(vhds.baothanhhoa.vn) - Giảm nghèo nhanh và bền vững là một trong 5 chương trình KT-XH trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Sau hơn 2 năm thực hiện, các cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng đã tập trung nguồn lực ưu tiên hỗ trợ giảm nghèo cho các huyện miền núi, các xã bãi ngang ven biển. Thông qua những chương trình, mô hình kinh tế, chủ trương giảm nghèo nhanh và bền vững không chỉ góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế hộ mà còn khơi dậy ý chí quyết tâm, vươn lên của người nghèo.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (Bài 2): Cho ‘cần câu’, trao sinh kế

Giảm nghèo nhanh và bền vững là một trong 5 chương trình KT-XH trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Sau hơn 2 năm thực hiện, các cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng đã tập trung nguồn lực ưu tiên hỗ trợ giảm nghèo cho các huyện miền núi, các xã bãi ngang ven biển. Thông qua những chương trình, mô hình kinh tế, chủ trương giảm nghèo nhanh và bền vững không chỉ góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế hộ mà còn khơi dậy ý chí quyết tâm, vươn lên của người nghèo.

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

Trong thời gian qua, nhiều huyện đã chú trọng đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình phù hợp, hiệu quả, như phục tráng rừng luồng ở Lang Chánh, Quan Hóa; trồng dưa hấu, nuôi lợn cỏ ở Như Thanh; nuôi vịt Cổ Lũng ở Bá Thước; trồng thanh long ruột đỏ, trồng nghệ dược liệu ở Thạch Thành, Cẩm Thủy....

Để giúp người dân vươn lên thoát nghèo, huyện Quan Hóa đã xây dựng 13 mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn 11 xã, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Điển hình như mô hình chăn nuôi vịt Cổ Lũng tại bản Khằm, xã Hồi Xuân; Mô hình chăn nuôi gà ri lai ở bản Đồng Tâm, xã Phú Nghiêm; Mô hình thâm canh cá nước ngọt tại xã Hồi Xuân với 15 hộ gia đình tham gia. Tại bản Nghèo, bản Khó, xã Hồi Xuân, huyện đã hướng dẫn nhân dân thực hiện mô hình thâm canh cá nước ngọt cho vùng miền núi từ năm 2016. Anh Vi Văn Chung, bản Nghèo, xã Hồi Xuân là một trong những hộ nuôi cá nước ngọt chia sẻ: Khi biết huyện có chủ trương xây dựng các mô hình kinh tế mới thông qua sự hỗ trợ của các Chương trình 30a, nông thôn mới, anh đã mạnh dạn xin tư vấn, hướng dẫn. Sau đó anh đã xây dựng mô hình nuôi cá, kết hợp chăn nuôi gà, vịt, trồng cây ăn quả. Đến nay gia đình anh đã vượt qua đói nghèo, thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng.

Cũng như anh Vi Văn Chung, anh Lò Văn Hoa ở xã Đồng Tâm, xã Phú Nghiêm (Quan Hóa) là hộ nghèo, khi được các cấp chính quyền tư vấn về nuôi gà ri lai và xây dựng gia trại tổng hợp nhỏ để phát triển kinh tế, anh đã vay vốn người thân cộng với nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình 30a để phát triển trang trại. Đến nay, gia đình anh đã thoát nghèo với thu nhập 3 triệu đồng/tháng.

Phát huy tiềm năng lợi thế, huyện Quan Sơn xác định cây vầu là cây xóa đói, giảm nghèo, bởi vậy huyện xây dựng 2 mô hình trồng vầu tại xã Tam Lư với diện tích 70 ha. Bằng những chính sách hỗ trợ thiết thực, đến nay toàn xã đạt hơn 200 ha vầu. Năm 2010 Tam Lư có tới 50,4% hộ nghèo, đến năm 2016 giảm còn 36,66%, phấn đấu đến năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 10%, đạt tiêu chí chuẩn NTM.

Nhìn chung, thực hiện chương trình giảm nghèo, thông qua các chính sách hỗ trợ, ở các địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Thông qua những mô hình này đã thu hút nhiều hộ nghèo tham gia, qua đó giúp phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững. Đó là cách giảm nghèo cho người nghèo cần câu chứ không phải con cá. Đồng thời tạo sinh kế để họ ổn định đời sống, vươn lên phát triển kinh tế. Đây đang là cách làm đem lại hiệu quả thiết thực.

Một buổi tuyên truyền giảm nghèo tại bản Cơm, xã Pù Nhi (Mường Lát).

Huy động đa dạng các nguồn lực cho công tác giảm nghèo

Trong những năm qua huyện Như Thanh đã tập trung chỉ đạo toàn diện phát triển sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, phục vụ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Để các đối tượng diện nghèo tiếp cận với các nguồn lực của Nhà nước, chủ động phát triển kinh tế hộ gia đình vươn lên thoát nghèo huyện tăng cường chuyển giao KHKT, hội thảo đầu bờ, bồi dưỡng kiến thức giúp người nghèo thay đổi nhận thức và tập quán canh tác lạc hậu; triển khai thực hiện tốt cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ phát triển các loại cây công nghiệp mía, cao su, trồng rừng. UBND huyện Như Thanh cũng đã ban hành một số đề án như sản xuất rau an toàn tập trung giai đoạn 2016 - 2020; đề án phát triển rừng gỗ lớn, khoanh nuôi, phục tráng rừng lim xanh tái sinh giai đoạn 2016 - 2020...; mở rộng và phát triển các HTX vận tải, dịch vụ vận chuyển hàng hóa lâm sản cung ứng cho các nhà máy chế biến, xây dựng phát triển khai thác các khu du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, tâm linh (Vườn Quốc gia Bến En, Lò cao kháng chiến Hải Vân, Phủ Na...). Năm 2016, huyện Như Thanh còn 5.112 hộ nghèo, chiếm 22,2%. Đến nay, toàn huyện còn 3.702 hộ (chiếm 16,1%) giảm 6,1% với 1.410 hộ, vượt chỉ tiêu giao.

Thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, các ngành, hội, đoàn thể chính trị - xã hội, doanh nghiệp cũng chủ động hành động bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả. Điển hình như Hội LHPN tỉnh phát động phong trào “giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ” và quyên góp được 5 tỷ đồng, mở 15 lớp dạy nghề cho hơn 12.000 hội viên, huy động gần 7 tỷ đồng cho hơn 3 nghìn hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Các doanh nghiệp đã hỗ trợ hơn 26 tỷ đồng để hỗ trợ thực hiện công tác giảm nghèo và an sinh xã hội;... Đặc biệt, thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội, đã có hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Có thể khẳng định rằng, chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã huy động được cả hệ thống chính trị và nhân dân đồng thuận vào cuộc hành động. Từ chương trình này, Thanh Hóa đã có cách làm hiệu quả là trao cho người nghèo "cần câu" và sinh kế để họ thoát nghèo. Điều này đang tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác giảm nghèo. Đa phần các đối tượng diện nghèo đã không còn trông chờ, ỷ lại Nhà nước mà đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình và quê hương.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, Nhà nước cần giảm bớt một số chính sách “cho không” như hỗ trợ tiền điện, cấp muối, hỗ trợ tiền ăn, tiền xe cho đối tượng có BHYT thuộc hộ nghèo. Bởi vô hình chung sự "cho không" này có thể tạo sự ỷ lại, trông chờ của người dân vào Nhà nước. Thay vào đó là tăng nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng phát triển KT-XH. Cũng theo nhiều địa phương, mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 2,5%; phấn đấu mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi giảm 5% trở lên, các huyện vùng núi cao giảm 6 - 7% sẽ gặp không ít khó khăn. Bởi toàn tỉnh đang có 105.855 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 10,9%, số hộ cận nghèo là 96.096 hộ, chiếm tỷ lệ 9,96%, càng về các năm tiếp theo, các đối tượng thuộc hộ nghèo là “lõi nghèo”, thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, không có khả năng thoát nghèo.

Bên cạnh sự chủ động trong công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, thời gian qua, Thanh Hóa đã tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương cho công tác này. Chỉ tính trong năm 2017, Nghị quyết 30a Chính phủ đã hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các huyện nghèo với tổng số vốn đầu tư là 189,398 tỷ đồng; Chương trình 257 hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo với tổng vốn đầu tư 28 tỷ đồng cho 26 xã và 2 phường; Chương trình 135 hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn với số vốn được phân bổ là 166,68 tỷ đồng;...

Ngọc Huấn


Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]