(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi biết còn khoảng 1 tuần nữa tờ Văn hóa và Đời sống sẽ hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình để bước vào ngôi nhà mới. Nói như vậy không biết có “cầm đèn chạy trước ô tô” hay không? Tôi bắt tay vào thực hiện bài báo cuối cùng trên tờ báo mà tôi viết tin, bài ngay từ những ngày đầu ra đời cách nay hơn 30 năm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bâng khuâng!

Tôi biết còn khoảng 1 tuần nữa tờ Văn hóa và Đời sống sẽ hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình để bước vào ngôi nhà mới. Nói như vậy không biết có “cầm đèn chạy trước ô tô” hay không? Tôi bắt tay vào thực hiện bài báo cuối cùng trên tờ báo mà tôi viết tin, bài ngay từ những ngày đầu ra đời cách nay hơn 30 năm.

Nhà báo Cao Ngọ.

Tôi còn nhớ, Báo Văn hóa - Thông tin được thành lập năm 1989, khi tôi còn công tác tại Tỉnh Đoàn Thanh Hóa, làm việc tại Ban Tuyên huấn và được phân công theo dõi văn hóa, xây dựng nếp sống mới trong thanh niên. Ngày ấy, tôi đã “mon men” viết, từ những “cái tin còm” đến bài vừa, rồi bài dài hơn, thậm chí cả ghi chép, phóng sự và tham gia các cuộc thi viết của báo. Dần dà tôi thành bạn của báo và được cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Văn hóa và Đời sống quý mến. Từ Tổng biên tập đầu tiên Họa sỹ Hoàng Hoa Mai rồi các tổng biên tập kế tiếp: Nhà báo Mai Ngọc Toản, Nhà thơ Vương Anh, Nhà báo Phạm Minh Trị, Nhà báo Lê Văn Nam. Các Phó tổng biên tập: Nhà báo Vũ Nguyên Ngữ, Nhà báo Triều Nguyệt, Nhà báo Vũ Tuấn Anh, cùng các anh chị em trong báo động viên, vừa làm nhiệm vụ chính là cán bộ đoàn, tôi tranh thủ viết để duy trì thói quen từ khi còn là lính. Và, chính những năm tháng ấy đã tiếp thêm nguồn năng lượng để rồi sau này tôi trở thành người làm báo thực thụ. Quá trình cộng tác với Văn hóa và Đời sống có nhiều kỷ niệm trong tôi. Nhưng có lẽ có 2 kỷ niệm không bao giờ quên đối với tôi ở 2 giai đoạn khác nhau quá trình công tác của bản thân. Một là lúc đang là cán bộ đoàn và một là khi tôi làm báo chuyên nghiệp.

Những năm 80 của thế kỷ trước, tôi hay đi cùng các nhà báo của Trung ương chủ yếu là Báo Tiền Phong và “Chương trình phát thanh thanh niên” của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi quen và thân thiết Xuân Ba (Báo Tiền Phong) Tô Phán và Phan Sáu (Đài Tiếng nói Việt Nam). Nhất là phóng viên Phan Sáu, vì gần như Thanh Hóa là địa bàn mà anh thường xuyên tác nghiệp. Tôi đưa Phan Sáu đi làm việc hầu khắp các huyện, thị đoàn trong tỉnh. Phan Sáu cao ráo, trắng trẻo, đẹp trai, cặp kính cận luôn thường trực trên khuôn mặt thanh tú thông minh, giọng nói Quảng Trị tuy không thánh thót như người khu ba, nhưng ngữ điệu vừa phải và có duyên cuốn hút mọi người. Qua nhiều lần vào công tác, Phan Sáu đã để lại ấn tượng trong cách đối nhân xử thế nên hầu như nơi nào anh đến, huyện, thị nào anh qua, từ cán bộ đoàn đến lãnh đạo đảng, chính quyền đều quý trọng, đến độ huyện Nông Cống còn xem Phan Sáu như người nhà. Những năm tháng ấy còn khó khăn gian khổ, đói kém lắm, có lần vào công tác, lãnh đạo huyện Nông Cống không có gì làm quà bèn tặng cho Phan Sáu con lợn hơn 10 kg, 1 yến thóc rồi cho xe chở ra thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa). Chúng tôi đưa con lợn, bì thóc cùng Phan Sáu lên tàu về Hà Nội...

Thế rồi chuyện xảy ra! Ngày đó Đài Truyền thanh huyện Nông Cống có cô gái chưa chồng, tên là C, xinh xắn, hồn hậu, trắng trẻo khá chan hòa chẳng biết sao chưa “chống lầy” mà lại có con? Dư luận đồn thổi râm ran rằng: đứa bé ấy chính là con của Phan Sáu. Dư luận ồn ào đến mức Phan Sáu không dám vào Thanh Hóa công tác mặc dù vùng đất đã ghi dấu chân của anh trong bão lũ, các đợt công tác và ra quân của đoàn thanh niên các cấp và nhiều hoạt động khác. Tôi nhiều lần đi họp ở Hà Nội có nói với Phan Sáu: chuyện đâu còn đó, mình không gây ra hậu quả thì cứ đàng hoàng vào làm việc “cây ngay không sợ chết đứng”. Thậm chí có lãnh đạo huyện Nông Cống nói với tôi: "Chú biểu Phan Sáu vào, không việc gì phải sợ. Bọn mình sẽ làm cầu nối, nếu không phải con của nó sẽ thanh minh hộ"...

Trong một lần về thăm nhà, tôi quyết định ghé thăm C và hỏi cho ra chuyện. C dành cho tôi gần 2 tiếng đồng hồ để kể về chuyện buồn của mình và khẳng định: "Không phải anh Phan Sáu là bố của đứa bé, tội nghiệp cho anh ấy! Còn em mang tiếng sinh con khi chưa có chồng, trong hoàn cảnh ấy em không thể lên tiếng thanh minh cho anh ấy được"... Tôi có nói với C: anh sẽ ghi chép đầy đủ buổi nói chuyện hôm nay và sẽ viết bài nhờ báo đăng minh oan cho Phan Sáu (thời gian này tôi chưa phải là người viết báo chuyên nghiệp). C đồng ý rồi nói: có báo nào đăng, anh xin cho em vài tờ... Về cơ quan, ngoài công việc thường nhật, tôi bắt tay và viết câu chuyện buồn của Phan Sáu và C với tựa đề “Giá như ngày ấy” rồi cầm bài viết đem sang gửi Ban biên tập Báo Văn hóa - Thông tin. Gần 2 tuần sau báo đăng trọn vẹn câu chuyện, tôi chạy sang tòa soạn xin thêm ít tờ rồi gửi cho Phan Sáu và em C. Có lẽ đây là kỷ niệm đẹp nhất trong những năm tháng cộng tác với Báo Văn hóa - Thông tin thời bao cấp.

Những năm gần đây, khi đã già hay hoài cổ, tôi bỏ khá nhiều thời gian tìm hiểu, sưu tầm, xác minh và viết loạt bài “dựng lại” giai đoạn những năm 60 của thế kỷ trước, hơn 1 vạn thanh niên xung phong (TNXP) lên “Công trường 101”, “Công trường thủy lợi Thanh Hóa” xây dựng Sân bay quân sự Sao Vàng, công trường tuyệt mật mà các phương tiện truyền thống ngày đó không có bất cứ một mẩu tin nào. Từ cảm hứng trong loạt bài viết về quân dân Thanh Hóa bí mật xây dựng Sân bay quân sự Sao Vàng, tôi tập trung khai thác tư liệu, những nhận định đánh giá về hoạt động thương mại Cảng Hàng không Thọ Xuân non trẻ để ra đời ghi chép “Cất cánh”. Báo Văn hóa và Đời sống là tờ báo đầu tiên đăng loạt bài này đã được độc giả đón nhận. Và, loạt bài này cũng chính thức công bố một công trường có tầm vóc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà thông tin được giữ bí mật hơn 55 năm qua. Đồng thời bạn đọc và dư luận cũng hiểu thêm về thành quả bước đầu của Cảng Hàng không Thọ Xuân - Cảng Hàng không quốc tế dự bị cho Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài!

Hơn 30 năm ra đời và thực hiện sứ mạng của một tờ báo, Văn hóa và Đời sống đã làm rất tốt chức năng nhiệm vụ của mình. Thực hiện chủ trươngquy hoạch, sắp xếp lại báo chí, cánh cửa Tòa soạn Báo Văn hóa và Đời sống sẽ khép lại. Nhưng, cánh cửa khác lại mở ra đón những cán bộ, phóng viên, biên tập viên của tờ báo về chung một nhà. Giây phút ấy, thời khắc ấy chắc chắn còn đọng mãi trong lòng các thế hệ đã từng cống hiến cho Văn hóa và Đời sống. Còn tôi, một cộng tác viên, một bạn đọc của báo không khỏi... bâng khuâng...!

Cao Ngọ


Cao Ngọ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]