(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhờ cơ chế chính sách thông thoáng mà nhiều công ty, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã mạnh dạn đầu tư vào hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Từ đây, tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ cho nền sản xuất của địa phương, góp phần thay đổi dần nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thu hút các dự án đầu tư vào nông nghiệp: Nhiều chuyển biến tích cực

Nhờ cơ chế chính sách thông thoáng mà nhiều công ty, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã mạnh dạn đầu tư vào hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Từ đây, tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ cho nền sản xuất của địa phương, góp phần thay đổi dần nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp.

Mảng sáng trong bức tranh nông nghiệp

Theo số liệu thống kê từ Sở KH&ĐT, từ đầu năm 2018 đến nay, Thanh Hóa đã thu hút được 47 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh lên 755 doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp đầu tư bài bản vào quá trình sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đã gặt hái được hiệu quả kinh tế đáng ghi nhận. Trong đó, phải kể đến Công ty CP Mía đường Lam Sơn trong hợp tác với nông dân sản xuất mía đường. Gần đây, để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp, công ty đã hình thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chuyển giao tiến bộ khoa học hiện đại cho nhiều tập thể và cá nhân khác; đồng thời trồng nhiều cây loại cây hàng hóa trong nhà lưới trên vùng đồi Lam Sơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hơn 2 năm gần đây, doanh nghiệp này còn thuê đất tại các huyện Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Triệu Sơn, với tổng diện tích 280 ha để sản xuất mía và lúa hữu cơ - một hướng đi mới trong lĩnh vực trồng trọt.

Gần đây nhất, hai tập đoàn FLC và Vingroup đều tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh. Theo đó, Tập đoàn FLC vừa được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận đầu tư vào dự án Nông trường Lam Sơn có trụ sở tại xã Lam Sơn, huyện Ngọc Lặc với tổng diện tích đang quản lý là gần 1.300 ha, bao gồm 530 ha mía nguyên liệu, 530 ha cao su... Phía Vingroup được chấp thuận đầu tư vào Nông trường Sông Âm, có tổng diện tích đang quản lý là 1.000,26 ha, nằm trên địa giới hành chính của 8 xã thuộc 2 huyện Ngọc Lặc và Thọ Xuân.

Để thuận lợi hơn trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, các địa phương trong tỉnh cũng chủ động tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện cho việc xây dựng các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Đến thời điểm hiện tại có 25 đơn vị cấp huyện thực hiện tích tụ ruộng đất, với tổng diện tích 10.089,9 ha (trong đó lĩnh vực trồng trọt 2.348 ha, chăn nuôi 6.093,4 ha và thủy sản 1.648,4 ha).

Nhờ cơ chế, chính sách thông thoáng những năm qua các dự án đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng cả về số lượng lẫn chất lượng.

Là người luôn tiên phong trong các dự án đầu tư vào nông nghiệp ở Thanh Hóa, ông Nguyễn Đình Thọ - Giám đốc Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Phú Giang, cho biết: Được UBND huyện Thọ Xuân tạo điều kiện, tháng 5/2016, công ty triển khai đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là trồng cây ăn quả trên địa bàn xã Hạnh Phúc với diện tích 30 ha, đến nay, diện tích trồng cây ăn quả đã được mở rộng ra các xã Thọ Nguyên, Xuân Phú, với tổng diện tích 60 ha. Tuy nhiên, theo ông cái khó hiện nay của doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp là vướng mắc quy định về đất đai, thời gian thuê đất ngắn, chỉ có 5 năm khiến doanh nghiệp e ngại khi đầu tư. Hơn nữa, để phát triển sản xuất lâu dài, bền vững đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng cũng như hệ thống thiết bị, công nghệ, vì vậy cần nguồn vốn lớn, trong khi việc tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng, nhất là vốn vay ưu đãi gặp nhiều khó khăn. Không những thế, đầu tư lĩnh vực nông nghiệp vốn được xem là “xí nghiệp ngoài trời”, nên tiềm ẩn rủi ro lớn về thiên tai, dịch bệnh.

Nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp

Để “dọn đường” cho việc áp dụng công nghệ cao, “hút” doanh nghiệp vào đầu tư trong ngành nông nghiệp, những năm qua, Thanh Hóa đã quy hoạch tạo quỹ đất, hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục thuê đất. Đặc biệt, chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp khi tham gia đầu tư trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cũng được triển khai đồng bộ. Ông Đặng Văn Quang - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cho biết: Để sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững, Thanh Hóa đang thực hiện Chiến lược phát triển ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, xác định mục tiêu tổng quát là triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM. Tạo chuyển biến căn bản về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế, có thị trường tiêu thụ trên cơ sở tạo đột phá về tổ chức sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị hàng hóa, các thương hiệu sản phẩm có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Đồng thời, tạo bước đột phá về ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đột phá về chất lượng sản phẩm và đột phá về đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn nhằm đảm bảo tăng trưởng nông nghiệp với tốc độ cao và bền vững.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]