(vhds.baothanhhoa.vn) - Để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân và tìm thị trường tiêu thụ nông sản ổn định, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân và tìm thị trường tiêu thụ nông sản ổn định, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.

Phát triển, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực luôn được các địa phương quan tâm.

Khẳng định giá trị của sản phẩm

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 198 sản phẩm nông nghiệp; 62 văn bằng bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm lĩnh vực nông nghiệp, làng nghề; trong đó, chỉ dẫn địa lý cho 4 sản phẩm gắn với địa danh địa phương, gồm: Mắm tôm Hậu Lộc, cói Nga Sơn, bưởi Luận Văn và quế ngọc Thường Xuân. 16 sản phẩm địa phương được chứng nhận nhãn hiệu tập thể, gồm: Nước mắm Do Xuyên - Ba Làng, chè lam Phủ Quảng, mắm tép Hà Yên, tương làng Ái, rượu làng Quảng Xá, bánh gai Tứ Trụ, nón lá Trường Giang, tơ Hồng Đô, nước mắm Khúc Phụ, bánh lá răng bừa Thọ Xuân, cam Vân Du, bưởi Thanh Đường, cam Xuân Thành, vịt Cổ Lũng... Ngoài ra, toàn tỉnh hiện đã có 42 sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản được chứng nhận nhãn hiệu.

Nằm trong danh mục những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, nghề chế biến mắm tôm Hậu Lộc có từ rất lâu đời, ngay khi thành lập làng cá Diêm Phố (Ngư Lộc ngày nay) vào thế kỷ thứ 12, cách đây khoảng 800 năm. Cùng với việc khai thác thủy, hải sản phục vụ nhu cầu sử dụng hằng ngày, người dân biển đã sáng tạo ra các “chế phẩm” từ lộc biển với mục đích ban đầu chỉ là để dành số lượng hải sản dôi dư, dần dà mới phát triển thành nghề như ngày nay. Đến thời điểm hiện tại, huyện Hậu Lộc có hàng trăm hộ dân làm nghề mắm truyền thống. Năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ đã ký Quyết định số 1150 về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00019 cho sản phẩm mắm tôm Hậu Lộc. Đây là sự khẳng định thương hiệu cho làng nghề đã có gần 800 năm tuổi và cũng là cơ hội để các hộ sản xuất mắm tôm nơi đây “đổi đời”.

Ông Đặng Văn Soai - Chủ tịch HĐQT, Phó Giám đốc Công ty TNHH Chế biến hải sản Hòa Hải, thôn Hòa Hải, xã Hòa Lộc (Hậu Lộc), một trong những doanh nghiệp lớn về chế biến và kinh doanh mắm tôm trên địa bàn huyện Hậu Lộc, chia sẻ: “Hiện nay sản phẩm mắm tôm của công ty không những có mặt ở hầu hết thị trường trong nước mà còn vươn xa và đang được ưa chuộng tại nhiều thị trường khó tính, như: Mỹ, Nga, Pháp, Hàn Quốc, Canada. Hiện tại, công ty tiêu thụ hơn 100 tấn mắm tôm mỗi năm, trong đó lượng hàng xuất khẩu đạt khoảng 30-40 tấn”.

Cây cam xã Xuân Thành (Thọ Xuân), cũng là một trong những loại cây chủ lực của nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa. Những năm qua, để nâng cao giá trị sản xuất, hướng tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cây ăn quả, UBND huyện Thọ Xuân và chính quyền xã Xuân Thành đã tích cực vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân phát triển các mô hình trồng cây ăn quả tập trung quy mô lớn, thực hiện các biện pháp thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Hiện trên địa bàn xã Xuân Thành có 50 ha cây ăn quả đăng ký sản xuất theo quy trình VietGap, được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh cấp tem truy xuất nguồn gốc. Đây là tiền đề vững chắc nhằm hỗ trợ tiêu thụ, nâng cao giá trị kinh tế và từng bước xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm cam Xuân Thành.

Đồng hành cùng người nông dân và doanh nghiệp

Vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2019 - 2024. Theo đó, danh mục sản phẩm nông nghiệp của tỉnh nằm trong danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia gồm: Gạo, thịt và trứng gia cầm, tôm, thịt lợn, rau quả,gỗ và các sản phẩm từ gỗ, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su.

Để phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, ngành nông nghiệp trong tỉnh đã và đang nỗ lực thực hiện tích tụ đất đai, hướng đến sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn. Đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông sản.

Theo ông Lê Thọ Cường - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thọ Xuân, cho biết: Để tiếp tục thực hiện những mục tiêu đề ra trong phát triển nông nghiệp, đi đôi với các giải pháp về sản xuất, ngành nông nghiệp vàđịa phương còn tập trung thực hiện các giải pháp phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực, như: Duy trì và phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện đã và đang tham gia xuất khẩu đến nhiều thị trường các nước, như: Đài Loan, Trung Quốc... Tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp, hộ cá thể sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản theo hướng nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm; quan tâm thiết kế mẫu mã, nhãn mác sản phẩm, đăng ký sở hữu nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu và đăng ký với các thị trường xuất khẩu.

Ông Cường chia sẻ thêm: Huyện đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Phát huy vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp hàng hoá, đồng thời kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, thúc đẩy công nghiệp, dịch vụ phát triển.

Cùng chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Liên - Trưởng phòng NN & PTNT huyện Hậu Lộc, cho biết: Xác định phát triển nông nghiệp hàng hóa là động lực để tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân, tạo sự ổn định và phát triển bền vững, đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hoá; tập trung vào cây trồng, vật nuôi có lợi thế của địa phương với quy mô lớn, sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường là những nhiệm vụ được huyện triển khai đồng bộ trong thời gian qua.

Theo đại diện lãnh đạo Sở NN & PTNT tỉnh: Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh bằng hình thức liên kết sản xuất là hướng đi đúng đắn nhằm hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng việc liên kết sản xuất đã tạo luồng sinh khí mới giúp nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa khởi sắc. Thời gian qua, Sở NN & PTNT thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, HTX và người dân nhằm nắm tâm tư, nguyện vọng, tháo gỡ khó khăn trong liên kết đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh, khuyến khích thu hút đầu tư, tạo điều kiện hình thành các chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp bền vững.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]