(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (Bài 3): Đổi mới từ khâu đào tạo

Sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Cụ thể từ cách làm

Trước thực trạng cơ cấu trình độ, ngành nghề đào tạo trong tỉnh còn chưa phù hợp với nhu cầu thực tế sử dụng; chất lượng đào tạo một số ngành nghề chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; thiếu lao động lành nghề, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, các chuyên gia đầu ngành; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức năng lực thực tế chưa cao;... Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có Quyết định số 291 ngày 27/5/2016 ban hành Chương trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực (giai đoạn 2016 - 2020) với mục tiêu: Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực đủ số lượng, nâng cao chất lượng với cơ cấu trình độ, ngành nghề hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, quá trình CNH, HĐH, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế. Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực, bảo đảm lao động có nhu cầu đều có việc làm. Sử dụng lao động phù hợp với trình độ, chuyên môn, ngành nghề đào tạo. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trình độ nhân lực đạt khá so với mặt bằng chung cả nước và trở thành một trong những lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

Theo chương trình này, Thanh Hóa đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với tái cơ cấu nền kinh tế nhằm cung ứng đủ nhu cầu nhân lực của tỉnh và đào tạo nhân lực phục vụ xuất khẩu lao động. Rà soát, bổ sung và đánh giá lại năng lực đào tạo của các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tăng cường đầu tư phát triển, nâng cao năng lực đào tạo. Xác định rõ những ngành nghề có lợi thế để điều chỉnh quy mô đào tạo. Có chính sách thu hút giảng viên giỏi, các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia giảng dạy và tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa các cơ sở đào tạo của tỉnh với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước. Huy động đa dạng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển đào tạo, dạy nghề. Đào tạo, thu hút đội ngũ chuyên gia đầu ngành đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển KT-XH. Xây dựng kế hoạch đào tạo, cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đội ngũ chuyên gia đầu ngành về công tác tại tỉnh giai đoạn 2016 - 2020...

Chủ trương đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đang được Thanh Hóa đẩy mạnh thực hiện.

Đổi mới trong đào tạo

Thời gian qua công tác đào tạo nguồn nhân lực - nguồn nhân lực chất lượng cao luôn được coi trọng. Mạng lưới, quy mô các cơ sở đào tạo, dạy nghề được mở rộng. Hệ thống các trường không ngừng được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Theo thống kê đến nay toàn tỉnh có 14 trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và 102 cơ sở dạy nghề.

Nhiều chương trình, đề án đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện như: Đề án liên kết đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học và sau đại học với các trường đại học nước ngoài. Đề án đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý đi học thạc sỹ các ngành quản lý công, chính sách công, hành chính công ở Anh và Úc. Hàng trăm nghìn lượt cán bộ, công chức theo chức danh, tiêu chuẩn ngạch được bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ...

Với việc ký cam kết hợp tác với các doanh nghiệp, xây dựng nội dung kế hoạch đào tạo sát với thực tiễn sản xuất, giải quyết việc làm cho HSSV sau khi tốt nghiệp, Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Thanh Hóa đang là một trong những điển hình. Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng nhà trường: Xác định, nhu cầu các doanh nghiệp tuyển dụng lao động qua đào tạo nghề rất lớn, nhà trường đã và đang hợp tác với gần 100 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh (như: Tập đoàn thép Hòa Phát, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Xây dựng Miền Trung, Tổng Công ty Lắp máy VN, Tổng Công ty CIENCO, Tổng Công ty XD Việt Nam).

Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, thời gian qua, Trường Đại học Hồng Đức luôn quan tâm đổi mới mục tiêu, chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy từ cung cấp kiến thức sang hỗ trợ phát triển năng lực và phẩm chất, kỹ năng của người học. Nhà trường chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành thí nghiệm tiên tiến, hiện đại, giúp sinh viên nắm vững kỹ năng nghề nghiệp. Ngoài ra, nhà trường đã quan tâm đến việc hoàn thiện kỹ năng giải quyết vấn đề cho sinh viên thông qua các chương trình hội thảo, câu lạc bộ sinh viên khởi nghiệp, huấn luyện kỹ năng sống và làm việc cho sinh viên...

Bà Nguyễn Thị Nguyệt - Phó Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định: Với chương trình trọng tâm đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Sở Nội vụ tập trung thực hiện 2 nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng kế hoạch, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2020, định hướng 2025 của tỉnh; Chính sách thu hút đội ngũ chuyên gia đầu ngành về công tác trong tỉnh giai đoạn 2017 - 2020.

Hiện tại, những nội dung nhiệm vụ đã đang được từng bước triển khai có hiệu quả. Trong đó, nổi bật năm 2017 là mở lớp bồi dưỡng với 100% đại biểu HĐND các cấp từ huyện đến xã. Cụ thể, trên cơ sở Kế hoạch đã được phê duyệt, từ ngày 26/4/2017 đến ngày 26/5/2017 Thanh Hóa đã mở 8 lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp cho Đại biểu HĐND cấp huyện nhiệm kỳ 2016 - 2021 và 134 lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp cho Đại biểu HĐND cấp xã, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Riêng chính sách đào tạo và thu hút đội ngũ chuyên gia đầu ngành về công tác trong tỉnh giai đoạn (2017 - 2020) mới trình kế hoạch gửi UBND tỉnh. Theo dự kiến, sẽ đào tạo và thu hút 100 người gồm cả đào tạo trong nước và nước ngoài.

Sơn Đình


Sơn Đình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]