(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Trong đời sống thường nhật, không khó khi bắt gặp những cụ ông, cụ bà lưng còng, gối mỏi vẫn hàng ngày cặm cụi kiếm sống, mà đáng lẽ ra ở tuổi các cụ phải được sống trong cảnh an nhàn cùng con cháu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cảm thương những phận già cơ cực mưu sinh

(VH&ĐS) Trong đời sống thường nhật, không khó khi bắt gặp những cụ ông, cụ bà lưng còng, gối mỏi vẫn hàng ngày cặm cụi kiếm sống, mà đáng lẽ ra ở tuổi các cụ phải được sống trong cảnh an nhàn cùng con cháu.

Trên những con phố, đường quê, hình ảnh các cụ già ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” còng mình bươn chải kiếm sống trở nên quá đỗi bình thường. Để kiếm được từng đồng tiền lẻ, các cụ không quản ngại mưa nắng, làm đủ mọi công việc, từ bán hàng rong, cửu vạn, nhặt ve chai, lặn lội mò cua bắt ốc ở sông… Nhìn thấy họ cần mẫn với công việc dù tuổi già, sức yếu, ai cũng thấy ngậm ngùi.

Bà Nguyễn Thị Lệ, xã Đồng Thắng (Triệu Sơn) là một ví dụ. Chiều nào cũng vậy, bất kể trời nắng hay mưa, người dân trong xã đã quá quen với hình ảnh cụ già cần mẫn, chịu khó bên cạnh gánh hàng rong của mình. Khi thì bó rau, buồng chuối, trứng gà… mùa nào thức nấy, bà gánh từ nhà ra ngã tư chợ để bán. Nhìn dáng vẻ gầy gò, ốm yếu, đôi bàn tay nhăn nheo, bộ quần áo đã nhàu nát… có thể cảm nhận phần nào sự cơ cực, vất vả của cụ bà đã sang tuổi 78 này. Bà Lệ không có con trai, còn các con gái thì đều đã lập gia đình riêng, cuộc sống khó khăn, nên bà cũng không nhờ cậy được gì.

“Mỗi ngày chỉ mong bán được một nửa số rau, lãi vài đồng bạc cũng đủ sinh hoạt. Những hôm trái gió trở trời, ốm đau bí lắm mới nhờ cậy con cái” -bà Lệ tâm sự.

Những cụ già vất vả mưu sinh.

Bà Lê Thị Phúc (Đông Sơn) năm nay cũng ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, mắt không còn tinh anh, tay không nhanh hơn trước nên bà chỉ bán nước trà kiếm chút tiền sinh hoạt. Được cái địa điểm bán hàng gần cổng bệnh viện, đông người qua lại, nên thu nhập cũng ổn định, không phiền con cháu.

Không phải rong ruổi mưu sinh trên khắp các ngã đường, cụ Nguyễn Anh (72 tuổi, xã Thiệu Giao, Thiệu Hóa) lại tất bật với những công việc thầm lặng của một người phụ nữ trong gia đình. Từ mấy năm nay, do gia cảnh khó khăn, con cái làm ăn xa, mình bà gồng gánh chăm nom 3 đứa cháu nội, lo việc nhà cửa, bồng bế cháu, tắm rửa, cơm nước, đưa cháu đến trường… không việc gì là không đến tay bà…

Mưu sinh, đối với người trẻ đã là chuyện không dễ, đối với người cao tuổi, sức tàn lực kiệt lại càng vất vả hơn. Người cao tuổi mưu sinh thường là những người nghèo, cả cuộc đời vất vả, lam lũ khi về già vẫn phải bươn chải kiếm sống.

Ai rồi đến lúc cũng phải già yếu, ốm đau, mỗi người tùy thuộc vào hoàn cảnh, xuất phát điểm, trong lát cắt cuộc sống ấy, có những cụ già hạnh phúc được con cháu chăm sóc, hưởng thú an nhàn, nhưng còn rất nhiều phận người cao tuổi kém may mắn phải vật lộn với gánh nặng mưu sinh. Họ chỉ hy vọng có thêm ít tiền để trang trải sinh hoạt gia đình. Đôi mắt khô cạn, mái tóc bạc phơ xơ xác, làn da đen sạm cùng gió mưa, oằn mình gánh nặng cuộc đời.

Phía sau mỗi phận đời neo đơn, khốn khổ luôn có một câu chuyện được giấu kín, tuy nhiên điều đáng trân trọng là những người lớn tuổi này vẫn luôn cố gắng, nỗ lực làm việc tự nuôi sống bản thân, không trông chờ, ỷ lại.

Cuộc sống luôn đan xen giữa hai mảng màu sáng - tối, mà trong mảng tối đó có rất nhiều những trường hợp các cụ già không nơi nương tựa, phải ngủ lề đường, trên ghế đá trong giấc ngủ phập phồng, không no giấc...

Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]