(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Dẫu còn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, song với nhiều giải pháp tích cực, kịp thời của lãnh đạo tỉnh, sự chủ động, tích cực của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp trên địa bàn, xuất khẩu của Thanh Hóa năm 2016 đã đạt mức tăng trưởng khá và vượt mục tiêu kế hoạch đặt ra, nối dài mạch tăng trưởng liên tục trong 5 năm gần đây.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xuất khẩu Thanh Hóa năm 2016: Nối dài mạch tăng trưởng

(VH&ĐS) Dẫu còn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, song với nhiều giải pháp tích cực, kịp thời của lãnh đạo tỉnh, sự chủ động, tích cực của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp trên địa bàn, xuất khẩu của Thanh Hóa năm 2016 đã đạt mức tăng trưởng khá và vượt mục tiêu kế hoạch đặt ra, nối dài mạch tăng trưởng liên tục trong 5 năm gần đây.

Lợi thế từ doanh nghiệp FDI

Năm 2016, là năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, chiến lược phát triển KT-XH được quyết nghị tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa. Ngay từ đầu năm, toàn tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải quyết nợ xấu, thu hút đầu tư, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3274/QĐ-UBND ngày 26/8/2016 về việc Ban hành Kế hoạch hành động đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2016 - 2020. Các ngành, các cấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đi vào sản xuất như: Dự án sản xuất giày, dép xuất khẩu Alenna (xã Định Liên, huyện Yên Định), Nhà máy Sản xuất Hàng may mặc xuất khẩu Việt - Fan facific (huyện Ngọc Lặc), Nhà máy Chế biến Ferocrom (huyện Tĩnh Gia), Nhà máy May Thọ Xuân (huyện Thọ Xuân), Nhà máy May Inkyung Vina co Ltd Đông Ninh (huyện Đông Sơn)…

Đến tháng 12/2016, toàn tỉnh đã có 115 doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, có 7 doanh nghiệp FDI mới (2 doanh nghiệp giày dép, 5 doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc xuất khẩu) với 48 chủng loại hàng hoá, trong đó có 1 mặt hàng mới (vải các loại). Hàng hóa của tỉnh được xuất sang 43 thị trường, các thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn vẫn là: Trung Quốc đạt 221,6 triệu USD, Mỹ đạt 326,4 triệu USD, Nhật Bản đạt 275,5 triệu USD, Hàn Quốc đạt 130,8 triệu USD, Đài Loan đạt 71,4 triệu USD và một số nước trong khối ASEAN, như: Singapore đạt 23,6 triệu USD, Malayxia đạt 33,9 triệu USD, Thái Lan đạt 31,2 triệu USD.

Trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, chiếm tỷ trọng cao là giầy dép và may mặc chiếm tới 77,4% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Hàng hóa xuất khẩu của tỉnh đang có lợi thế trên một số thị trường mà Việt Nam là thành viên của khối các nước tham gia ký hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Năm 2016 có trên 10 nghìn bộ C/O ưu đãi được cấp, tăng 33,3% so với cùng kỳ.

Từ những định hướng tích cực, hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa nói chung và hàng hóa xuất, nhập khẩu nói riêng có những chuyển biến tích cực, xuất khẩu hàng hóa của Thanh Hóa tăng trưởng khá so với cùng kỳ và vượt mục tiêu kế hoạch đặt ra. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ năm 2016 ước đạt 1.736 triệu USD tăng 12% so với cùng kỳ 2015 bằng 107,1% kế hoạch. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu năm 2016 tăng so với cùng kỳ như: Tinh bột sắn 36.985 tấn (tăng 22,2%); hàng may mặc 133.100 triệu sản phẩm (tăng 22,6%), giầy dép các loại 57.655 triệu đôi (tăng 6%); bột cá 39.796 tấn (tăng 3,3 lần); thịt súc sản 1.006 tấn (tăng 37,4%)...

Công nhân sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty CP Dụng cụ thể thao Delta. (Ảnh: Ngọc Huấn)

Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực may mặc xuất khẩu, những năm qua Tổng Công ty Tiên Sơn có đóng góp rất lớn trong tổng số kim ngạch xuất khẩu của Thanh Hóa. Ông Trịnh Xuân Lượng - Tổng Giám đốc Công ty Tiên Sơn cho biết: Năm 2016 vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của công ty là 142 triệu USD, lợi nhuận thu về 55 tỷ đồng, nâng thu nhập bình quân cho lao động lên 5,8 triệu đồng/ người/ tháng.

Kỳ vọng vào năm mới

Tuy xuất khẩu năm 2016 đạt được kết quả khá so với kế hoạch đặt ra song vẫn còn bộc lộ nhiều yếu kém như: Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp còn yếu do thiếu nhạy bén với thị trường, thiếu sáng tạo và chưa tạo được sự kết nối giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành nghề. Việc đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm, hạ giá thành còn chậm. Kim ngạch xuất khẩu thu được từ sản xuất gia công chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, phát triển sản xuất chưa mang tính bền vững, nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, tay nghề cao còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất. Nhiều mặt hàng xuất khẩu truyền thống như: Cói nguyên liệu, cao su, than tre luồng gặp khó do thị trường không ổn định, giá cả biến động khó lường. Nhiều mặt hàng được giao kế hoạch xuất khẩu thực hiện thấp hoặc chưa xuất khẩu được như Ferocrom, đá ốp lát, cao su, bộ dao thạch anh, ba lô du lịch; thuốc lá bao; bóng đá... Xuất khẩu tăng trưởng chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao trong năm 2017, tỉnh và các cấp, các ngành có liên quan tiếp tục thực hiện một số giải pháp trọng tâm như: Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất, hỗ trợ các doanh nghiệp khi tiếp cận với các nguồn vốn từ các tổ chức tài chính, ngân hàng thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc đảm bảo lợi ích hài hoà giữa nhà nước và doanh nghiệp; Tập trung tuyên truyền, tập huấn về các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết nhằm trang bị kiến thức, hiểu biết sâu hơn khi các doanh nghiệp tham gia vào thương mại quốc tế, trên cơ sở tận dụng cơ hội từ việc mở cửa thị trường và giảm thiểu rủi ro thách thứ; hướng dẫn các doanh nghiệp tận dụng tối đa lợi thế do các hiệp định thương mại đa phương và song phương đem lại để xuất khẩu trực tiếp hàng hoá. Mục tiêu kế hoạch xuất khẩu hàng hóa năm 2017 là 1.850 tỷ USD, tăng 7,6% so với thực hiện 2016, trong đó xuất khẩu chính ngạch 1.662 tỷ USD. Về giá trị tuyệt đối, kế hoạch năm 2017 tăng 130,881 triệu USD, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: Hàng may mặc, giầy dép, đá ốp lát, dăm gỗ, thuốc lá, thủy sản chế biến. Đặc biệt là tăng thêm kim ngạch xuất khẩu của một số dự án may mặc, giày da mới sẽ cho sản phẩm xuất khẩu vào đầu năm 2017 như: Nhà máy May Inkyun huyện Đông Sơn, Nhà máy May Văn Phú huyện Đông Sơn; Nhà máy May huyện Như Thanh...

Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]