(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm qua, công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của tỉnh Thanh Hóa đạt được những kết quả quan trọng. Đặc biệt là việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 21 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới. Nhân ngày Dân số Việt Nam (26/12) và chào Xuân Canh Tý 2020, phóng viên Báo VH&ĐS có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thắng - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Thanh Hóa xoay quanh nội dung trên.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đồng hành cùng sự nghiệp Dân số và Phát triển vì sự phồn vinh của đất nước

Những năm qua, công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của tỉnh Thanh Hóa đạt được những kết quả quan trọng. Đặc biệt là việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 21 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới. Nhân ngày Dân số Việt Nam (26/12) và chào Xuân Canh Tý 2020, phóng viên Báo VH&ĐS có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thắng - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Thanh Hóa xoay quanh nội dung trên.

Ông Nguyễn Văn Thắng - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Thanh Hóatriển khai tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ.

PV: Xin ông cho biết một số kết quả đạt được trong công tác DS-KHHGĐ tỉnh Thanh Hóa những năm gần đây? Đặc biệt, sau khi sáp nhập trung tâm DS-KHHGĐ với trung tâm y tế cấp huyện, công tác dân số có những thuận lợi, khó khăn nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thắng: Có thể khẳng định, trong những năm qua, công tác DS-KHHGĐ luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban, ngành đoàn thể, sự chỉ đạo sát sao của Tổng cục DS - KHHGĐ và Sở Y tế Thanh Hóa. Công tác truyền thông được chú trọng, bằng nhiều hình thức khác nhau đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích góp phần không nhỏ trong việc thay đổi nhận thức của người dân bảo vệ sức khỏe sinh sản, tư vấn cho trẻ vị thành niên, thanh niên, người cao tuổi, sàng lọc trước sinh, sơ sinh, nâng cao chất lượng dân số...

Kết quả đạt được trong công tác DS-KHHGĐ được thể hiện rõ nhất về quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số. Thanh Hóa hiện đứng thứ 3 toàn quốc về quy mô dân số, với 3.645.122 người. Dân số trong độ tuổi lao động chiếm 65,2%. Như vậy là Thanh Hóa đang nằm trong thời kỳ “dân số vàng”, nếu sử dụng hợp lý sẽ là một cơ hội lớn cho công cuộc phát triển kinh tế của tỉnh. Các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dân số nhất là hoạt động sàng lọc trước sinh và sơ sinh được chú trọng; vấn đề chăm sóc người cao tuổi về tinh thần và sức khỏe tại cộng đồng được quan tâm; mô hình khám sức khỏe và tư vấn tiền hôn nhân đã nhận được sự quan tâm ủng hộ của các cấp lãnh đạo, các bậc cha mẹ, vị thành niên, thanh niên. Đặc biệt, năm 2019 mặc dù có sự thay đổi về mặt tổ chức và thiếu nguồn lực nhưng ngành dân số đã đạt được kết quả quan trọng như: 100% số xã, phường, thị trấn được tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân số và phát triển; chỉ tiêu giảm sinh đạt kế hoạch Trung ương giao là 0,1‰; tỷ suất tăng dân số tự nhiên 8‰; 35% số bà mẹ mang thai và 61% số trẻ em sinh ra được sàng lọc; tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai 75,3%. Tỷ số giới tính khi sinh là 115 bé trai/100 bé gái (giảm 1 điểm phần trăm so với năm 2018).

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác DS-KHHGĐ cũng đứng trước những khó khăn, thách thức. Trong đó, mô hình tổ chức hoạt động công tác dân số thay đổi nhiều lần trong những năm gần đây. Đặc biệt, tháng 6/2019 Thanh Hóa đã thực hiện sáp nhập xong trung tâm DS-KHHGĐ vào trung tâm y tế huyện. Hệ thống bộ máy DS-KHHGĐ thiếu ổn định, chưa đồng bộ từ tỉnh đến xã, nên gặp nhiều khăn trong việc quản lý, chỉ đạo và điều hành khi triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số khi chuyển từ cơ chế quản lý thực hiện theo Quyết định 1125/QĐ-TTg và Thông tư số 26/2018/TT-BTC; một số nhiệm vụ chi chuyển về địa phương đảm bảo và cân đối song do nguồn thu của tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa đủ cân đối chi nên việc đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ rất hạn chế. Từ tháng 1/2019 nhiệm vụ của công tác dân số do cộng tác viên dân số đảm nhiệm được chuyển sang cho y tế thôn bản thực hiện, nhưng hiện tại ở những địa bàn không có nhân viêny tế (phường, thị trấn) và tại các thôn của địa bàn Đề án 52 có từ 250 hộ trở lên, thôn thuộc địa bàn khó khăn có từ 160 hộ trở lên, thôn thuộc các địa bàn còn lại có từ 370 hộ trở lên vẫnchưa được bổ sung các cộng tác viên để thực hiện nhiệm vụ vềcông tác dân số, với số lượng dự tính là 1.126 người;nên ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thực hiện công tác dân số tại cơ sở, như công tác thu thập thông tin, tư vấn vận động và tuyên truyền tại địa bàn...

Một tiết mục trong Hội thi tìm hiểu sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên của huyện Hoằng Hóa.

PV: Ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 21 về công tác dân số trong tình hình mới. Nghị quyết này chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Để nghị quyết đi vào cuộc sống, Thanh Hóa đề ra giải pháp cụ thể như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thắng: Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài. Nâng cao chất lượng dân số chính là góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững. Mặc dù chính sách dân số chuyển trọng tâm từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển song tư tưởng đông con, nhiều của, phải có con trai nối dõi tông đường vẫn còn rất nặng nề trong một bộ phận quần chúng nhân dân. Có thể nói, Nghị quyết 21 được xem là bước ngoặt và mang tính quyết định mạnh mẽ của công tác dân số trong tình hình mới. Mục tiêu là giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển KT-XH. Để nghị quyết đi vào cuộc sống, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch hành động số 105 ngày 8/8/2018 về thực hiện Nghị quyết số 21 của BCH Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới và UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch số 201 ngày 11/12/2018 về triển khai kế hoạch hành động số 105 của Tỉnh ủy Thanh Hóa. Tỉnh đã đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và phân công trách nhiệm cho các sở, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện, đó là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số; hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về dân số; phát triển mạng lưới về nâng cao chất lượng dịch vụ dân số; kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số.

6 giải pháp cụ thể nêu trên nhằm tập trung giải quyết 6 vấn đề chính trong công tác dân số đó là: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, phấn đấu duy trì cơ cấu tuổi của dân số ở mức hợp lý; tận dụng hiệu quả cơ cấu “dân số vàng”, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước nhanh, bền vững; thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; phân bố dân số hợp lý, đảm bảo hài hòa các quyền và nghĩa vụ của người di cư, tạo thuận lợi cho phát triển KT-XH, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm QP-AN; nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần, tạo nền tảng cho sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Có thể nói, nhờ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, đã và đang góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của cấp ủy chính quyền và các tầng lớp nhân dân đối với công tác dân số trong tình hình mới.

PV: Ngày Dân số Việt Nam (26/12) năm nay có chủ đề là “Đồng hành cùng sự nghiệp Dân số và Phát triển vì sự phồn vinh của đất nước”, ngành DS-KHHGĐ Thanh Hóa đã và đang triển khai công tác tuyên truyền như thế nào, thưa ông?Năm 2020 là năm Thanh Hóa về đích trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, vậy ngành Dân số Thanh Hóa đã đề ra phương hướng, giải pháp nào hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm này?

Ông Nguyễn Văn Thắng: Thực hiện Công văn số 822 ngày 12/11/2019 của Tổng cục DS - KHHGĐ về việc hướng dẫn hoạt động truyền thông hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thanh Hóa hướng dẫn trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức, triển khai các hoạt động truyền thông hưởng ứng. Trong đó, với các hoạt động chủ yếu như truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; triển khai các loại hình cung cấp dịch vụ; tập huấn cung cấp thông tin cho đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên dân số về các nội dung theo tinh thần các nghị quyết, kế hoạch của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa, nhất là Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Tổ chức nhân bản và cấp phát các sản phẩm truyền thông, tư vấn về dân số, sức khỏe sinh sản, KHHGĐ; chăm sóc người cao tuổi; chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/ thanh niên... Qua đó, góp phần tuyên truyền vận động tạo sự thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về chuyển trọng tâm chính sách từ tập trung vào KHHGĐ sang giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số và phân bố dân cư trong mối quan hệ với phát triển KT-XH, bảo đảm AN-QP.

Đối với phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, mục tiêu chung của ngành DS-KHHGĐ Thanh Hóa là chủ động duy trì mức sinh thấp hợp lý, giảm chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và sự phát triển nhanh, bền vững. Đồng thời đề ra một số giải pháp cụ thể như sau:

Một là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, nâng cao trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp của các ngành, đoàn thể và tổ chức xã hội. Lồng ghép nội dung công tác dân số và phát triển vào kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương.

Hai là: Tiếp tục kiện toàn, ổn định tổ chức bộ máy làm công tác dân số ở cấp xã và cộng tác viên dân số, y tế thôn đảm bảo thống nhất, đủ mạnh để thực hiện các nhiệm vụ về dân số và phát triển. Nâng cao năng lực hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện công tác dân số và phát triển cấp tỉnh, huyện, xã; của các ngành thành viên, huy động toàn hệ thống chính trị tham gia công tác dân số.

Ba là: Truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi. Phân vùng theo mức sinh, theo tỷ số giới tính khi sinh và theo chất lượng dân số để có nội dung và hình thức truyền thông phù hợp. Triển khai các chương trình truyền thông đặc thù về KHHGĐ cho nhóm đối tượng đặc thù như: Vùng biển, vùng công giáo, vùng núi và vùng dân tộc thiểu số; cung cấp các dịch vụ DS-KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số.

Bốn là: Giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến cơ cấu dân số; nâng cao chất lượng thu thập, cập nhật, thẩm định thông tin số liệu nhằm bảo đảm độ tin cậy thông qua việc tập huấn nghiệp vụ, kiểm tra, giám sát và hướng dẫn của các cấp; tổ chức tốt việc xử lý và cung cấp thông tin số liệu DS-KHHGĐ phục vụ yêu cầu quản lý và điều hành ở từng cấp.

PV: Xin cảm ơn ông! Chúc ông sức khỏe và thành công.

Ngọc Huấn


Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]