(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Trong số 49/119 bến đò đủ tiêu chuẩn được cấp phép đang hoạt động chở khách qua sông trên địa bàn tỉnh, có 25 bến được xây dựng và trở thành “Bến đò an toàn”. Việc xây dựng bến đò an toàn không chỉ tạo thói quen tốt chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa mà còn xây dựng được nét văn hóa giao thông cho người điều khiển phương tiện và hành khách đi đò. Tuy nhiên, thực tế tại một số bến được công nhận là “Bến đò an toàn” mà chúng tôi trực tiếp “mục sở thị”, vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bến đò an toàn có thật sự an toàn?

(VH&ĐS) Trong số 49/119 bến đò đủ tiêu chuẩn được cấp phép đang hoạt động chở khách qua sông trên địa bàn tỉnh, có 25 bến được xây dựng và trở thành “Bến đò an toàn”. Việc xây dựng bến đò an toàn không chỉ tạo thói quen tốt chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa mà còn xây dựng được nét văn hóa giao thông cho người điều khiển phương tiện và hành khách đi đò. Tuy nhiên, thực tế tại một số bến được công nhận là “Bến đò an toàn” mà chúng tôi trực tiếp “mục sở thị”, vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn.

Đò Phùng.

Đò Phùng là một trong số những bến đò được công nhận là “Bến đò an toàn”. Bến đò này thuộc sự quản lý của 2 xã là Hoằng Phượng (Hoằng Hóa) và Thiệu Thịnh (Thiệu Hóa). Mặc dù được công nhận là bến đò an toàn, song để đảm bảo an toàn cho hành khách đi đò lại chưa được chủ đò quan tâm.

Trong vai một hành khách, tôi xuống đò Phùng để sang đất Thiệu Hóa. Do lên đò vào thời điểm nước thủy triều xuống nên tôi không đủ dũng khí để cả xe và người lên đò. Bởi để lên được đò, ngoài việc phải lội bùn độ 1 - 2 bước chân còn phải leo lên một chiếc cần phà (nơi lên xuống cho hành khách đi đò) được nhà đò hạ ở một góc hẹp khoảng 45o. Chiếc cần phà này không được chủ đò quan tâm tu sửa nên dù mặt sàn được làm bằng sắt cũng đã bị hoen rỉ, thủng lỗ chỗ… rất khó cho người đi bộ chứ chưa nói là đi xe máy. Vì vậy, quyết định gửi xe ở nhà đò là giải pháp được tôi lựa chọn lúc này.

Bước chân xuống đò, lội qua khoảng bùn… tôi bước lên chiếc cần phà. Tuy nhiên, do chiếc cần phà đã quá cũ kĩ, mặt sàn nhẵn, bóng không còn độ ma sát, quá trơn lại gần như dựng đứng nên suýt bị trượt ngã. Cùng chuyến phà này một hành khách tuổi trung niên đang “đánh vật” với con Dream để leo qua chiếc cần phà. Sau giây phút cố giữ thật chắc tay lái và bình tĩnh xử trí bánh xe bị rê và trượt... do sàn cần phà quá trơn cuối cùng cả xe và người đã an toàn đứng trên đò. Có nhiều người trầm trồ trao cho anh biệt tài “tay lái lụa” vì chỉ có anh mới dám một mình “cưỡi conDream” vượt qua được “chướng ngại vật” mà không bị trượt ngã.

Khi người, xe đã đứng yên, người đàn ông này cho biết: Anh tên Quang ở xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn. Cũng theo anh Quang, mặc dù thường xuyên đi đò nhưng anh chưa thấy chủ đò nhắc nhở, đưa áo phao, hay cục nổi cho hành khách. Có chăng chỉ khi được báo trước là có đoàn kiểm tra liên ngành, hoặc có nhà báo đến…, còn không thì “treo để cho đẹp”. Việc hướng dẫn hành khách đứng trên đò như thế nào cho an toàn, anh Quang cũng chưa thấy nhà đò quan tâm.

Đò bắt đầu rời bến, trên đò có khoảng gần chục người nhưng tuyệt nhiên không có ai dùng đến áo phao, hay cục nổi. Mà nếu có dùng thì với 1 áo phao và vài cục nổi được chủ đò để ở đầu khoang lái cũng không đủ cho số người đứng ở trên đò.

Rời đò Phùng, xuôi theo dòng sông Mã đi thêm khoảng 3 - 4 km, đò Giàng đã hiện hữu trước mắt. Đây cũng là 1 trong số 2 đò của huyện Hoằng Hóa đã được công nhận là “Bến đò an toàn”. Chủ đò xã Hoằng Giang - anh Nguyễn Sĩ Sinh cho biết: Đò Giàng thuộc 2 xã quản lý là xã Hoằng Giang (Hoằng Hóa) và xã Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa) với hình thức luân phiên. Nửa tháng trước là chủ đò Thiệu Khánh, nửa tháng còn lại này, đò của anh có trách nhiệm chở khách. Thấy tôi băn khoăn: Đò của anh đã được công nhận là bến đò an toàn nhưng khách lên đò lại không mặc áo phao hoặc cục nổi? Chủ đò chỉ tay về phía khoang lái - nơi có hơn 10 cục nổi được xếp ngay ngắn trần tình: Nói thật với cô cục nổi được trang bị đầy đủ nhưng quan trọng, khách đi đò không chịu dùng. Tuy nhiên, tôi cứ xếp cục nổi ở đấy, ai có nhu cầu… cứ lấy mà dùng thôi.

Việc hành khách không trang bị hay sử dụng áo phao, cục nổi không chỉ có ở đò Phùng, đò Hoằng Giang mà nhiều đò khác được công nhận là “Bến đò an toàn” cũng đều chung thực trạng này. Không dừng lại ở áo phao, cục nổi mà chất lượng đò… và trách nhiệm của chủ phương tiện đối với sự an toàn của hành khách chưa được nhiều chủ đò quan tâm. Vì vậy, “Bến đò an toàn”, thực tế chưa thực sự an toàn.

Còn những bến được cấp phép hoạt động nhưng chưa được công nhận là “Bến đò an toàn” thì mức độ an toàn sẽ ra sao? Và cả hàng chục bến chưa được cấp phép vẫn tham gia hoạt động chở khách qua sông?... liệu có đảm bảo an toàn. Câu hỏi ấy mong lắm một lời giải đáp, hay ít nhất là khắc phục giải quyết.

Minh Lý



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]