(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Với quyết tâm giữ vững đà tăng trưởng, ngay từ những ngày đầu năm Đinh Dậu 2017 hầu hết các đơn vị, địa phương đã hối hả ra quân sản xuất, kinh doanh với niềm tin, khí thế và quyết tâm mới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sôi động khí thế thi đua sản xuất đầu năm

(VH&ĐS) Với quyết tâm giữ vững đà tăng trưởng, ngay từ những ngày đầu năm Đinh Dậu 2017 hầu hết các đơn vị, địa phương đã hối hả ra quân sản xuất, kinh doanh với niềm tin, khí thế và quyết tâm mới.

Sản xuất công nghiệp - Sôi động từ những ngày đầu tiên

Ngay những ngày đầu xuân, nhiều đơn vị, doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp đã ra quân với khí thế và quyết tâm đẩy mạnh sản xuất, thực hiện chỉ tiêu kế hoạch năm 2017.

Ngay từ ngày 2/2 (tức mùng 6 tháng Giêng), các DN may mặc trên địa bàn tỉnh đồng loạt ra quân sản xuất với khí thế sôi nổi, quyết tâm cao trong lao động, phấn đấu đưa hoạt động sản xuất may mặc ngày càng đi lên, tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 100 DN hoạt động trong lĩnh vực may mặc. Năm 2016, giá trị xuất khẩu của ngành dệt may tăng trưởng hơn 13% so với cùng kỳ. Cùng với việc đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại, thị trường tiêu thụ ngày càng rộng mở, năm 2017, ngành dệt may hứa hẹn sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, tiếp tục có đóng góp lớn vào sự tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh.

Ngay những ngày đầu xuân các doanh nghiệp đã ra quân với khí thế và quyết tâm đẩy mạnh sản xuất, thực hiện chỉ tiêu kế hoạch năm 2017.

Cũng ngay từ những ngày đầu năm mới khí thế thi đua lao động sản xuất đã diễn ra sôi nổi ở khắp các phân xưởng của Công ty CP Xi măng Vicem Bỉm Sơn. Đặc biệt, trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, cả 2 dây chuyền sản xuất của công ty vẫn hoạt động ổn định, bảo đảm công suất thiết kế hơn 9.000 tấn clinke/ngày. Từ sáng mùng 1 Tết, công ty bắt đầu tổ chức ra quân và đã tiêu thụ được hơn 3.000 tấn xi măng. Tổng cộng từ ngày mùng 1 đến mùng 4 Tết đơn vị tiêu thụ được 17.000 tấn sản phẩm, trong đó có 12.000 tấn xi măng. Chị Hường, công nhân của công ty, cho biết: Mặc dù làm việc cả những ngày nghỉ Tết Nguyên đán để đảm bảo tiến độ sản xuất, thời gian giao hàng cho các đối tác theo kế hoạch đã ký, nhưng chúng tôi rất vui. Công ty có thêm nhiều việc làm, đồng nghĩa với thu nhập sẽ tăng lên. Hơn nữa, các chế độ khi tăng ca, làm thêm giờ đều được công ty chi trả theo đúng quy định, kịp thời, cùng các chính sách ưu đãi khác giúp chúng tôi có thêm động lực làm việc. Hy vọng, năm 2017 công ty ký được nhiều đơn hàng mới để công nhân chúng tôi có đủ việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Với những nỗ lực quyết tâm sản xuất, kinh doanh ngay từ ngày đầu, tháng đầu ra quân, hy vọng năm 2017, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ vượt qua những khó khăn thách thức, hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, xứng đáng với vai trò đầu tàu trong phát triển KT-XH của tỉnh.

Nông dân nô nức xuống đồng

Những ngày sau tết, tranh thủ thời tiết thuận lợi nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh đã nô nức xuống đồng gieo cấy, chăm sóc lúa chiêm xuân và các loại cây trồng cho kịp thời vụ.

Vụ chiêm xuân 2016 - 2017, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 116.000 ha lúa, năng suất bình quân đạt 63 tạ/ ha. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Sở NN&PTNT đã ban hành phương án sản xuất; đồng thời chỉ đạo cụ thể, rõ ràng về cơ cấu giống lúa, lịch thời vụ để các địa phương bám sát, hướng dẫn bà con nông dân thực hiện.

Theo kế hoạch, huyện Nông Cống sẽ gieo cấy 10.560 ha lúa, trong đó, gần 85% diện tích được gieo cấy ở trà xuân muộn, là trà giảm được chi phí đầu tư và ảnh hưởng của thời tiết bất thuận, sâu bệnh hại, cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao nhất. Bởi vậy, ngay từ ngày 31/1, tận dụng thời tiết thuận lợi, trên khắp các cánh đồng của huyện Nông Cống, người dân đã sôi nổi xuống đồng gieo cấy lúa vụ chiêm xuân 2016 - 2017.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Lê Thị Hồng, xã Thăng Thọ, cho biết: “Từ ngày mùng 4 Tết, nông dân đã xuống đồng chăm sóc lúa chiêm - xuân, nhưng tập trung đông nhất là ngày mùng 6. Đây là ngày tốt nhất cho việc xuống đồng theo quan niệm của người trồng lúa”. Như mọi năm, khi cây lúa bắt đầu nảy mầm, sinh trưởng cũng là lúc sâu bệnh bắt đầu xuất hiện. “Sâu bệnh xuất hiện ngay từ đầu vụ không còn là chuyện lạ đối với nông dân, thậm chí đã trở thành quy luật trong sản xuất lúa. Điều quan trọng là người dân cần chủ động, tích cực trong việc ra đồng, phát hiện và xử lý kịp thời. Công việc mà gia đình tôi và người dân quan tâm nhất lúc này là xử lý sâu bệnh gây hại”, bà Hồng chia sẻ.

Tại huyện Quảng Xương, để hoàn thành mục tiêu gieo cấy 7.100 ha lúa vụ chiêm xuân, ngay từ ngày 31/1, các địa phương đã đôn đốc bà con nông dân xuống đồng gieo cấy theo đúng lịch thời vụ. Do được chuẩn bị đầy đủ điều kiện về đất, nước, mạ, nên tiến độ gieo cấy của bà con khá nhanh. Cũng đến ngày 1/2, toàn huyện đã gieo cấy được khoảng 2.800 ha lúa.

Ngoài cây lúa, nông dân trong tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo trồng các loại cây ngắn ngày, như sắn, lạc, ngô, đậu, rau màu. Tùy thuộc vào điều kiện từng vùng đất, các địa phương bố trí sản xuất luân canh các cây trồng, xen canh phù hợp: lạc - sắn, lạc - đậu đỗ, lạc - khoai nhằm đảm bảo năng suất và chất lượng sản phẩm, đảm bảo khung lịch thời vụ. Với không khí xuống đồng sau tết, cộng với sự chủ động, tích cực chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, hy vọng nông dân có một vụ lúa được mùa, cây trồng bội thu.

Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]