(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Lễ Vu Lan là một ngày lễ trọng đại không thể thiếu được trong hệ thống các hoạt động văn hóa tâm linh nói chung, văn hóa Phật giáo nói riêng. Mùa Vu Lan nơi cửa Phật là dịp để các tăng ni, Phật tử, du khách thập phương thắp hương khấn Phật, tụng kinh cầu siêu, tỏ lòng báo hiếu với ông bà, tổ tiên...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đền chùa mùa Vu Lan

(VH&ĐS) Lễ Vu Lan là một ngày lễ trọng đại không thể thiếu được trong hệ thống các hoạt động văn hóa tâm linh nói chung, văn hóa Phật giáo nói riêng. Mùa Vu Lan nơi cửa Phật là dịp để các tăng ni, Phật tử, du khách thập phương thắp hương khấn Phật, tụng kinh cầu siêu, tỏ lòng báo hiếu với ông bà, tổ tiên...

Ngày 7/8/2016 (tức ngày 5/7 năm Bính Thân) mới đây, chùa Bái Chăm, phường Quảng Hưng (TP Thanh Hóa) đã tổ chức đại lễ Vu Lan Báo hiếu. Nhiều hoạt động ý nghĩa trong ngày này đã được diễn ra với hàng nghìn tăng ni, Phật tử, du khách thập phương về dự. Xúc động, đấy là cảm nhận đầu tiên khi về với đại lễ Vu Lan, một mùa đại lễ của sự báo ân, báo hiếu đối với công ơn dưỡng dục của ông bà, cha mẹ...

Một năm để có một ngày mà ở đó những bậc làm cha, làm mẹ, những đấng sinh thành ở tất cả các khu phố trên địa bàn phường Quảng Hưng đều được các thanh thiếu niên Phật tử cài hoa. Ngày đại lễ, nhà chùa còn tổ chức đêm hoa đăng, đêm văn nghệ múa hát về mẹ hay chèo thuyền Bát Nhã để phả độ cho các vong linh của bách gia trăm họ được về miền cực lạc, sa trốn phiền não, u minh, xa lìa nơi bể khổ... Ngày này, còn là dịp để những người conbày tỏ lòng kính trọng, hiếu thảo đối với cha mẹ mình qua việc làm đầy tính nhân văn, đó là rửa chân cho mẹ, dâng trà cho cha.

Tưng bừng đêm văn nghệ và thả hoa đăng chào mừng Đại lễ Vu Lan - Báo hiếu năm 2016.

Lễ Vu Lan ở chùa, một mùa lễ của cảm xúc và sự chân thành. Nhiều người đã khóc khi chắp tay cầu nguyện trước Phật để cầu cho linh hồn mẹ, linh hồn cha được siêu thoát. Và nhiều giọt nước mắt cũng đã rơi của những đứa con đã đối xử không tốt với chính người thân sinh ra mình. Họ sám hối và mong được sửa những sai lầm.

Ngày lễ Vu Lan, chỉ có ở chùa mới có quy ước về "bông hồng cài áo". Ai còn mẹ cài bông hồng màu đỏ, ai mất mẹ cài bông màu trắng. Anh Trần Mai Long, đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) xúc động: "Tôi thấy thiêng liêng vô cùng khi lên chùa vào ngày này. Một bông hồng trắng cài lên áo tôi, cảm xúc rất khó tả, có gì đó như nghẹn lại. Đã 4 năm, tôi xa mẹ...".

Mùa Vu Lan năm nay, chùa Thanh Hà tổ chức đại lễ vào đúng ngày rằm 15/7. Quản gia Thích Nguyên Hối cho biết, trước đó, đã có rất nhiều các gia đình phật tử, khách thập phương đến để đăng ký cầu siêu cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, các anh hùng liệt sỹ...

Theo nhà nghiên cứu Đỗ Công Định thì: "Không riêng gì với mỗi Phật tử chúng ta, lễ Vu Lan mở ra cả một mùa báo ân, báo hiếu. Báo hiếu ở đây là báo hiếu đối với cha mẹ, không chỉ ở kiếp này mà còn ở nhiều kiếp khác, bởi Phật giáo luôn nhìn nhận con người trong mối tương quan nhân quả, trong vòng nghiệp háo luân hồi. Và cũng chính vì nhìn nhận dưới góc độ đó mà hết thảy mọi chúng sinh trong xã hội đều có mối quan hệ với nhau".

Lên chùa mùa Vu Lan, ngày của người cõi trần nhớ về người cõi âm bằng sự thành kính, thiêng liêng, cũng là ngày của những đứa con may mắn còn cha mẹ bày tỏ lòng biết ơn sinh thành dưỡng dục, cũng là ngày để cho nhiều người trong chúng ta nhận ra hãy sống tử tế hơn với chính người thân của mình, từng ngày, từng giờ, từng phút. Trong khói hương của nhà Phật, trong những bài hát về ơn cha nghĩa mẹ để khắc ghi: "Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ/ Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng Cha".

Thiện Nhân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]