(vhds.baothanhhoa.vn) - Không thể phủ nhận sự phát triển của các làng nghề đã góp phần không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế và giải quyết hiệu quả bài toán lao động, việc làm ở các địa phương. Tuy nhiên, hiện nay việc không đăng ký bảo hộ thương hiệu ở các làng nghề không chỉ làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm truyền thống trên thị trường, mà còn khiến người sản xuất rơi vào tình thế không biết kêu ai, khi sản phẩm làm ra bị làm nhái, làm giả...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thương hiệu của làng nghề: Chuyện không dễ

Không thể phủ nhận sự phát triển của các làng nghề đã góp phần không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế và giải quyết hiệu quả bài toán lao động, việc làm ở các địa phương. Tuy nhiên, hiện nay việc không đăng ký bảo hộ thương hiệu ở các làng nghề không chỉ làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm truyền thống trên thị trường, mà còn khiến người sản xuất rơi vào tình thế không biết kêu ai, khi sản phẩm làm ra bị làm nhái, làm giả...

Thật, giả lẫn lộn

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 169 làng nghề. Những năm gần đây, tuy sản phẩm làm ra phong phú, đa dạng nhưng lại ít sản phẩm mang tính mũi nhọn, có tính cạnh tranh cao. Vì thế, sản phẩm của nhiều làng nghề trong tỉnh luôn bị cạnh tranh khốc liệt đối với những địa phương có sản phẩm tương đồng.

Nghề rèn ở xã Tiến Lộc (Hậu Lộc) đã có từ mấy trăm năm nay. Trải qua bao thăng trầm đến nay vẫn là nghề mang lại thu nhập ổn định cho người dân trong xã. Các sản phẩm nông cụ do làng nghề sản xuất được người tiêu dùng khắp nơi tin cậy, lựa chọn. Tuy nhiên, hiện nay việc xây dựng thương hiệu cho làng nghề rèn ở đây vẫn đang là bài toán chưa có đáp số.

Những người có thâm niên trong nghề ở đây cho biết: Lâu nay, mỗi người thợ rèn luôn lấy chất lượng sản phẩm để giữ lấy thương hiệu “Rèn Tiến Lộc” của mình. Hiện nay, làng nghề rèn Tiến Lộc được quy hoạch xây dựng thành một khu sản xuất riêng để bảo vệ môi trường, tránh tiếng ồn. Khu làng nghề tập trung thu hút gần 60 hộ dân tham gia, mỗi ngày làm ra hàng vạn sản phẩm đảm bảo chất lượng. Để phù hợp với xu thế thị trường, người dân nơi đây không ngừng đầu tư máy móc hiện đại để tăng năng suất, cải tiến mẫu mã, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm. Nhờ vậy, sản phẩm rèn nơi đây không những nổi tiếng ở thị trường trong nước, mà còn có mặt ở các nước như: Lào, Campuchia.., trong làng không lúc nào ngớt tiếng đe, tiếng búa, tiếng xe chuyên chở hàng hoá đi tiêu thụ. Đa số các gia đình theo nghề rèn đều có cuộc sống khấm khá, thậm chí có gia đình mua được ô tô để vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ.

Tuy nhiên, điều mà không ít người làm nghề rèn ở đây luôn băn khoăn, trăntrở, đó là mặc dù nghề đã tồn tại và duy trì qua biết bao thế hệ, sản phẩm làm ra luôn đảm bảo về chất lượng thế nhưng lại chưa có “thương hiệu”. Bởi vậy, sản phẩm họ làm ra luôn bị đánh đồng, thả trôi nổi trên thị trường với sản phẩm của các vùng khác. Một số nơi còn làm giả, làm nhái, gây mất uy tín sản phẩm của làng. Trong hoàn cảnh đó, để bảo vệ “cái tiếng” cho làng nghề, các hộ kinh doanh tự đưa ra một nhãn hiệu riêng và tự an ủi rằng khách quen sẽ nghe “tiếng” để lựa chọn sản phẩm đúng chất lượng. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời.

Do chưa có thương hiệu nên sản phẩm của làng nghề rèn Tiến Lộc vẫn bị đánh đồng với sản phẩm của nhiều địa phương khác.

Với việc được hình thành, phát triển cách đây từ rất lâu đời, nghề làm miến gạo ở xã Thăng Long (Nông Cống) trở nên quen thuộc đối với người dân trong tỉnh. Thế nhưng, khi đã vượt qua địa giới tỉnh nhà thì tên tuổi của làng nghề lại chẳng mấy ai biết đến, bởi công tác quảng bá thương hiệu còn quá hạn chế. Hơn nữa, khi được tung ra thị trường, người ta không phân biệt được đâu là sản phẩm của làng nghề này, dẫn đến giá cả cũng bấp bênh.

Câu chuyện thương hiệu cũng là sự gian nan đối với nhiều làng nghề, nghề truyền thống trong tỉnh, như: nghề làm bánh lá răng bừa ở xã Xuân Lập (Thọ Xuân), nghề mộc Đạt Tài...

Đi tìm thương hiệu

Để tạo sức cạnh tranh cao trên thị trường, việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề là điều vô cùng cần thiết. Việc không có thương hiệu không những không tạo được niềm tin ở người tiêu dùng mà làng nghề còn chịu nhiều thiệt thòi về giá cả.

Ông Lê Văn Thiết - Bí thư Đảng ủy xã Tiến Lộc, cho biết: “Việc quảng bá hình ảnh sản phẩm và xây dựng thương hiệu nghề rèn xã Tiến Lộc hiện nay vẫn còn hạn chế. Chính quyền địa phương đã có những giải pháp cụ thể để khắc phục, trước hết là tuyên truyền cho bà con để nâng cao chất lượng sản phẩm; thứ hai là đưa sản phẩm của làng nghề tới các hội chợ của các tỉnh khác và giới thiệu rộng rãi trên cả nước"...

Cũng theo ông Thiết, để xây dựng được thương hiệu cho làng nghề ngoài sự chủ động và tự ý thức của các làng nghề, Nhà nước cũng cần quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề. Có như vậy mới nâng cao được giá trị xuất khẩu.

Nhiều xã có làng nghề, nghề truyền thống cũng đồng quan điểm, cho rằng: Việc xây dựng thương hiệu không chỉ là đặt tên cho hàng hóa, dịch vụ, rồi đăng ký bảo hộ mà là cả một quá trình gian nan, một quá trình tự khẳng định mình với sự đầu tư hợp lý. Xã đã đề xuất và làm đề tài để làng nghề bánh lá răng bừa sớm được công nhận thương hiệu thế nhưng để được công nhận thì còn khá nan giải. Vì vậy, chúng tôi cũng mong muốn bên cạnh chính sách kích cầu của tỉnh về các khâu thủ tục pháp lý, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, quỹ đất... thì cũng cần quan tâm và hỗ trợ trong việc xây dựng thương hiệu cho các làng nghề.

Cần những cơ chế hỗ trợ để các nghề, làng nghề truyền thống xây dựng thương hiệu là điều cần thiết. Nhưng một mối lo khác cần quan tâm, là ngay cả những ông, bà chủ của phần lớn cơ sở sản xuất tại các làng nghề cho rằng, sản phẩm đã có truyền thống lâu đời thì ắt sẽ được mọi người ghi nhận, nên không quan tâm đến việc đăng ký thương hiệu. Có chăng chỉ là xây dựng logo, giới thiệu chỉ giới địa lý, mã số mã vạch.

Cũng có ý kiến cho rằng, để phát triển nghề, làng nghề truyền thống trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là điều tiên quyết. Bởi khi đã có thương hiệu trên thị trường thì người làm nghề sẽ ý thức nhiều hơn đến sản phẩm, nghề của mình. Đây cũng là cơ sở để làng nghề truyền thống tuyển dụng lao động có tay nghề cao, đầu tư trang thiết bị máy móc, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]