(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) “Người bên Ke (nước bạn Lào) sang ta chơi, họ cũng biết đi chọc sàn, bắt vợ!... Chọc mấy lần thế là ưng cái bụng, xin phép bố mẹ là cho về ở với nhau thôi!” - chuyện tình giữa Lục Thị Yến (SN 1974, bản Sáng, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát) với Lương Văn Ke (SN 1972 Phiềng Khạy, cụm Cum Pùn, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Lào) là một trong nhiều cặp vợ chồng vùng biên giới, xây dựng hạnh phúc gia đình, góp phần gắn kết mối tình đoàn kết keo sơn giữa hai nước Việt - Lào.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện tình... hai bờ biên giới

(VH&ĐS) “Người bên Ke (nước bạn Lào) sang ta chơi, họ cũng biết đi chọc sàn, bắt vợ!... Chọc mấy lần thế là ưng cái bụng, xin phép bố mẹ là cho về ở với nhau thôi!” - chuyện tình giữa Lục Thị Yến (SN 1974, bản Sáng, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát) với Lương Văn Ke (SN 1972 Phiềng Khạy, cụm Cum Pùn, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Lào) là một trong nhiều cặp vợ chồng vùng biên giới, xây dựng hạnh phúc gia đình, góp phần gắn kết mối tình đoàn kết keo sơn giữa hai nước Việt - Lào.

Hẹn hò... bên cột mốc!

Trời vừa ló rạng, lạnh rít, hanh hao, vợ chồng Yến và Ke đã tươm tất hành trang chuẩn bị lên rẫy. Với cái cuốc, con dao quắm và đùm xôi ghế sắn được Yến chuẩn bị từ khi con gà gáy canh 3. Chừng đó, Yến bảo “đủ cái bụng rồi! đến khi mặt trời khuất núi vẫn còn no cái bụng!”. Yến nghĩ: “Mình đang còn cái sức, phải cố làm thêm nhiều rẫy ngô, rẫy sắn, nuôi thêm nhiều con gà, con lợn cũng như trồng nhiều cây xoan trên đồi để có tiền lo cho 4 anh em nhà Ke, nhà Yến ăn học, sau này còn lập gia đình”.

Chuyện tình của Ke và Yến cũng như bao nhiêu cặp vợ chồng Việt - Lào khác. Họ đến với nhau một phần nhờ vào mối quan hệ gắn bó, khăng khít đi lại thân tình bao đời nay giữa hai dân tộc. Hơn 20 năm trước, Yến vốn là “bông hoa rừng” đẹp nhất nhì của đất bản Sáng, có nhiều chàng trai bản Thái, Mông đeo đuổi, nhiều gia đình muốn bắt Yến về làm vợ cho con cái họ. Thế nhưng, Yến không ưng một trai bản nào! Cho tới khi bắt gặp tính thật thà, mạnh mẽ của Ke - người Lào.

Những bản làng vùng biên nằm lẫn khuất trong triền đồi với những mối tình xuyên biên giới gắn tình đoàn kết Việt - Lào.

Ke vốn là một thanh niên trai bản Piềng Khạy, vạm vỡ, có đủ sức vật cả một con lợn rừng, lại chịu thương chịu khó. Lấy vợ và có với nhau 2 mặt con, thế nhưng hạnh phúc lại không được trọn đầy. Vợ Ke mất sớm vì bạo bệnh, Ke một mình gà trống nuôi con. Một hôm, nơi đầu con suối, Ke nghe hóng bên tai mấy câu tán gẫu của đám trai bản Sáng (người Việt) về “bông hoa rừng” tên Yến, và những kế hoạch, chiêu trò chọc ghẹo, chọc sàn... bắt vợ!

Tò mò về cô gái đẹp như những bông xoan rừng tháng 3 tinh khôi, trong trắng, Ke quyết định băng suối, vượt đồi tìm đến nhà Yến thử vận may chọc sàn tỏ tình. Đang giấc ngủ, Yến tỉnh dậy với những tiếng thúc sàn nhè nhẹ - không giống bọn trai bản hay chọc!? Yến tò mò ra nơi góc cửa ngó xuống thì mờ mờ thấy chàng trai vạm vỡ đang chằm chằm nhìn mình... Vài lần như vậy, Yến cũng cho Ke lên nhà nói chuyện. Dù biết Ke vợ mất, có 2 con nhưng Yến vẫn thích cái bụng của Ke và đồng ý để Ke bắt về bên kia nước bạn Lào làm vợ.

Vợ chồng Yến và Ke (bên trái) kể lại chuyện những ngày hẹn hò bên cột mốc với tác giả bài viết. (ảnh: Sông Lô)

Sống với nhau được thời gian, bố Ke mất, Yến mở lòng chuyển về bản Sáng để phụng dưỡng cha mẹ già và được Ke đồng ý. Hiện 2 đứa con lớn của Ke và vợ trước cũng cùng cha sang bản Sáng, còn 2 đứa con chung của Yến và Ke thì đang đến trường học con chữ.

Ke tâm sự: “Để đến được nhà Yến, Ke phải vượt qua 2 ngọn đồi, lội 3 con suối, mất hơn nửa ngày đường mới tới”. Có hôm Ke phải đánh vật cùng lúc 3, 4 trai bản. Họ ghét Ke vì được Yến yêu quý, nên thường xuyên tập trung đông, chặn đường không cho Ke đến tìm Yến. Yến cũng vậy, luôn bị trai bản kèm cặp, muốn có thời gian bên Ke, nhiều hôm phải hẹn nhau nơi cột mốc biên giới 2 nước Việt - Lào để nói chuyện cho đỡ nhớ nhau!...

“Bây giờ ở bên này trai bản không còn ganh tỵ làm khó nữa!” - Ke cười. Anh vui vì bên bản mình trồng cây ngô, cây sắn thuận lợi hơn bên kia (Lào); đồ đạc mua sắm cũng dễ. Giờ Ke đã biết nói tiếng phổ thông của Việt Nam nhờ những lớp xoá tái mù chữ, biết đi xe máy để đưa vợ xuống thị trấn mua váy, mua vải!...

Vợ chồng Yến và Ke.

Thắm đượm mối tình hai dân tộc Việt - Lào

Không chỉ trường hợp của Ke là người nước bạn Lào lấy vợ Việt Nam và sang ở rể mà còn nhiều trường hợp người Việt lấy chồng, lấy vợ sang Lào sinh sống lâu dài. Theo thống kê, xã Quang Chiểu, số người Việt - Lào lấy nhau lên đến cả trăm trường hợp. Cán bộ tư pháp Hà Văn Do - xã Quang Chiểu chỉ tay vào cuốn sổ danh sách bảo: Đó mới chỉ là thống kê từ những năm 80 trở lại đây, còn trước đó thì nhiều vô kể. Lý do nhiều người Việt - Lào lấy nhau là do mối quan hệ thân tộc hai nước bao đời nay. Cùng chung ngôn ngữ (tiếng Thái), gần văn hoá nên gặp nhau “ưng cái bụng” là đồng ý về ở với nhau.

Từ Quang Chiểu chúng tôi xuôi dòng suối Xim về xã Tén Tằn - một trong những xã có nhiều trường hợp người Việt - Lào lấy nhau. Cán bộ Phạm Văn Thơ - Trưởng Công ăn xã Tén Tằn bật mí về câu chuyện tình đầy lãng mạn giữa Lương Thị Băn (SN 1980, Xiềng Khoẳng, cụm Mường Khăng, tỉnh Xiêng Khoảng, Lào) lấy Đinh Văn Inh (SN 1972, bản Tén Tằn, xã Tén Tằn, huyện Mường Lát) khiến tôi không khỏi tò mò. Lâu nay, vợ chồng Băn và Inh luôn là tâm điểm khiến nhiều dân bản Tén Tằn phải ganh tỵ. Sở dĩ ganh tỵ vì cuộc sống êm ấm, hạnh phúc của đôi vợ chồng; ganh tỵ nữa là vì Băn lấy được Inh, một trai bản lanh lợi, biết buôn con bò, con trâu “xuyên biên giới” kiếm ra đồng tiền, bát gạo...

Băn bảo: "Inh vốn người bản Tén Tằn, sang bên Xiềng Khoẳng của Băn để mua con trâu, con bò về bán lại. Sang Xiềng Khoẳng rồi quen Băn, hai cái bụng ưng nhau, thường xuyên hẹn hò. Nhưng ngày đó, để có được cái bụng của Băn, Inh đã “lừa” mình là trai bản Sầm Nưa nên gia đình Băn mới đồng ý cho Inh bắt Băn về làm vợ. Bây giờ Băn thạo tiếng Việt rồi! nhờ những lớp học xóa tái mù chữ".

“Băn theo Inh đi mãi, mất hơn 2 lần mặt trời lặn, vượt bao con suối, ngọn đồi mới về đến nhà Inh. Bấy chừ cũng mới biết Inh lừa cái bụng Băn. Hơn một năm sau mới về nhà bố mẹ đẻ để thông báo. Lúc đó, bố mẹ cũng không phản đối, vì cái bụng người Việt cũng tốt như cái bụng người Lào. Bây giờ hai vợ chồng có cái phương tiện, chỉ cần cái giấy giới thiệu của xã, có sự đồng ý của anh cán bộ biên phòng là về nhanh thôi!” - Băn kể.

Nói về chuyện ở với nhau có 4 mặt con, nhưng đến nay 2 vợ chồng Băn và Inh vẫn chưa có đăng ký kết hôn. Băn thở dài: “Phức tạp lắm nên chưa làm thủ tục được! Cũng muốn có cái giấy đăng ký kết hôn để không vi phạm pháp luật ở Việt Nam! Cảm ơn Đảng, Nhà nước Việt Nam đã tạo điều kiện để con Băn có giấy khai sinh, được đến trường học con chữ, được hưởng các chế độ Nhà nước”.

Cán bộ Thơ thở dài: “Do vướng mắc về quy định trong đăng ký kết hôn có yếu tố người nước ngoài, phức tạp mà các cặp vợ chồng hiện vẫn chưa thể làm đăng ký”.

Riêng huyện Mường Lát với 7/9 xã, thị trấn giáp biên thì hầu như xã nào cũng có những trường hợp người Việt - Lào lấy nhau, tập trung ở các xã Quang Chiểu, Mường Chanh, Tén Tằn... Thống kê tại Phòng dân tộc huyện Mường Lát, có tất cả hơn 300 trường hợp người 2 nước Việt - Lào lấy nhau chưa có đăng ký kết hôn. Nhưng đó là câu chuyện của những năm trước, còn mùa xuân năm nay đã khác.

Ông Vi Đức Toàn - Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Quang Chiểu nhận định: “Mối quan hệ giữa 2 nước Việt - Lào vốn thân tình, gắn kết như anh em từ bao đời nay. Ngoài giao thương về kinh tế, văn hóa, an ninh biên giới thì những mối tình xuyên quốc gia này đã và đang góp phần xây đắp mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa 2 dân tộc”.

Để tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng làm thủ tục đăng ký kết hôn, ông Trương Văn Bình - Trưởng phòng tư pháp huyện Mường Lát cho biết: Căn cứ vào Luật Hộ tịch năm 2014, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định 1900 ngày 3/6/2016 giao thẩm quyền đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam cho UBND cấp xã. Nhờ vậy nhiều đôi vợ chồng người Việt - Lào đã có thể được cấp Giấy đăng ký kết hôn.

Trước khi xuôi dòng sông Mã trở về những bộn bề công việc của những ngày cuối năm, trò chuyện với vợ chồng Yến và Ke, sự phấn khởi hiển hiện rõ trên gương mặt mỗi người chúng tôi. Ke cho tôi biết về dự định, sang năm mới anh sẽ về Phiềng Khạy, cụm Cum Pùn để xin giấy tờ làm thủ tục đăng ký kết hôn với Yến. Rồi đây, những câu chuyện tình nơi vùng biên giới Việt - Lào sẽ trọn đầy hơn, tình dân tộc giữa hai miền đất nước sẽ ngày càng được thắt chặt.

Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]