(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Chưa có khung giá đất đền bù, chưa được cấp phép xây dựng,… thế nhưng các công trình xây dựng (nhà hàng, quán ăn…) cứ thế mọc lên, hoạt động kinh doanh tấp nập trước sự “làm ngơ” của các cấp, ngành chức năng?

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bát nháo các công trình xây dựng trái phép ở xã Hoằng Quang

(VH&ĐS) Chưa có khung giá đất đền bù, chưa được cấp phép xây dựng,… thế nhưng các công trình xây dựng (nhà hàng, quán ăn…) cứ thế mọc lên, hoạt động kinh doanh tấp nập trước sự “làm ngơ” của các cấp, ngành chức năng?

Ngay chân cầu Nguyệt Viên, quốc lộ 1A, địa phận xã Hoằng Quang (TP Thanh Hoá) hiện có hàng loạt công trình xây dựng trái phép đã được hoàn thiện (thậm chí có những công trình cao 3 tầng); có những công trình đang tiến hành san lấp mặt bằng, tập kết vật liệu xây dựng nham nhở… nhưng không hề có bất cứ một cơ quan chức năng nào có mặt tại đây để kiểm soát, xử lý!?

Rõ ràng, các đơn vị doanh nghiệp tự ý xây dựng trái phép những công trình nhà hàng to lớn, hoạt động kinh doan tấp nập trên địa bàn xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa, không thể có chuyện chính quyền xã này không hay biết! Vậy tại sao vẫn có chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”. Ông Lê Chí Hùng - Chủ tịch UBND xã Hoằng Quang thừa nhận: “Trên địa bàn có 5/11 doanh nghiệp xây dựng sai phép. Sau khi phát hiện sai phạm, UBND xã đã lập biên bản hiện trường, đình chỉ dừng thi công. Còn cái khó là đối với các doanh nghiệp, chính quyền xã không có thẩm quyền xử phạt”.

Hàng loạt công trình xây dựng không phép.

Theo tìm hiểu của phóng viên thì tại địa phận xã Hoằng Quang, UBND tỉnh đã có chủ trương giao đất cho 11 doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh dịch vụ thương mại. Tuy nhiên đến nay, thời gian đã gần 1 năm, UBND tỉnh vẫn chưa đưa ra khung giá đất đền bù, điều này khiến các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Cụ thể, các doanh nghiệp mặc dù đã được chấp thuận chủ trương giao đất, song lại chưa đủ điều kiện để giải phóng mặt bằng cũng như hoàn thiện hồ sơ, thủ tục cấp sổ đỏ bìa đỏ, cấp phép xây dựng… Trong khi họ lại đang phải “è cổ” thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuê đất!?

Trước những bất cập trên, đã có một số doanh nghiệp tự đứng ra thỏa thuận khung giá đất đền bù với nhân dân, chấp nhận xử phạt để tiến hành san lấp, xây dựng và hoạt động kinh doanh trái phép. Cũng từ đây mà nhiều vấn đề trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nảy sinh. Có doanh nghiệp “cắn răng” chấp nhận mức giá đền bù giải phóng mặt bằng cao ngất ngưởng (từ hơn 60 triệu lên 120 triệu đồng). Đó là nguyên nhân, vì sao nhân dân bức xúc khi hai thửa đất cận kề nhau lại có mức chênh lệch đền bù!?

Ông Lê Chí Hùng - Chủ tịch UBND xã Hoằng Quang cho biết thêm: Ngay khi phát hiện những sai phạm, UBND xã lập biên bản đình chỉ thi công và báo cáo UBND TP Thanh Hóa, đội Quy tắc đô thị ra văn bản xử phạt hành chính và yêu cầu một số đơn vị tháo dỡ công trình, hoàn trả lại mặt bằng.

Tuy nhiên, đối chiếu các quyết định xử phạt với các doanh nghiệp sai phạm trong xây dựng tại khu vực này của UBND TP Thanh Hóa cũng có nhiều điều khó hiểu. Có doanh nghiệp chỉ bị xử phạt hành chính, không yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm xây dựng hoàn trả lại mặt bằng. Nhưng lại có những đơn vị doanh nghiệp bị yêu cầu tháo dỡ công trình sai phạm, trả lại tình trạng ban đầu của đất...

Bên cạnh đó, các quyết định xử phạt đều nêu rõ thời gian chấp hành quyết định không quá 10 ngày kể từ ngày ký. Giao cho UBND xã Hoằng Quang chủ trì phối hợp với Quy tắc đô thị thành phố giám sát, kiểm tra và đốc thúc các công ty thực hiện nhưng đến nay thời gian đã quá hạn nhiều ngày. Trái lại, vẫn có những doanh nghiệp bất chấp tiến hành san lấp mặt bằng, tập kết vật liệu chuẩn bị xây dựng như Công ty Lê Hoàng!?...

Quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty CP Đầu tư Xây dựng Việt Hung.

Ông Nguyễn Khắc Cả - Phó chủ tịch UBND xã Hoằng Quang khẳng định: Các doanh nghiệp đã nộp phạt về hành chính, tuy nhiên tháo dỡ công trình thì chưa. Đây là cái khó cho cả chính quyền lẫn doanh nghiệp. Nhà nước thì giao đất, thu tiền thuê đất, sử dụng đất nhưng lại chưa đưa ra khung giá đất!? Mà chưa có giá đất thì các doanh nghiệp chưa làm được hợp đồng thuê đất, cũng như thủ tục cấp bìa đỏ, và cấp phép xây dựng.

Còn ông Lê Văn Thi - Đội phó Đội Quy tắc đô thị TP Thanh Hóa thì cho rằng: “Thực tế, việc cần thiết phải ban hành các quyết định, văn bản chúng tôi cũng đã ban hành. Đối với các doanh nghiệp sai phạm, chúng tôi vẫn phải xử lý, nhưng cũng có những cái phải chia sẻ với doanh nghiệp!? Doanh nghiệp cũng có những cái khó khăn! Vì vậy, việc ban hành quyết định cưỡng chế, tháo dỡ công trình cũng có những cái phải đắn đo, suy nghĩ!?”.

Như vậy là đã rõ, với cách làm “chia sẻ sai phạm” với doanh ngiệp như phát biểu của Đội phó Đội Quy tắc đô thị TP Thanh Hóa thì những quyết định xử phạt chỉ để cho có lệ!?

Sơn Đình



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]