dẫn đến không điều tiết được sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Việc minh bạch về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm chưa được làm triệt để, thị trường trở nên “loạn ngôn” với từ an toàn và sạch. Phần lớn các mô hình sản xuất chưa được đầu tư về trang thiết bị cũng như mẫu mã, nhãn mác, lôgô sản phẩm nên người tiêu dùng không phân biệt được đâu là rau VietGAP, đâu là rau thường. Mặt khác, trong khi người tiêu dùng còn ham rẻ, “chuộng” rau xanh, tươi, non; công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm chưa được chú trọng...

Công tác quảng bá cần được chú trọng để nông sản an toàn có chỗ đứng trên thị trường.

Còn HTX DVNN và điện năng Hoằng Hợp (Hoằng Hóa) lại là một trong số ít HTX đưa sản phẩm RAT của mình xâm nhập vào các siêu thị lớn như: BigC, Coopmart, bếp ăn tập thể của một số đơn vị, doanh nghiệp…Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Huy Thụ, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: Số lượng RAT nhập vào kênh siêu thị còn ít, lại bấp bênh chứ vẫn chưa đứng vững được, còn đa phần nông dân vẫn phải chở bằng xe mô tô đi bán rong khắp các chợ, khu phố của TP Thanh Hóa, TX Bỉm Sơn và nhiều nơi trong tỉnh…

Đó mới chỉ là đối với mặt hàng rau, bức xúc hơn phải kể đến các loại thực phẩm không an toàn hiện lan tràn ở hầu khắp mọi nơi. Số lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa qua kiểm dịch hàng ngày vẫn vô tư được bày bán trên thị trường một cách công khai. Rõ ràng, người tiêu dùng không bao giờ muốn sử dụng các loại nông sản, thực phẩm độc hại. Nhưng, mua thực phẩm an toàn (TPAT) ở đâu; làm sao tin tưởng được đó là sản phẩm an toàn...? Đó là câu hỏi mà nhiều người tiêu dùng vẫn băn khoăn. Giải đáp những băn khoăn trên lại phụ thuộc vào công tác quảng bá của chính các đơn vị sản xuất cũng như cung ứng TPAT mà hiện nay còn tương đối thiếu và yếu.

Theo tìm hiểu của chúng tôi tại một số doanh nghiệp tham gia kinh doanh nông sản an toàn theo chuỗi thấy rằng chi phí bao bì, tem nhãn cao, trong khi giá bán chưa như mong đợi và người tiêu dùng khó phân biệt, chưa tin tưởng vào chất lượng; việc xác nhận sản phẩm kiểm soát theo chuỗi chưa có hướng dẫn cụ thể nên cơ quan chức năng còn chậm triển khai... đã khiến cho nhiều doanh nghiệp đắn đo khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực này.

Trong khi đó sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm hiện vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết; tốc độ nhân rộng chuỗi cung ứng TPAT còn rất chậm; hệ thống tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản cấp huyện, cấp xã chưa có; nhân lực triển khai tại cấp huyện được phân công theo dõi về chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản đều kiêm nhiệm, thiếu cán bộ chuyên trách; cơ sở giết mổ nhỏ lẻ xen kẽ trong khu dân cư, gây khó khăn trong quản lý... Chính những cái thiếu và yếu trong tuyên truyền, quảng bá nói trên mà thực phẩm sạch vẫn chưa có chỗ đứng bền vững.

Bởi vậy, vấn đề quan trọng nhất hiện nay, ngoài việc giám sát chặt chẽ các khâu sản xuất, các cơ sở sản xuất cần có giải pháp tạo dựng lòng tin cho người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm để chiếm lĩnh được thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền công bố rộng rãi các cơ sở, điểm cung cấp TPAT đến người dân để họ biết và lựa chọn sản phẩm; đồng thời cũng công bố những cơ sở không đảm bảo tiêu chuẩnđể người dân biết.

Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]