(vhds.baothanhhoa.vn) - Cuối năm tết đến, ai cũng muốn sắm cho gia đình mình một cây quất, cành đào. Đó là những cây cảnh góp phần tăng thêm không khí vui tươi cho ngày xuân; vừa là nét văn hóa tâm linh thể hiện ước muốn của người dân về một năm mới đơm hoa kết trái, gia đình no đủ. Cùng về xã Hợp Lý (huyện Triệu Sơn) - nơi nổi tiếng trồng nhiều đào quất để hiểu hơn về nghề đang cho thu nhập hấp dẫn này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đào, quất Hợp Lý sẵn sàng vào xuân

Cuối năm tết đến, ai cũng muốn sắm cho gia đình mình một cây quất, cành đào. Đó là những cây cảnh góp phần tăng thêm không khí vui tươi cho ngày xuân; vừa là nét văn hóa tâm linh thể hiện ước muốn của người dân về một năm mới đơm hoa kết trái, gia đình no đủ. Cùng về xã Hợp Lý (huyện Triệu Sơn) - nơi nổi tiếng trồng nhiều đào quất để hiểu hơn về nghề đang cho thu nhập hấp dẫn này.

Đến hẹn lại lên, chúng tôi về xã Hợp Lý - nơi được xem là “thủ phủ” trồng đào, quất của tỉnh Thanh Hóa. Thôn Đông Thành - nơi mà hầu hết các hộ dân đều trồng đào, quất dường như bận rộn, hối hả hơn thường ngày. Thấy chúng tôi loay hoay chụp ảnh, ông Trần Xuân Thịnh (xóm 3) nói vui rằng: “Chụp đào thì phải vào vườn chụp mới đẹp. Đào Hợp Lý là quý người lắm đấy”. Nghe vậy, tôi hỏi ông có bán đào không, ông thật thà trả lời: “Đào vừa tuốt lá xong nên chưa đẹp, đợi ít hôm nữa các chị về đây thì muốn mua loại nào cũng có. Nhà tôi ít đất nên trồng không nhiều chứ có hộ ở đây còn trồng cả nghìn gốc, thu nhập hàng trăm triệu là chuyện thường”. Nói rồi ông giới thiệu chúng tôi sang nhà anh Trần Sỹ Toàn ở cùng xóm. Được biết, ngoài trồng đào và đủ các loại cây cảnh, gia đình anh Toàn còn trồng cả cây giống để cung cấp cho các cơ quan, đơn vị trong huyện. Vì vậy mỗi tháng, gia đình anh phải thuê thêm từ 3 - 4 lao động để tỉa cành, xáo cỏ, chăm bón, tưới tiêu. Hiện anh Toàn đã đầu tư một bể nước có sức chứa 270 khối nước nhằm phục vụ tốt nhất công việc trồng hoa, cây cảnh của gia đình.

Bác Trần Xuân Thịnh đang tuốt lá cho vườn đào gia đình ra hoa đúng thời điểm.

Nếu đào Hợp Lý được biết đến với những cánh đào phai to đẹp, giá “yêu thương” thì quất nơi đây cũng nổi tiếng một vùng nhờ cây trái xum xuê, cao lớn. Tùy vào từng vị trí đất mà quất được quy hoạch gồm 2 loại: quất 1 năm và quất từ 2 - 3 năm. Nếu thời tiết thuận lợi và thị trường ổn định thì trung bình 1 ha quất sẽ cho thu nhập từ 460 - 520 triệu đồng, gấp rất nhiều lần so với cùng diện tích trồng lúa. Cùng với đào, quất, nghề trồng hoa (Cúc, Dơn, Ly) ở Hợp Lý cũng cho lợi nhuận cao. Với 1 ha các loại hoa cho thu nhập lên đến 784 triệu đồng/năm, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Lý - Bí thư Đảng ủy xã Hợp Lý cho biết: Từ năm 2010, thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, địa phương đã tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, coi đó là yếu tố quyết định làm thay đổi bức tranh nông nghiệp - nông thôn của xã. Kết quả, địa phương đã chuyển đổi diện tích đất 2 lúa kém hiệu quả sang trồng các loại hoa, cây cảnh cho giá trị kinh tế cao từ 15 ha (2010) lên 64,1 ha (2019). Trong đó, diện tích đất trồng quất là 35 ha; đào 24,1 ha; hoa 5 ha, cho tổng thu nhập đạt 35.578 triệu đồng/năm. Xã đang phấn đấu trong năm 2020 sẽ chuyển đổi thêm 29 ha đất lúa xấu sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao và dự kiến sẽ chú trọng trồng cây đinh lăng - một trong những cây dược liệu đang được ưa chuộng trên thị trường hiện nay.

Thành công mà xã Hợp Lý đạt được trong việc chuyển đổi giống cây trồng trên đất lúa xấu không chỉ giúp người dân tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng mà còn khắc phục được tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên đất đai do trước đó từng có một bộ phận người dân đã từ bỏ “bờ khoai ruộng mật” của mình để đi làm ăn xa.

Vì vậy, để tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, bên cạnh việc duy trì và phát triển diện tích trồng hoa cây cảnh trên địa bàn toàn xã, huyện Triệu Sơn đã có dự án quy hoạch vùng chuyên canh trồng đào trên đất 2 lúa của thôn Đông Thành. Với dự án này, huyện có cơ chế hỗ trợ 20 nghìn đồng/cây đào. Hiện các hộ đã mua đào mạ về trồng trên diện tích đất quy hoạch, trong đó nhiều hộ trồng tới cả ha. Dự kiến đến cuối năm 2020, vựa đào này sẽ cho thu hoạch. Đây là một hướng đi mới nhằm giúp người dân tiện chăm sóc cũng như áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, qua đó đưa thương hiệu đào Hợp Lý ngày càng vươn xa, tạo thuận lợi cho các thương lái và khách hàng ở khắp nơi đến tham quan, đặt hàng vào mỗi độ xuân về.

Mai Vui


Mai Vui

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]