(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Không chỉ có vị trí thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào, Thanh Hóa còn hấp dẫn nhà đầu tư nhờ môi trường thông thoáng và nhiều ưu đãi lớn dành cho các doanh nghiệp, đó là những tin vui, tín hiệu tốt lành, mở ra nhiều triển vọng để ngày càng có nhiều tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam và nước ngoài đầu tư vào đây.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa, điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư (Bài 1): Tiềm năng và cơ hội lớn

(VH&ĐS) Không chỉ có vị trí thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào, Thanh Hóa còn hấp dẫn nhà đầu tư nhờ môi trường thông thoáng và nhiều ưu đãi lớn dành cho các doanh nghiệp, đó là những tin vui, tín hiệu tốt lành, mở ra nhiều triển vọng để ngày càng có nhiều tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam và nước ngoài đầu tư vào đây.

Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp năm 2017 của tỉnh thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia.

Lợi thế và cơ hội đầu tư

Nói về tiềm năng thu hút đầu tư của Thanh Hóa không thể không nói đến Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn. KKT Nghi Sơn được coi là cầu nối giữa Bắc bộ với Trung bộ và Nam bộ và là KKT tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm phát triển công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản, gắn với việc khai thác có hiệu quả cảng biển nước sâu Nghi Sơn có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lên tới 100.000 DWT. KKT Nghi Sơn là điểm sáng quan trọng đối với chiến lược đầu tư phát triển kinh tế lâu dài của tỉnh Thanh Hóa cũng như khu vực Bắc Trung Bộ.

Bên cạnh đấy, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng được coi là một trong những “chìa khóa” thu hút đầu tư vào Thanh Hóa. Là liên doanh của Việt Nam, Nhật Bản và Cô-oét, tổng mức đầu tư 9,3 tỷ USD, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn có công suất 10 triệu tấn/năm, khi vận hành thương mại sẽ đáp ứng khoảng 40% lượng xăng dầu của Việt Nam. Có thể nói, KKT Nghi Sơn không những hấp dẫn với các nhà đầu tư về vị trí địa lý mà còn tạo ra nhiều cơ hội để các nhà đầu tư phát triển nhanh chóng, bền vững.

Ngoài KKT Nghi Sơn, nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp có thể lựa chọn các KCN Bỉm Sơn, Hoàng Long, Đình Hương - Tây Bắc Ga... bởi sự đa dạng các ngành nghề công nghiệp như dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp công nghệ cao...

Trong năm 2016, đã có 189 dự án đầu tư vào Thanh Hóa (trong đó có 11 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 26.731 tỷ đồng và 155 triệu USD. Việc thu hút đầu tư không đơn giản chỉ là kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm đến với Thanh Hóa mà đã chuyển sang hướng Thanh Hóa tự tìm đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư để mời gọi. Đây là hướng đổi mới đúng đắn trong cách kêu gọi đầu tư bởi hầu hết các địa phương khác trong nước đều “trải thảm đỏ” cho các doanh nghiệp để cạnh tranh thu hút nguồn lực đầu tư. Trong năm, đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng dẫn đầu, đã có chuyến xúc tiến đầu tư tại Tokyo và Osaka (Nhật Bản); các ngành, đơn vị liên quan của tỉnh như Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch Thanh Hóa, Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và KCN tỉnh Thanh Hóa... cũng đã triển khai nhiều chương trình kêu gọi đầu tư về tỉnh nhà. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều nỗ lực để đơn giản hóa thủ tục hành chính và sớm cấp giấy chứng nhận đầu tư cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh tại Thanh Hóa.

Đơn giản hóa thủ tục đầu tư

Một trong những yếu tố khiến các doanh nghiệp lớn “để mắt” đến Thanh Hóa chính là môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng thông thoáng. Ngoài việc linh hoạt vận dụng và xây dựng những cơ chế, chính sách ưu đãi hấp dẫn riêng để thu hút, mời gọi đầu tư, Thanh Hóa còn đặc biệt quan tâm đến công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Chưa kể hàng năm, tỉnh đều tổ chức lấy ý kiến thăm dò doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị trong thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Qua đó, đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính, những khó khăn cần tháo gỡ, đồng thời đánh giá được chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức qua việc tiếp xúc và giải quyết công việc với các doanh nghiệp. Nhiều sở, ngành như: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Giao thông - Vận tải, Giáo dục và Đào tạo... đã thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” vào công tác hành chính, góp phần gia tăng số lượng hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết đúng hẹn. Nhiều đơn vị cấp huyện như: TP Thanh Hóa, TX Bỉm Sơn, Yên Định, Nga Sơn... cũng đã triển khai thực hiện giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức theo mô hình “một cửa liên thông” hiện đại...

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh là 1 trong 4 khâu đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2016 - 2020. Với các yêu cầu đặt ra: Cần đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính trên tất cả lĩnh vực; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo thông thoáng, minh bạch, đủ sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Thanh Hoá cũng xác định các mục tiêu đến năm 2020 thu hút đầu tư trên 600 nghìn tỷ đồng; các chỉ số PAPI, PCI, PAR INDEX nằm trong top 10 tỉnh, TP dẫn đầu cả nước,...

Huy Hoàng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]