(vhds.baothanhhoa.vn) - Suốt nhiều năm qua người dân xã Hà Tiến (huyện Hà Trung) không khỏi lo lắng khi phần lớn diện tích đất công ích của xã có vị trí giáp ranh với khu rừng sản xuất trồng cây lâu năm ‘bỗng nhiên’ xuất hiện những lò đốt than nghi ngút khói, tiềm ẩn nhiều nguy cơ hỏa hoạn, hệ lụy về môi trường... Điều lạ, khu nhà xưởng cùng các hầm lò đốt than ngự trên diện tích đất cả nghìn mét vuông vẫn hoạt động suốt nhiều năm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chính quyền làm ngơ cho lò đốt than hoạt động trái phép?

Suốt nhiều năm qua người dân xã Hà Tiến (huyện Hà Trung) không khỏi lo lắng khi phần lớn diện tích đất công ích của xã có vị trí giáp ranh với khu rừng sản xuất trồng cây lâu năm ‘bỗng nhiên’ xuất hiện những lò đốt than nghi ngút khói, tiềm ẩn nhiều nguy cơ hỏa hoạn, hệ lụy về môi trường... Điều lạ, khu nhà xưởng cùng các hầm lò đốt than ngự trên diện tích đất cả nghìn mét vuông vẫn hoạt động suốt nhiều năm.

Đại công trường lò đốt

Không khó để chúng tôi có thể phát hiện đại công trình lò đốt than trái phép mọc giữa khu đất trồng cây hàng năm, lâu năm của bà con xã Hà Tiến khi những ngọn khói đen nghi ngút bao trùm cả một khu đồi rộng lớn. Chúng tôi quyết định thâm nhập khu lò đốt than trên. Làm sao để vào được khu lò đốt? Người dân tận tình: “Các anh đi thêm gần 100m nữa sẽ bắt gặp một con đường đất lớn mạn phải, chạy thẳng vài trăm mét nữa là đến nơi! Con đường lớn họ làm đủ cho cả xe ô tô 3 - 4 càng chạy vào lấy hàng nên không lo!”.

Sau gần 1 km đánh vật với tuyến đường, trước mắt chúng tôi là một đại công trường gồm nhiều nhà xưởng, hơn chục công nhân đang tất bật; cả chục lò đốt đang nghi ngút khói; một vài xe vận tải vào ra chở hàng; hệ thống đường điện được dẫn vào tận nơi… ngay cạnh các lò đốt là một máy xúc đang hoạt động hết tần suất moi múc tài nguyên, mở rộng phân xưởng?!

Khu công trường ngổn ngang gỗ nhãn, bạch đàn được cho là khai thác từ dự án rừng 661.

Theo tìm hiểu, chủ nhân của những khu xưởng, lò đốt trên là ông Tiến và ông Hoàn, đều là người địa phương. Cũng bởi người địa phương vì cả nể, người dân dù lo lắng cũng không dám phản ánh. Về diện tích khu đất đang làm lò đốt vốn được ông Tiến, ông Hoàn mua lại từ một hộ dân khác vốn là đất sản xuất nông nghiệp. Nhưng sau khi mua lại, ông Tiến và ông Hoàn, đã không trồng cây theo quy hoạch mà ngang nhiên xây dựng nhà xưởng, hầm lò đốt than hoạt động, phá vỡ quy hoạch cây trồng, tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn...

Đánh liều, chúng tôi tiến vào khu xưởng nơi vài công nhân đang bốc than lên xe. Hỏi ra được biết, than được đốt từ gỗ bạch đàn, nhãn, vải... sau khi thu mua từ những cánh rừng sản xuất. Than thành phẩm được chuyển đến TP Thanh Hóa và các tỉnh bên ngoài như Hải Dương, Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình… tiêu thụ.

Thấy khách lạ, một người tự xưng Tiến (chủ lò) ra hỏi thăm. Ông Tiến cho biết: “Hai anh em tôi làm chỗ đây, đứng tên là ông Mai Văn Hoàn. Trước khi đi vào hoạt động, chúng tôi cũng xin phép xã để làm thử nghiệm, nhận được sự đồng ý. Nếu thành công, hoạt động ổn định thì chúng tôi sẽ hoàn thiện các thủ tục.”

Hiện tại, khu xưởng gồm một dãy nhà xưởng; 10 lò đốt than; 10 công nhân lao động thường xuyên.

“Đây là dự án của tỉnh nên hầu như ở xã nào có núi, có rừng cũng trồng nhãn, vải. Chúng tôi chủ yếu mua nguyên liệu tại các xã như Ngọc Trạo, Thành Long (huyện Thạch Thành); xã Hà Tiến, Hà Lĩnh (huyện Hà Trung)… Dù nguồn nguyên liệu phong phú nhưng lo sợ sắp tới với chủ trương đóng cửa rừng của Nhà nước thì đơn vị không còn nguồn nguyên liệu! Bên cạnh đó, người dân sau khi chặt bỏ nhãn, vải thì các thương lái từ tỉnh ngoài họ vào mua với giá cao (gỗ được mua để phục vụ các lò xông hơi, mát sa, làm hạt cườm)… nên mình khó cạnh tranh, tương lai của lò đốt cũng chưa biết có tồn tại được lâu dài!.” – ông Tiến lý giải vì sao chưa hoàn tất các thủ tục.

“Con voi chui lọt lỗ kim”

Hàng loạt những thắc mắc về khu lò đốt than mọc lên trên diện tích cả nghìn mét vuông, tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn và những hệ lụy về môi trường? Tại sao không phép đơn vị này vẫn có thể hoạt động suốt nhiều năm?! Thậm chí hoạt động rầm rộ với đầy đủ điều kiện về điện, đường; xây dựng nhà xưởng; huy động công nhân?!… Đem những thắc mắc trên trao đổi với chính quyền xã Hà Tiến, song ông Tống Duy Tân - Chủ tịch UBND xã lại thoái thác với lý do mới được luân chuyển từ xã khác về chưa nắm được tình hình.

Chưa dừng lại ở đó, khi được ủy quyền trao đổi với ông Tống Văn Đoàn - Phó Chủ tịch UBND xã này, mặc dù ông Đoàn đã có “thâm niên” công tác tại xã nhiều năm nhưng những thắc mắc trên của chúng tôi cũng chỉ nhận được những câu trả lời một cách chung chung,mơ hồ: “Đây là chỗ đơn vị họ thuê thầu của xã để trồng cây hàng năm. Đơn vị đang làm thủ tục xin phép làm thử lò đốt, có thể họ không chạy được thủ tục hành chính?! Vì họ báo cáo làm tạm, làm thử, chứ không phải đầu tư làm lớn, chỉ là mấy viên gạch xây lên làm lò đốt như lò gạch thủ công ngày xưa nên chúng tôi cũng tạo điều kiện”.

Rõ ràng, câu chuyện cả chục lò đốt than chui tồn tại và hoạt động suốt nhiều năm chứ không phải là mới, không phải là thử nghiệm như lời vị phó chủ tịch xã này nói. Phải chăng có sự bao che của chính quyền xã Hà Tiến?

Một lần nữa tìm đến UBND huyện Hà Trung, sau nhiều lần liên hệ đấu mối với ông Đặng Văn Thiện - Trưởng phòng TN&MT, ông Thiện cáo bận với lý do đi học, ủy quyền cho phó phòng phụ trách. Song, khi liên lạc với vị phó phòng tài nguyên huyện chúng tôi cũng nhận sự khước từ với lý do “đi tỉnh”.

Trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Thảo - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hà Trung về nội dung những lò đốt than được cho là nằm trên diện tích rừng sản xuất; nguyên liệu được khai thác từ dự án rừng 661 tại xã Hà Tiến. Ông Thảo khẳng định, dự án rừng 661 trước đây không được bàn giao cho hạt kiểm lâm quản lý, cũng không rõ đơn vị nào phụ trách. Về việc những lò đốt than với tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn, khai thác lâm sản rừng làm nguyên liệu, ông Thảo hứa sẽ cho kiểm tra lại.

Sơn Đình


Sơn Đình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]