(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Thực hiện Quyết định số 1985/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Thanh Hóa đã “trải thảm đỏ” kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực này với nhiều cơ chế, chính sách hấp dẫn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa, điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư (Bài 2): Tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao

(VH&ĐS) Thực hiện Quyết định số 1985/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Thanh Hóa đã “trải thảm đỏ” kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực này với nhiều cơ chế, chính sách hấp dẫn.

Xác định doanh nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của nông nghiệp và nông thôn, những năm qua Thanh Hóa luôn quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này với nhiều cơ chế, chính sách hấp dẫn như: Hỗ trợ sản xuất hạt giống lúa lai F1; xây dựng vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả; hỗ trợ sản xuất rau an toàn, tập trung; hỗ trợ lưu giữ giống gốc vật nuôi... Đặc biệt, để ngành nông nghiệp phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, tạo chuyển biến căn bản về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.

Theo đó, nhiều giải pháp về thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phục vụ xuất khẩu; tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào việc nghiên cứu, lai tạo nhiều giống cây trồng, vật nuôi; hình thành và nhân rộng các mô hình sản xuất sạch, bền vững theo tiêu chuẩn VietGap, LiFSap, ISO… đã được triển khai thực hiện. Trong đó nổi bật là đã quy hoạch và đang từng bước đầu tư, phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng và một số mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở nhiều địa bàn khác trong tỉnh. Các mô hình này không chỉ tạo ra nông sản có năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao mà còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân.

Trao đổi về phương hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh thời gian tới, ông Mai Nhữ Thắng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa khẳng định: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang là yêu cầu tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, đặc biệt sức khỏe đời sống con người.

Có thể thấy, thành công bước đầu của dự án nông nghiệp công nghệ cao do Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn thực hiện đã mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp Thanh Hóa trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, Công ty CP Mía đường Lam Sơn cũng đã thực hiện mô hình sản xuất lúa theo công nghệ hữu cơ SRI và SRI2 tại thị trấn Vạn Hà, với diện tích 100 ha. Đây được xem là mô hình mẫu trong việc thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất lớn vào lĩnh vực nông nghiệp. Bởi, mô hình không những được sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm, mà còn là mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.

Mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Thanh Hóa đang có nhiều thành công. (Ảnh: T.T)

Gầnđây nhất, hai tập đoànFLC và Vingroup đều tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn Thanh hóa. Theo đó, Tập đoàn FLC được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận đầu tư vào dự án Nông trường Lam Sơn có trụ sở tại xã Lam Sơn, huyện Ngọc Lặc với tổng diện tích đang quản lý là gần 1.300ha, bao gồm 530ha mía nguyên liệu, 530ha cao su… Phía Vingroup được chấp thuận đầu tư vào Nông trường Sông Âm, có tổng diện tích đang quản lý là 1.000,26ha, nằm trên địa giới hành chính của 8 xã thuộc 2 huyện Ngọc Lặc và Thọ Xuân.

Lựa chọn nông nghiệp công nghệ cao là lĩnh vực để đầu tư khởi nghiệp, anh Lê Ngọc Đạt - Giám đốc Công ty CP Great Farm, xã Xuân Khánh, huyện Thọ Xuân đãbước đầu thành công với mô hình 7.000 m2 trồng rau, dưa trong nhà lưới.

Hiện nay, toàn tỉnh chỉ có khoảng hơn 700 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đến 95%. Để nâng cao hiệu quả thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tỉnh ta đã có các giải pháp đồng bộ. Cụ thể, rà soát, điều chỉnh thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng ngành, từng sản phẩm, công bố danh mục các dự án kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.

Cùng với đó, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về hỗ trợ đầu tư, chính sách về tín dụng, thương mại và thị trường, chính sách về đất đai, phát triển nguồn nguyên liệu, phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn và chính sách phát triển nguồn nhân lực; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác. Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đi trước đón đầu, có những cơ chế, chính sách mở để thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần tạo ra chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp sạch phục vụ nhu cầu của nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Hoàng Lan



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]