(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Thực hiện chỉ đạo của tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, Thanh Hóa đang từng bước đổi thay hình ảnh, trở thành một trong những địa phương thu hút làn sóng đầu tư mạnh mẽ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa, địa chỉ tin cậy để các doanh nghiệp khẳng định vị thế

(VH&ĐS) Thực hiện chỉ đạo của tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, Thanh Hóa đang từng bước đổi thay hình ảnh, trở thành một trong những địa phương thu hút làn sóng đầu tư mạnh mẽ.

Kết quả khởi sắc

Để có được diện mạo hoàn toàn mới như hiện nay là sự nỗ lực thay đổi, từng bước khắc phục hạn chế và phát huy tiềm năng. Thành quả cho những cố gắng này là sự thay da đổi thịt của nền kinh tế, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Trong giai đoạn 2010 - 2015, tỉnh ta đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào tỉnh.

Sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết số 02 ngày 27-6-2011 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011 - 2015 và đã được các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể, các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, tích cực triển khai thực hiện. Từ đó, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đã được cải thiện mạnh mẽ, thể hiện rõ nét qua kết quả xếp loại Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) ở nhóm 38 đến 52 trong giai đoạn 2006 - 2010 đã lên nhóm những tỉnh đứng đầu cả nước.

Giai đoạn 2011 - 2015 tỉnh Thanh Hóa đã thu hút 560 dự án đầu tư trực tiếp (25 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 120.000 tỷ đồng và 2,560 tỷ USD (gồm cả dự án Nhiệt điện Nghi Sơn II); điều chỉnh tăng vốn 32 dự án FDI với số vốn tăng thêm 3 tỷ USD, nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực lên 59 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,800 tỷ USD, đứng thứ 6 cả nước.

Riêng Khu kinh tế Nghi Sơn đã thu hút được hơn 138 dự án đầu tư, trong đó: hơn 129 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 96.701 tỷ đồng và 9 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 12,031 tỷ USD, trong đó: Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có vốn đầu tư trên 9 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn sản phẩm/năm, là một trong những dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam, dự kiến sẽ hoàn thành đầu tư và vận hành thương mại vào năm 2017.

Nhờ chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, nhiều công trình, dự án lớn được đầu tư vào Thanh Hóa.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, đã nhấn mạnh: “Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, theo hướng minh bạch, thông thoáng, tạo sức hấp dẫn mới để huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển” là 1 trong 7 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra cho giai đoạn 2015 - 2020.

Để thu hút đầu tư, tỉnh Thanh Hóa đã áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định.

Cùng với các chính sách của Trung ương thì Thanh Hóa cũng ban hành các chính sách riêng. Cụ thể như: khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường trên địa bàn tỉnh.

Có thể thấy, môi trường đầu tư vào Thanh Hóa liên tục được cải thiện và chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay.

Mới đây, tại hội nghị thành viên VCCI Thanh Hóa, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI đánh giá cao công tác hỗ trợ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua. Và nhấn mạnh Thanh Hóa là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện nội dung cam kết hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 35, ngày 16-5-2016 của Chính phủ, điều này thể hiện quyết tâm cao của tỉnh trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế của tỉnh.

Được biết, hiện Thanh Hóa đang chú trọng 10 nhóm lĩnh vực mà tỉnh mong muốn các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư, như: hạ tầng các khu công nghiệp; hạ tầng cảng biển; công nghiệp sau lọc hóa dầu; công nghiệp điện tử, viễn thông; cơ khí chế tạo; các ngành công nghiệp phụ trợ; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; hạ tầng du lịch; sản xuất nông nghiệp sạch và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nếu các tập đoàn, doanh nghiệp chọn Thanh Hóa để đầu tư, Thanh Hóa sẽ thực hiện các cam kết: Tạo điều kiện thuận lợi trong thủ tục đầu tư, có trách nhiệm hoàn thành các thủ tục liên quan đến các bộ, ngành và Chính phủ Việt Nam; cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan về dự án; chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng, đảm bảo cung cấp hạ tầng, điện, nước đến tận hàng rào nhà máy; có nhiều chính sách ưu đãi riêng của tỉnh; khi có vướng mắc trong quá trình đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ trực tiếp kiểm tra, giải quyết.

Thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh, vì vậy Thanh Hóa luôn khẳng định quan điểm nhất quán và cam kết sẽ đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư đến đầu tư kinh doanh có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Cùng xây dựng mái nhà chung cho các doanh nghiệp, sát cánh cùng chính quyền xây dựng quê hương tỉnh Thanh ngày càng giàu mạnh, khẳng định vị thế của các doanh nghiệp Thanh Hóa trên thương trường.

Huy Hoàng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]