(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông đã tham gia 40 trận đánh, chỉ huy đơn vị diệt hàng nghìn tên địch, riêng bản thân đã diệt 60 tên, bắn rơi tại chỗ một máy bay lên thẳng… Thời bình, ông tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ” trong lao động sản xuất và công tác. Ông là Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) Nhân dân Phạm Văn Thọ ở thôn Hồng Quang, xã Định Hải, thị xã Nghi Sơn.

Chuyện về một anh hùng

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông đã tham gia 40 trận đánh, chỉ huy đơn vị diệt hàng nghìn tên địch, riêng bản thân đã diệt 60 tên, bắn rơi tại chỗ một máy bay lên thẳng… Thời bình, ông tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ” trong lao động sản xuất và công tác. Ông là Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) Nhân dân Phạm Văn Thọ ở thôn Hồng Quang, xã Định Hải, thị xã Nghi Sơn.

Chuyện về một anh hùngAnh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Phạm Văn Thọ giới thiệu bức ảnh chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào tháng 5-1984.

Ký ức hào hùng

Khách đến, ông vồn vã, hồ hởi chuyện trò. Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, giọng ông vẫn sang sảng. Ký ức hào hùng thời chiến, đến giờ vẫn còn vẹn nguyên trong ông. 21 năm trong quân ngũ, ông đã từng tham gia chiến đấu tại các chiến trường Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào… Trên trận tuyến chống quân thù, ông đã lập nhiều chiến tích.

Ngày 20-3-1967, ông lên đường nhập ngũ tại Sư đoàn 304, Quân đoàn 2, khi 17 tuổi. Tháng 12-1967, ông được tăng cường đến Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 3, Sư đoàn 324, Quân khu 4.

Giai đoạn 1967-1975 là khoảng thời gian gắn với nhiều dấu mốc quan trọng, ý nghĩa của Anh hùng LLVT Nhân dân Phạm Văn Thọ. Trong 8 năm này, ông đã đánh 40 trận, chỉ huy đơn vị diệt hàng nghìn tên địch. Ông nói: “Chiến trường nào cũng khốc liệt, nhưng trận chiến nào cũng quyết chiến thắng. Riêng bản thân đã diệt 60 tên, bắt sống 36 tên, bắn rơi tại chỗ một máy bay lên thẳng. Hàng chục trận đánh, rất nhiều kỷ niệm, không bao giờ quên được”.

Ký ức thời chiến của người anh hùng dần được tái hiện, khuôn mặt ông có lúc trở nên căng thẳng, giọng gấp gáp rồi đến khi hạ được địch, mắt ông bừng sáng. Tại cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, ông tham gia đánh địch phản kích ở thành Huế. Điều kỳ diệu, chỉ sau một năm nhập ngũ, tại trận đánh này, ông đã tiêu diệt 11 tên giặc Mỹ. Ông kể lại: “Đêm 5-2-1968, tôi được lệnh vào nội thành Huế cùng Trung đoàn chiến đấu khu vực chợ Đông Ba. Khoảng 3h sáng ngày 27-2, được lệnh rời khỏi thành Huế. Tôi và một số đồng chí được giao nhiệm vụ chặn địch cho Trung đoàn lui quân. Tôi đã dùng súng trung liên RPD bắn vào đội hình của địch, diệt 11 tên giặc Mỹ. Nhưng sau đó thì chúng tôi lại bị thất lạc ở cánh rừng A Lưới, một ngày sau đơn vị đến đón về. Đây là chiến công đầu tiên của tôi, tiếp thêm sức mạnh để vững vàng với những trận đánh sau này”.

Trong mỗi cuộc chiến, như ông chia sẻ, bình tĩnh nhưng phải nhanh trí để xử lý tình huống, nhất là với người chỉ huy, điều này rất quan trọng. Nhớ lại trận đánh tháng 4-1972, ông bồi hồi: “Khi đó tôi là Đại đội trưởng Đại đội 7, thuộc Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324), chiến đấu tại Đồi 372, gần cứ điểm Động Tranh, Thừa Thiên - Huế. Khi có lệnh xung phong đánh chiếm lên gần đỉnh Đồi, địch chống cự quyết liệt ở 2 lô cốt. Tôi lệnh chiến sĩ bắn liên tiếp 12 quả đạn B40 vào 2 lô cốt của địch. Kết quả, ta chiếm, cắm cờ trên Đồi 372”. Với tinh thần anh dũng kiên cường trong chiến đấu, chỉ huy các trận đánh, ngày 6-11-1978, ông vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân.

21 năm trong quân đội, lúc này, ông vẫn nhớ lần gặp gỡ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào tháng 5-1984 tại Lễ kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ông xúc động: “Tại cuộc gặp này, Đại tướng nói với chúng tôi, cán bộ và đảng viên phải luôn nhớ lời dặn của Bác Hồ, phải một lòng, một dạ phục vụ Nhân dân, phải giữ nghiêm kỷ luật và luôn cảnh giác với mọi âm mưu của kẻ thù”.

Câu chuyện thời bình

Đi qua bom đạn chiến tranh, Anh hùng LLVT Nhân dân Phạm Văn Thọ của thời bình tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”. Năm 1989, ông trở về địa phương, tham gia vào Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn). Tại đây, ông có gần 5 nhiệm kỳ làm lãnh đạo hội. Thời điểm này, ông được đánh giá là người lãnh đạo gương mẫu, tích cực. Điển hình, ông đã phối hợp với các đoàn thể, tổ chức xây dựng 86 ngôi nhà cho các gia đình chính sách. Ông trở về chiến trường xưa để tìm hài cốt đồng đội vì trong ông, vẫn đau đáu một điều: “Tôi đã hứa với bản thân, còn sống, còn sức khỏe sẽ còn đi tìm những người bạn của tôi”.

Năm 2012, ông nghỉ chế độ. Về với đời thường, ở ông vẫn là những nghĩa cử cao đẹp, là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại trong việc giáo dục truyền thống cho học sinh tại các nhà trường. Ông tích cực tham gia cổ vũ, động viên các phong trào trên địa bàn xã, trong đó phải kể đến chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần tạo sự đồng thuận, đồng sức, đồng lòng của Nhân dân xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Đặc biệt, trong suốt hơn 20 năm làm công tác hội, cho đến khi về nghỉ chế độ BHXH và ngay cả lúc này, Anh hùng LLVT Nhân dân Phạm Văn Thọ vẫn luôn dành sự quan tâm cho các gia đình chính sách. Từ năm 2016 đến nay, cứ vào ngày Thương binh Liệt sĩ 27-7, ông lại trích một phần lương để tặng quà cho 62 gia đình liệt sĩ trên địa bàn xã Định Hải với 100 nghìn đồng/gia đình. Ông nói: “Quà không nhiều nhưng là nén hương thơm dâng lên các liệt sĩ ở địa phương. Tôi cũng như nhiều người lính khác, may mắn được trở về, còn các đồng chí, đồng đội đã ngã xuống. Sự hy sinh ấy không gì bù đắp được. Vì vậy, nếu còn chia sẻ được điều gì thì hãy cứ tiếp tục làm”.

Ông Nguyễn Văn Thu, Chủ tịch UBND xã Định Hải tự hào khi nói về Anh hùng LLVT Nhân dân Phạm Văn Thọ: “Trở về địa phương, Anh hùng Phạm Văn Thọ là tấm gương tiêu biểu của gia đình và cộng đồng. Một đảng viên mẫu mực, tâm huyết, trách nhiệm. Ở đâu có tiếng nói của ông, ở đó có thành công, đặc biệt trong giáo dục truyền thống cho thế hệ thanh thiếu niên. Điều này rất cần và quý giá”.

Khi tôi muốn có tấm ảnh về ông cho bài viết này, Anh hùng LLVT Nhân dân Phạm Văn Thọ đã thay chiếc áo đang mặc bằng chiếc áo truyền thống của LLVT, trên đó gắn rất nhiều huân, huy chương, những thành tích của ông trong 21 năm quân ngũ. Ông nghiêm giọng: “Đây là niềm tự hào của tôi nhưng cũng là trách nhiệm, trong bất kỳ hoàn cảnh nào phải luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ…”.

Bài và ảnh: Việt Hoàng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]