(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) 20 người chết và mất tích; hơn 17 nghìn ngôi nhà bị ngập sâu trong nước; nhiều tuyến đê bị vỡ, sạt lở nghiêm trọng; cả chục nghìn hộ dân phải di tản; nhiều bản làng vùng sâu, vùng xa bị lũ chia cắt với trung tâm… Các cấp ủy, chính quyền và người dân Thanh Hóa đang phải gồng mình đi qua cơn lũ dữ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gồng mình trong lũ dữ

(VH&ĐS) 20 người chết và mất tích; hơn 17 nghìn ngôi nhà bị ngập sâu trong nước; nhiều tuyến đê bị vỡ, sạt lở nghiêm trọng; cả chục nghìn hộ dân phải di tản; nhiều bản làng vùng sâu, vùng xa bị lũ chia cắt với trung tâm… Các cấp ủy, chính quyền và người dân Thanh Hóa đang phải gồng mình đi qua cơn lũ dữ.

Chạy lũ… trong đêm!

Trên chiếc xuồng máy vượt qua những dòng nước lũ, bà Bùi Thị Mười - Bí thư Huyện ủy Thạch Thành dù mệt mỏi nhưng vẫn nỗ lực mang từng thùng mì tôm, nước uống đến cứu trợ khẩn cấp bà con nhân dân các xã Thạch Kim, Thạch Định, Thành Tân,... Bà Mười cho biết: “Mình chủ động được phương tiện đi lại, chứ bà con thì bị cô lập hoàn toàn. Mình không mang nước uống, đồ ăn đến cho bà con thì ai mang trọng trách giúp mình! Đoàn viện trợ mỗi gia đình 1 thùng mỳ tôm, nước uống, lương khô, đảm bảo người dân không bị đói”.

Bà Bùi Thị Mười - Bí thư Huyện ủy Thạch Thành cứu trợ lương thực, thực phẩm cho bà con di tản.

Được biết, lực lượng cứu hộ huyện Thạch Thành đã tăng cường tuần tra giúp dân, huyện đã thành lập 5 đoàn công tác gồm các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực Huyện ủy, UBND huyện, các ngành đoàn thể đến nơi có lũ để cứu trợ người dân. Công tác y tế cũng được trực ban thường xuyên,…

Từ 18 giờ 30 phút ngày 11/10, mực nước sông Bưởi dâng cao, tràn qua đê gây ngập sâu các khu dân cư. Ngay sau khi nước sông Bưởi tràn qua đê, UBND huyện Thạch Thành đã lập tức huy động 2 trung đội dân quân của xã Thạch Sơn, Thạch Bình đến xã Thạch Định để tương trợ, giúp dân sơ tán trong đêm đến nơi an toàn. 10 năm sau trận lũ lịch sử 2007, người dân các xã Thạch Định, Thạch Tân, Thành Kim… lại lo lắng, hốt hoảng tay xách nách mang đồ đạc chạy lũ dữ trong đêm. Ông Phạm Văn Toàn, xã Thạch Định vừa dìu mẹ già vừa hớt hải nói: “Chạy thôi. Nước sông vẫn không ngừng dâng cao, nếu vỡ đê như 10 năm trước thì trở tay không kịp. Cũng may, có sự trợ giúp kịp thời của các lực lượng chức năng, bà con chúng tôi cùng đồ đạc được di chuyển đến nơi an toàn!”.

22 giờ đêm ngày 11/10, nước sông Bưởi vẫn tiếp tục dâng cao, trên đường phố thị trấn Kim Tân hàng chục chuyến xe tải, cả trăm con người vẫn đang gồng mình vận chuyển đồ đoàn. Nhiều cụ già, trẻ nhỏ được các lực lượng chức năng cõng đến nơi an toàn.

Đến chiều 12/10, huyện Thạch Thành đã di dời 3.748 hộ dân (trong đó, nặng nhất là xã Thạch Định là 495 hộ, Thành Vinh 659 hộ, Thành Mỹ 444 hộ, Thành Trực 445 hộ…) với 16.839 nhân khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm. Có 4.155 căn nhà bị ngập, tất cả các hồ đập đều đã bị tràn từ 0,2m đến 1,8m; 460ha lúa, 775ha hoa màu bị ngập úng...

Lực lượng chức năng huyện Nông Cống tham gia cứu đê hữu sông Hoàng (đoạn qua xã Tế Nông bị vỡ).

Tại huyện Thọ Xuân, lưu lượng nước sông Chu đoạn chảy qua địa phận xã Thọ Trường đột ngột dâng cao đã làm sạt lở 87m đê tả sông Chu. Toàn bộ nhân lực, vật lực từ các đơn vị chức năng cũng như địa phương được huy động “cứu đê” ngay trong đêm 10/10. Nghiêm trọng hơn, tuyến kênh bị vỡ dài hơn 30m thuộc địa phận xã Xuân Thiên gây ngập lụt và cô lập toàn bộ thôn Đồng Cổ. UBND huyện đã cử lực lượng chức năng trực tiếp bám sát địa bàn các xã, triển khai khẩn trương các biện pháp bảo vệ dân vùng bị cô lập, chuẩn bị lương thực hậu cần ứng cứu khi cần thiết. Đến 17 giờ chiều 12/10, huyện Thọ Xuân đã di dời 3.415 hộ dân, tập trung ở các xã: Xuân Hòa, Xuân Thiên, Xuân Yên, Thọ Diên, Thọ Hải và Quảng Phú. Làm việc với huyện Thọ Xuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Văn Tuấn yêu cầu UBND huyện tiếp tục khẩn trương công tác ứng phó, khắc phục và gia cố những điểm sạt lở đê tả sông Chu,…

Rạng sáng 10/10, một đoạn lớn đê hữu sông Hoàng đã bị vỡ, nước lũ nhanh khiến cho hơn 100 hộ dân thôn Tế Độ 2, xã Tế Nông, huyện Nông Cống bị ngập trong nước. Sau gần 10 giờ đồng hồ “cứu” đê, đến 11h30 phút cùng ngày, đoạn đê bị vỡ đã được trám vá tạm thời. Để đảm bảo an toàn trong những ngày mưa lũ, dân quân tự vệ của xã, công an huyện túc trực 24/24 giờ, đề phòng nước lũ sông Hoàng tiếp tục dâng cao.

Cứu trợ khẩn cấp

Tại huyện Lang Chánh, từ sáng 10/10 toàn bộ các tuyến giao thông chính tại các xã, thôn, bản đều đã bị chia cắt, cô lập. Mưa lũ đã làm nhiều nhà dân bị ngập, 2 nhà bị cuốn trôi, 9 nhà bị sập, hư hỏng do sạt lở... Đặc biệt, mưa lũ đã khiến cho 2 cán bộ Đồn Biên phòng Yên Khương bị cuốn trôi trên đường làm nhiệm vụ trở về khi qua đập tràn bản Buôn, (xã Yên Khương). Mặc dù, lực lượng chức năng cùng nhân dân nỗ lực phối hợp tìm kiếm dọc hai bên bờ suối kéo dài hàng chục kilomet nhưng do nước lớn, lũ lên cao khiến công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn nên đến trưa 13/10 vẫn chưa có kết quả.

Nhiều làng mạc ở Thạch Thành chìm trong biển nước.

Mưa lũ cũng gây thiệt hại to lớn về người, tài sản tại huyện Thường Xuân. Đến hết ngày 12/10, huyện có 5 người chết, 2 người mất tích và 4 người bị thương. Toàn bộ cây trồng vụ đông bị ngập; cầu Cửa Đạt bị xói lở hai đầu; mái sông bị sạt lở; Quốc lộ 47, tỉnh lộ 519A và 519B bị sạt lở ta luy đường, chia cắt nhiều đoạn. Cầu treo Thanh Xuân, xã Xuân Cẩm bị đứt dây cáp thăng bằng; cầu dân sinh thôn Nhồng xã Vạn Xuân bị nước cuốn gãy. Toàn huyện có 1.825 hộ dân ở các xã Lương Sơn, Yên Nhân, Bát Mọt, Luận Khê, Luận Thành và Thọ Thanh bị cô lập… Sau khi kiểm tra công tác ứng phó, khắc phục với mưa lũ tại huyện Thường Xuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Anh Tuấn yêu cầu UBND huyện Thường Xuân và Sở GT-VT phải huy động lực lượng, phương tiện, khắc phục ngay các điểm bị sạt lở, bồi lấp theo phương châm “4 tại chỗ”, sau khi tạnh ráo sẽ huy động mọi phương tiện để khắc phục, đảm bảo giao thông thông suốt. Đối với các thôn, xã bị chia cắt UBND huyện cung cấp lương thực, nước uống, tuyệt đối không để người dân bị đói rét…

Đến trưa ngày 13/10 theo ghi nhận của phóng viên, trời đã ngừng mưa, lũ trên một số tuyến sông đã có dấu hiệu rút dần nhưng chậm. Tại một số huyện như Nông Cống, Hà Trung, Thạch Thành, Lang Chánh, Quan Sơn,… vẫn bị chia cắt cục bộ. Nhiều làng mạc bị ngập nước, hàng chục nghìn người dân vẫn đang phải sơ tán. Công tác cứu trợ, cứu hộ, cứu nạn vẫn đang được các lực lượng chức năng tích cực triển khai. Để kịp thời cứu trợ về lương thực, thực phẩm, nước uống, các đơn vị, các ngành đoàn thể, bất chấp mọi khó khăn đã thể hiện tấm lòng “tương thân tương ái” cùng nhau hỗ trợ đồng bào vùng lũ. Được biết, từ nguồn quỹ cứu trợ của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, gần 8.000 thùng mì tôm, 2.778 chai nước khoáng cỡ lớn được chuyển đến nhân dân vùng lũ các huyện Nông Cống, Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Yên Định, Thạch Thành, Vĩnh Lộc, Hà Trung... Riêng tại Nông Cống, Đoàn đã đến thăm hỏi, động viên, trao hàng cứu trợ cho các hộ dân tại thôn Kén. Mỗi suất trị giá 500.000 đồng tiền mặt và 1 thùng mì tôm, 1 túi quà. Bên cạnh đó, Hội CTĐ tỉnh tổ chức tiếp nhận sự ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân cho nhân dân vùng lũ.

Đình Giang

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN Thanh Hóa: Tính đến thời điểm 17h ngày 14/10, mưa lũ trên địa bàn tỉnh đã làm 15 người thiệt mạng, 5 người bị thương, 5 người vẫn còn mất tích. Toàn tỉnh có 26.754 ngôi nhà bị ngập, 49 nhà bị thiệt hại hoàn toàn; hơn 1.112 ha lúa bị ngập, 85,45 ha lúa bị cuốn trôi; hơn 6.000 ha ngô, 1.900 ha mía, 11.338 ha hoa màu, 410 ha cây lâu năm... bị thiệt hại.

Mưa lũ cũng cuốn trôi 5.180 con gia súc, 175.000 con gia cầm, gây ngập lụt 747 trang trại. Bên cạnh đó, nước lũ dâng nhanh, chảy xiết đã làm sạt lở 25 đập, tràn thủy lợi, vỡ 24 đập thủy lợi nhỏ, hư hỏng 19 trạm bơm, sạt lở trên 10.000m kênh mương. Nhiều tuyến quốc lộ như: 217B, 15, 15C, 16, 217, 47, các tuyến đường tỉnh 521C, 521E, 519B..., nhiều tuyến đường huyện, đường tuần tra biên giới bị sạt lở, hư hỏng, gây ách tắc cục bộ.

Doãn Tài



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]