(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong khi phần lớn các HTX đang loay hoay với việc chuyển đổi theo Luật HTX 2012 hoặc đã chuyển đổi nhưng chưa cho hiệu quả thì HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thăng Long (huyện Nông Cống) đã sớm tạo lập được những bước đi vững chắc đúng theo mô hình của một HTX kiểu mới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới: Nhìn từ HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thăng Long

Trong khi phần lớn các HTX đang loay hoay với việc chuyển đổi theo Luật HTX 2012 hoặc đã chuyển đổi nhưng chưa cho hiệu quả thì HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thăng Long (huyện Nông Cống) đã sớm tạo lập được những bước đi vững chắc đúng theo mô hình của một HTX kiểu mới.

Về xã Thăng Long vào những ngày cuối năm 2017, thấy bà con nông dân ai cũng bận rộn chăm lo việc đồng áng. Điều này là tín hiệu vui cho thấy người dân đã không còn hời hợt với “bờ xôi ruộng mật” của mình như trước đây mà đã đang có xu hướng gắn bó trở lại. Đó là bởi, ngoài được HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thăng Long đầu tư cung cấp phân, giống và tư vấn về các kỹ thuật trồng trọt, các hộ dân còn được HTX này cam kết thu mua với giá “trần” ban đầu ngay cả khi thị trường biến động với giá thấp nhất. Có lẽ vì vậy mà để hạn chế những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, ngày càng có nhiều hộ dân tự nguyện đăng ký trồng rau trên diện tích mà HTX đã nhận thầu với xã. Tuy nhiên, không vì thế mà HTX áp đặt các giống câytrồng, ngược lại để cho người dân được lựa chọn phù hợp với kiến thức, năng lực và sức lao động của gia đình mình. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu, vừa mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân, vừa khắc phục được tình trạng “được mùa mất giá” vốn vẫn thường xảy ra trong sản xuất nông nghiệp.

Không chỉ đổi mới trong cách thức tổ chức sản xuất mà khâu dịch vụ cũng được HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thăng Long tiếp cận theo một cách riêng biệt. Chẳng hạn trong việc cung cấp các loại phân bón cho người dân, HTX không đi theo “phong trào” hay chạy theo một thương hiệu nào đó mà luôn luôn có sự tìm tòi để đưa vào sử dụng các loại phân bón chất lượng. Đó là lí do mà trong khi nhiều nơi đang lựa chọn phân bón Hữu Nghị thì HTX này lại quyết định chuyển sang phân đầu trâu Bình Điền.

Đó cũng là cách mà HTX này áp dụng trong việc cung cấp thuốc bảo vệ thực vật cho người nông dân. Chẳng hạn, để đối phó với các bệnh: nấm, sâu, rệp... ở hoa màu, HTX chỉ cung cấp các loại thuốc như: voleam, ninomin dù giá thành có cao hơn các sản phẩm khác. Nhờ đó mà năng suất cây trồng có sự chuyển biến rõ rệt, tạo sự tin tưởng cho nông dân. Nói về kết quả này, kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Viết Liêm - Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thăng Long cho biết: Hoạt động của HTX nếu chỉ chạy theo lợi nhuận trước mắt thì rất khó bền vững. Vì vậy, để cạnh tranh được với các đại lý ngoài thị trường, Ban giám đốc chúng tôi luôn nghiên cứu, tìm tòi những giải pháp hiệu quả, vừa hạn chế được những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh; vừa đem lại lợi ích thiết thực cho người trồng hoa màu, lương thực”.

Anh Nguyễn Viết Liêm phối hợp với các nhân viên của Công ty Môi trường xanh thường xuyên đi kiểm tra vùng rau an toàn để sớm phát hiện các loại sâu bệnh, kịp thời đưa vào sử dụng các phương thuốc sinh học hiệu quả.

Đặc biệt, cùng với những giải pháp kể trên, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thăng Long còn rất chú trọng nhân rộng các giống cây trồng mới bằng cách vận động các hộ dân là thành viên của HTX đứng ra trồng thử. Và để tránh tình trạng “đổ đống” do không tìm được thị trường tiêu thụ, đối với mỗi loại cây trồng, HTX đều có sự đấu mối ký hợp đồng với các doanh nghiệp chuyên thu mua nông sản. Cách làm này dù mang lại lợi nhuận không lớn cho HTX nhưng sẽ giúp người dân yên tâm, phấn khởi gắn bó trở lại với đồng ruộng. Trường hợp hộ gia đình chị Hồ Thị Sáng (thôn Ân Phú) là một ví dụ. Chị cho biết: “Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng ngô, trồng lạc và phải tự tiêu thụ khiến cho nguồn thu vừa thấp vừa không ổn định. Nay chuyển sang trồng giống mới là cây ớt 67 và ký hợp đồng với HTX với giá 5.000 đồng/kg, chúng tôi chỉ phải bỏ sức lao động. Mỗi vụ ớt kéo dài trong 6 tháng và cho thu nhập 10.000.000 đồng/ sào/ vụ. Như vậy so với các cây trồng khác thì hiệu quả trồng ớt 67 là cao hơn gấp nhiều lần”.

Tin tưởng vào những giải pháp đồng bộ ấy, hiện số lượng thành viên của HTX đã lên tới 63, trong đó mức tham gia đóng góp chỉ từ 500 - 15.000.000 đồng/ hộ. Điều đó đã giúp HTX cải thiện nguồn vốn, tạo điều kiện để tái đầu tư trở lại. Được biết, HTX này đã xây dựng được 6 ha vùng rau an toàn và dự kiến trong thời gian tới sẽ tổ chức một cửa hàng tại thị trấn Nông Cống để giới thiệu, cung cấp rau sạch đến người dân trên địa bàn huyện. Ngoài ra sẽ đấu mối với các trường học và các doanh nghiệp có nhu cầu để giải quyết đầu ra cho sản phẩm. “Đây đang là hướng phát triển lâu dài của HTX. Bởi thông qua mô hình rau sạch, chúng tôi muốn người nông dân tin rằng, họ vẫn có thể có được những mặt hàng nông sản đẹp, năng suất cao bằng cách sử dụng các loại thuốc sinh học chứ không phải chỉ dùng hóa chất. Đó là lí do để dù chưa tìm được đầu ra cho 6ha vùng rau an toàn nhưng chúng tôi vẫn trồng thử nghiệm trước một số loại rau thông dụng.

Hi vọng cách làm này sẽ sớm được nhân rộng để vấn nạn mất an toàn vệ sinh thực phẩm không còn là nỗi lo thường trực với mọi người, mọi nhà như hiện nay” - Anh Nguyễn Viết Liêm bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng.

Mai Vui


Mai Vui

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]