(vhds.baothanhhoa.vn) - Hạ tầng thiếu thốn, thiếu trước, hụt sau, sổ đỏ bị chủ đầu tư cố tình “treo”... đang là những bất cập, hạn chế tại nhiều khu TĐC. Đó cũng là nguyên nhân làm người dân “sợ” TĐC, hoặc một số hộ dọn vào ở thì “tiến thoái lưỡng nan”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đời sống người dân các khu tái định cư bị xem nhẹ (Kỳ 2): Nợ dân trách nhiệm

Hạ tầng thiếu thốn, thiếu trước, hụt sau, sổ đỏ bị chủ đầu tư cố tình “treo”... đang là những bất cập, hạn chế tại nhiều khu TĐC. Đó cũng là nguyên nhân làm người dân “sợ” TĐC, hoặc một số hộ dọn vào ở thì “tiến thoái lưỡng nan”.

“Nghìn lẻ” một lý do

Trở lại với việc nhiều hộ dân ở xã Tân Trường (Tĩnh Gia) mòn mỏi chờ được cấp sổ đỏ, chúng tôi đã liên hệ làm việc với các ngành chức năng của xã, huyện Tĩnh Gia để tìm câu trả lời. Theo đó, lý do mà ông Nguyễn Ngọc Bê, Chủ tịch UBND xã Tân Trường, (Tĩnh Gia), đưa ra là: Theo Quyết định số 2282 ngày 21/8/2006 của UBND tỉnh Thanh Hóa thì địa phương này đã thu hồi hơn 21.400 m2 tại xã Tân Trường để giao cho UBND huyện Tĩnh Gia quản lý xây dựng hạ tầng bố trí khu TĐC cho các hộ dân phải di chuyển để xây dựng Nhà máy Xi măng Công Thanh. Tại quyết định này nói rõ trách nhiệm của UBND huyện Tĩnh Gia trong việc thực hiện đầu tư xây dựng khu TĐC theo quy hoạch và các quy định pháp luật hiện hành. Căn cứ vào đó, tại quy hoạch phân lô số 54 được Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia phê duyệt ngày 7/6/2006 thì mỗi hộ dân có đất bị thu hồi được bố trí diện tích đất ở tại khu TĐC. Theo đó, người dân không lấy tiền bồi thường đất ở mà đối trừ để ra khu TĐC. Việc người dân chưa được cấp sổ đỏ, xã cũng đã báo cáo lên huyện, và Phòng TN&MT đã chuẩn bị hồ sơ nhưng chưa làm nghĩa vụ tài chính. Đó là nguyên nhân các hộ dân không được cấp GCNQSDĐ trong nhiều năm qua.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Bê, hội đồng kiểm kê và chủ đầu tư là Nhà máy Xi măng Công Thanh cần làm rõ tiền đấy bây giờ ở đâu để làm bìa đỏ cho bà con. Nếu nhà máy chưa trả, thì cần phải trả lại cho bà con; cònnếu nhà máy trả rồi thì tiền đó bây giờ ở đâu?

Khi chúng tôi đặt vấn đề với lãnh đạo xã Đông Tân về dự án TĐC chậm triển khai, thì chúng tôi nhận được ông Thiều Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Địa phương chưa nắm được đầy đủ và kịp thời các thông tin liên quan đến khối lượng và tiến độ thực hiện các dự án này. Bởi, địa phương có dự án đứng chân trên địa bàn cũng khó có thể can thiệp sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. Ban đầu thấy chủ đầu tư làm mặt bằng TĐC tương đối nhanh, nhưng thời gian gần đây không hiểu thế nào thấy tiến độ lại chậm đi. Người dân có ý kiến lên xã rất nhiều và chúng tôi cũng báo cáo lên thành phố. Hiện người dân đang rất mong dự án mặt bằng TĐC sớm hoàn thiện để xây dựng nhà cửa, ổn định lại cuộc sống”.

Mặc dù đã phải chờ từ rất lâu, thế nhưng đến nay người dân ở xã Đông Tân (TP Thanh Hóa) vẫn chưa có câu trả lời chính xác cho việc khi nào hoàn thiện dự án này?

Còn theo lý giải của ông Nguyễn Thanh Tuấn - Trưởng phòng Giải phóng mặt bằng (Ban Giải phóng mặt bằng và Tái định cư TP Thanh Hóa) thì: Sự chậm trễ trong việc triển khai Dự án TĐC cho các hộ dân ở xã Quảng Thịnh và Đông Tân là do khi thực hiện dự án chưa có mặt bằng TĐC, do đó phải chờ thời gian để đề xuất lên tỉnh. Từ đó, đến nay phía nhà thầu cũng đã có hỗ trợ cho người dân thuộc diện TĐC của hai xã với mức 24 triệu/12 tháng. Hiện tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo nhà thầu thi công đến 30/9 là hoàn thiện để đảm bảo tiến độ cũng như ổn định đời sống cho người dân.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Sự chậm trễ này có phần nguyên nhân từ năng lực, trách nhiệm của các nhà đầu tư trong việc phối hợp với chính quyền địa phương để GPMB. Song, không thể phủ nhận phần trách nhiệm của một số địa phương khi chưa tập trung và thực sự quyết liệt trong thực hiện GPMB. Cùng với đó là sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong nắm bắt và giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai các dự án...

Luật Đất đai năm 2013 quy định, khu TĐC dự án tập trung phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng. Thế nhưng, nhiều khu TĐC chủ đầu tư thực hiện theo kiểu... đem con bỏ chợ. Phải chăng các địa phương vì muốn có nguồn thu nên chăm chú vào khai thác quỹ đất, nên thiếu mặn mà xây dựng khu TĐC đảm bảo chất lượng.

Điều 35, Nghị định 197/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và TĐC khi Nhà nước thu hồi đất, quy định: Trước khi bố trí đất cho hộ gia đình, cá nhân, khu TĐC phải được xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ bảo đảm đủ điều kiện cho người sử dụng tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Tuy nhiên, dường như quy định này chưa có hiệu lực đối với Dự án TĐC đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa, cũng như một số dự án khác tại một số xã, huyện như Tân Trường (Tĩnh Gia), phường Quảng Vinh, phường Quảng Châu (TP Sầm Sơn)...

Điều đó, cũng dễ thấy khi vừa qua, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa có kết luận thanh tra trách nhiệm trong việc chỉ đạo, thực hiện GPMB đối với 18 dự án trên địa bàn các huyện Hoằng Hóa, Đông Sơn, Thiệu Hóa (Thanh Hóa). Hầu hết các dự án này đều mắc sai phạm. Tại huyện Hoằng Hóa, cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra 7 dự án. Kết quả thanh tra cho thấy, 5/7 dự án chưa xây dựng kế hoạch, thời gian, tiến độ thực hiện công tác GPMB; 4/7 dự án chưa ký cam kết tiến độ GPMB và 6/7 dự án chưa ký cam kết đảm bảo vốn chi trả bồi thường GPMB; 3/7 dự án chậm tiến độ GPMB, 5/7 dự án chậm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ TĐC. Tính đến thời điểm cơ quan chức năng thanh tra, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ, TĐC chưa chi trả cho các đối tượng bị ảnh hưởng là 99.658.537.760 đồng, trong đó, vốn ngân sách huyện là 33.500.227.670 đồng, vốn ngân sách xã, thị trấn 11.132.063.665 đồng và vốn Công ty CP Tập đoàn FLC 55.026.246.425 đồng.

TĐC hiện nay gần như là một bài toán chưa có hướng giải quyết thấu đáo. Theo quy định, việc lập dự án và đầu tư xây dựng khu TĐC, được UBND tỉnh giao cho UBND cấp huyện thực hiện, trong đó hợp phần TĐC phải xây dựng trước khi quyết định thực hiện dự án. Vậy nhưng, nhiều dự án khá bị động và chưa được các địa phương quan tâm đúng mức, thậm chí thực hiện theo quy trình ngược: GPMB trước, TĐC sau. Điều này dẫn đến việc người dân phải thuê chỗ ở kéo dài, đời sống bị xáo trộn.

Theo ý kiến nhiều lãnh đạo các địa phương, việc quy hoạch, xây dựng các khu TĐC đến nay là chưa phù hợp với tình hình thực tế. Và thực tế cũng đã phát sinh những vấn đề mới, phức tạp trong quá trình triển khai GPMB, bồi thường, TĐC. Trong khi đó, các cơ chế, chính sách trên lĩnh vực này vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Nhất là việc qui hoạch và xây dựng các khu TĐC chưa đa dạng về giá, về diện tích, chưa phù hợp với điều kiện nghề nghiệp hiện tại của người dân nông thôn.

Người dân đã đồng thuận, vậy tại sao những gì họ nhận được lại chưa như kỳ vọng. Hơn lúc nào hết, người dân đang rất cần câu trả lời từ phía các cơ quan ban, ngành có liên quan?

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]