(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Năm 2016, Thanh Hóa có thêm 1 huyện, 67 xã và 144 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), nâng số đơn vị đạt chuẩn hiện nay là 1 huyện, 180 xã và 296 thôn, bản. Thành tựu này đã góp phần làm cho bức tranh NTM Thanh Hóa càng thêm mới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thêm tươi sáng bức tranh nông thôn

(VH&ĐS) Năm 2016, Thanh Hóa có thêm 1 huyện, 67 xã và 144 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), nâng số đơn vị đạt chuẩn hiện nay là 1 huyện, 180 xã và 296 thôn, bản. Thành tựu này đã góp phần làm cho bức tranh NTM Thanh Hóa càng thêm mới.

Cải thiện đời sống nhân dân

Về xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa những ngày này, chúng tôi thấy rõ cuộc sống nơi đây đang có nhiều thay đổi. Những đổi thay đó, không chỉ ở hệ thống giao thông, trường học, trạm y tế... cho đến nhà văn hóa thôn được đầu tư xây dựng khang trang, đồng bộ mà đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng được nâng lên rõ rệt. Hiện mức thu nhập bình quân đầu người của Hoằng Phong đạt gần 26 triệu đồng/ người/ năm và tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,89%.

Ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch UBND xã Hoằng Phong phấn khởi cho biết: Nhờ có chủ trương xây dựng NTM đã tạo thêm nguồn lực để Hoằng Phong không chỉ thoát ra khỏi danh sách xã bãi ngang ven biển mà còn là 1 trong 7 xã của huyện cán đích NTM trong dịp cuối năm 2016.

Những ngày này, người dân xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy cũng đang háo hức chờ đón ngày xã tổ chức lễ đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn NTM. Chủ tịch UBND xã - ông Trương Công Hòa cho biết: Bắt tay xây dựng NTM, Cẩm Vân có 8 tiêu chí đạt chuẩn, những tiêu chí chưa đạt là những tiêu chí đòi hỏi phải huy động nguồn lực lớn. Tuy nhiên, thực hiện phương châm “Dễ làm trước, khó làm sau” và luôn tuân thủ nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nên đã tạo được sự đồng thuận hưởng ứng tích cực của người dân. Vì vậy, 6 năm kiên trì nỗ lực, đến nay cơ sở hạ tầng của Cẩm Vân không những được xây dựng khang trang đồng bộ mà mức thu nhập bình quân đầu người đã đạt 28,5 triệu đồng/ người/ năm và hộ nghèo chỉ còn 4,56%. Những nỗ lực của Cẩm Vân đã được ghi nhận là xã duy nhất của huyện Cẩm Thủy được công nhận đạt chuẩn NTM trong năm 2016.

Cơ giới hóa đã được áp dụng mạnh mẽ vào sản xuất nông nghiệp. (Ảnh: H.A)

Chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp

Không chỉ Hoằng Phong hay Cẩm Vân có diện mạo nông thôn thay đổi mà tất cả những địa phương, đơn vị đã được công nhận NTM đều có cơ sở hạ tầng cũng như đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Góp mặt cùng với người dân làm cho bức tranh nông thôn có nhiều khởi sắc không thể không nói tới vai trò của Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh cùng các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đã vào cuộc tích cực cùng người dân chung sức xây dựng NTM. Ngoài những văn bản chỉ đạo hay tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ, chất lượng xây dựng NTM của các địa phương, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách như: Thưởng cho huyện, xã, (thôn, bản miền núi) đạt chuẩn NTM; chính sách hỗ trợ xi măng xây dựng cơ sở hạ tầng;... Chỉ tính trong năm 2016, ngân sách tỉnh đã chi hỗ trợ các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng 120 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này kết hợp với nhiều nguồn vốn khác như ngân sách Trung ương, ngân sách huyện, xã, vốn huy động nhân dân, vốn doanh nghiệp, vốn lồng ghép, đã đầu tư xây mới, nâng cấp được 462,3 km đường giao thông nông thôn, 100 km kênh mương, 15 trạm bơm, 23 trạm biến áp, 214 phòng học, 38 nhà văn hóa xã, 141 nhà văn hóa thôn, 37 trạm y tế, 31 trụ sở xã, 15 chợ nông thôn..., góp phần làm cho cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh được đầu tư đồng bộ và khang trang.

Để nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, ngoài tiếp tục ban hành nhiều cơ chế chính sách phát triển sản xuất như: Cơ chế, chính sách xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng hiệu quả cao; Cơ chế, chính sách cho vùng sản xuất rau an toàn tập trung; Cơ chế, chính sách phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm... tỉnh đã có đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp phục vụ xây dựng NTM.

Trên tinh thần đó, tỉnh đã phân bổ 27,104 tỷ đồng hỗ trợ các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các mô hình phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn. Việc xây dựng các mô hình đã xóa bỏ dần thói quen sản xuất lạc hậu, nhất là khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, đồng thời, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Hiện mức thu nhập bình quân của người nông dân đã được nâng lên 26 triệu đồng/người/năm, so với 2015 tăng gần 6 triệu đồng.

Khi thu nhập được nâng lên, hộ nghèo sẽ giảm điều đó đồng nghĩa 2 tiêu chí: thu nhập và hộ nghèo đều đạt so với quy định. Việc thực hiện các tiêu chí về giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự... được người dân quan tâm, hưởng ứng tích cực. Qua đó đã đưa phong trào xây dựng NTM trên phạm vi toàn tỉnh phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu.

Để thực hiện mục tiêu có thêm 1 huyện, 45 xã đạt chuẩn NTM, nâng bình quân tiêu chí/xã đạt 15 tiêu chí trong năm 2017, nhiều giải pháp tích cực đã được đưa ra. Trong đó giải pháp hàng đầu là tiếp tục tăng cường lãnh chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong xây dựng NTM, đẩy mạnh phát triển sản xuất theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung vào các mô hình liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tạo điều kiện và môi trường thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;...

Minh Lý



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]