(vhds.baothanhhoa.vn) - Thực ra câu chuyện về hai chữ “Quyết Thắng” được tạc vào sườn núi Cánh Tiên khu vực Hàm Rồng lịch sử, tôi định viết từ lâu, nhưng vì nhiều lý do nên xuân này mới được hầu bạn đọc! Đây là câu chuyện hậu chiến tranh và diễn ra trong điều kiện đất nước trong thời lỳ bao cấp đầy rẫy khó khăn, chuyện ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm còn đâu nghĩ đến việc này việc khác…

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hai chữ “Quyết Thắng” trên núi Cánh Tiên Hàm Rồng: Chuyện xuân này mới kể

Thực ra câu chuyện về hai chữ “Quyết Thắng” được tạc vào sườn núi Cánh Tiên khu vực Hàm Rồng lịch sử, tôi định viết từ lâu, nhưng vì nhiều lý do nên xuân này mới được hầu bạn đọc! Đây là câu chuyện hậu chiến tranh và diễn ra trong điều kiện đất nước trong thời lỳ bao cấp đầy rẫy khó khăn, chuyện ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm còn đâu nghĩ đến việc này việc khác…

Hai chữ Quyết Thắng sau khi xây dựng lại.

Mỗi lần thăm lại mảnh đất Hàm Rồng lịch sử, tôi chắc trong mỗi người con xứ Thanh nhất là thế hệ đã đi qua chiến tranh, không khỏi bồi hồi xúc động. Bởi, khu vực Hàm Rồng từ ngàn xưa đã là cái nôi của di tích, danh lam thắng cảnh và chứa đựng biết bao huyền thoại trong quá trình dựng nước và giữ nước. Hàm Rồng, một thắng tích nổi tiếng, nơi đây sông núi ruộng đồng, xóm làng, phố xá hòa quyện đan xen vào nhau, tạo thành cảnh quan kỳ vĩ rất sinh động với nhiều di tích lịch sử, văn hóa cách mạng còn sống mãi với thời gian…Tất cả những di tích danh thắng ấy góp phần hun đúc khí phách của người dân xứ Thanh vừa nhân văn chung thủy, vừa kiên trung rực lửa với khí phách anh hùng!

Chả thế mà ngay trong những ngày đầu chống chiến tranh phá hoại ra miền Bắc của giặc Mỹ, cầu Hàm Rồng là trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay địch. Dưới đất và trên bầu trời Hàm Rồng vào hai ngày 3 và 4 tháng 4 năm 1965 lưới lửa phòng không của quân dân Hàm Rồng Nam Ngạn đã bắn tan xác 47 máy bay hiện đại của kẻ thù.

Bom rơi, đạn nổ, sức công phá quá ác liệt của bom đạn kẻ thù hòng khuất phục quân dân Hàm Rồng Nam Ngạn nói riêng Thanh Hóa nói chung. Nhưng, càng khốc liệt bao nhiêu tinh thần yêu nước, khí phách anh hùng của quân dân nơi đây càng được nhân lên gấp bội, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Sức mạnh đó được biểu thị bằng hai chữ Quyết Thắng tạc vào sườn núi Cánh Tiên trải qua cả ngàn ngày vừa chiến đấu vừa góp nhặt từng viên đá dựng xây.

Thời gian trôi đi, chiến tranh lùi xa, đất nước lại trải qua những tháng năm bao cấp, kinh tế nghèo nàn, đời sống nhân dân hết sức khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa có lúc phải chạy ăn từng bữa mà đỉnh cao là những năm 80 của thế kỷ trước. Thêm vào đó thiên tai, bão lũ thường xuyên tàn phá để lại hậu quả hết sức nặng nề. Các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, các công trình văn hóa phục vụ đời sống tinh thần cũng bị hư hỏng nặng nề, hai chữ Quyết Thắng trên sườn núi Cánh Tiên bị thời gian và thiên tai tàn phá gần như không còn gì. Núi Cánh Tiên chỉ còn lại cỏ cây rậm rạp không ai còn nhìn thấy hai chữ Quyết Thắng đâu nữa!

Chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 25 năm Hàm Rồng chiến thắng (1990), một trong những hạng mục là hai chữ Quyết Thắng phải phục dựng lại để minh chứng hùng hồn cho hào khí một thời đánh giặc ngoại xâm của quân dân Thanh Hóa. Các ngành, các cấp, các huyện thị nhất là thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa) được phân công công việc cụ thể. Riêng hai chữ Quyết Thắng, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa giao cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đảm nhận với phần kinh phí chi cho hạng mục này chỉ có 23 triệu đồng.

Một cơ quan chuyên làm nhiệm vụ phong trào vận động quần chúng, giờ đây nhận nhiệm vụ trùng tu đúng hơn là xây lại hai chữ Quyết Thắng trên núi Cánh Tiên là công việc không hề đơn giản. Những ngày của quý 3 đầu quý 4/1989, Ban thường vụ tỉnh đoàn họp nhiều lần bàn kế hoạch thực hiện và cuối cùng giao cho tôi (người viết bài báo này) lúc đó là Thường vụ, Trưởng ban tuyên huấn tỉnh đoàn Thanh Hóa làm tổng chỉ huy công trình. Nói là tổng chỉ huy cho “oách” thực ra là chịu trách nhiệm trước ban thường vụ về việc đôn đốc cập nhật tiến độ xây dựng để báo cáo thường vụ. Ban thường vụ Tỉnh đoàn cũng quyết định giao cho Đội xây dựng 26/3 thuộc Công ty xây dựng 1, nay là Tổng công ty xây dựng Thanh Hóa - Công ty CP do ông Hoàng Văn Tuấn, chuyên trách tỉnh đoàn, Bí thư đoàn công ty, Đội trưởng đội xây dựng 26/3 thi công. Yêu cầu đặt ra là phải xây dựng lại hai chữ Quyết Thắng phải đúng phom chữ, đúng kích cỡ ngày xưa quân dân Hàm Rồng đã dựng lên trên vách núi Cánh Tiên.

Ông Hoàng Văn Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Phó tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Thanh Hóa, nguyên Đội trưởng đội xây dựng 26/3.

Tôi còn nhớ mãi buổi gặp gỡ làm việc và giao nhiệm vụ cho Đội xây dựng 26/3 vào khoảng tháng 11/1989, Bí thư tỉnh đoàn Thanh Hóa Nguyễn Văn Bảo nói: Đây là nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vinh quang vì các bạn trong đội xây dựng 26/3, cũng như thế hệ trẻ tỉnh nhà tiếp bước truyền thống của cha anh đi trước phục dựng lại một trong những biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng hai chữ Quyết Thắng mà lớp lớp cha anh đã dựng xây trong mưa bom bão đạn. Bí thư Tỉnh đoàn cũng không quên nhắn nhủ anh Hoàng Văn Tuấn đội trưởng: Bất luận trong trường hợp nào công trình cũng phải hoàn thành trước ngày kỷ niệm 3-4/4/1990 để kịp hòa chung vào các hoạt động chào mừng kỷ niệm 25 năm Hàm Rồng chiến thắng (3-4/4/1965- 3-4/4/1990).

Có thể nói, mặc dù công trình phục dựng lại hai chữ quyết thắng không lớn nhưng diễn ra ở địa hình hết sức phức tạp và khó khăn. Sườn núi Cánh Tiên nơi thi công hai chữ quyết thắng dốc khoảng 45 độ, toàn bộ hàng trăm khối đá bị thời gian và thiên tai tàn phá hầu như không còn là bao. Khảo sát thực địa chúng tôi càng bị bất ngờ trước dấu vết còn lại của hai chữ Quyết Thắng. Xác định chuẩn dấu vết còn lại đo đếm cẩn thận tỉ mỉ thì khối lượng đá các loại được quân dân Hàm Rồng xếp thành chữ quyết thắng qua tính toán trên dưới 500m3. Cứ tưởng nét chữ, chiều rộng chiều dài và độ cao từ mặt sườn núi Cánh Tiên thẳng lên cũng bình thường thôi. Ai dè căng thước đo trên dấu tích còn lại thì mỗi nét chữ có chiều rộng 2m, chiều dài 10m và dầy 1m. Chiều dài toàn bộ hai chữ quyết thắng trên 100m…

Bắt tay vào thi công lại càng thấy khó khăn chồng chất. Nếu không khai thác đá tại chỗ, tận dụng đá ở khu vực núi Cánh Tiên mà vận chuyển từ dưới cân núi lên thì vô cùng vất vả và tiến độ thi công không đáp ứng thời gian đề ra. Rồi cơm nước phục vụ cho 40 đội viên của Đội xây dựng 26/3, nước cho đánh hồ để xây lắp, công tác an toàn lao động khi khai thác, tận dụng đá phải leo ngược dốc trong điều kiện thời tiết không thuận lợi mua phùn gió bấc…tất cả đều được tính toán chu đáo. Trong quá trình thi công, đội xây dựng 26/3 nhận được sự chi viện hết sức nhiệt tình của cán bộ nhân viên của trạm phát sóng thuộc Đài PT TH Thanh Hóa thường trực trên đỉnh núi Cánh Tiên.

Vượt lên tất cả khó khăn gian khổ, bằng sức mạnh của tuổi trẻ, với sự lao động hăng say, kiên trì, sáng tạo hai chữ Quyết Thắng được trùng tu xây dựng lại với gần 500m3 đá sừng sừng hiên ngang trên đỉnh núi Cánh Tiên đúng vào dịp kỷ niệm 25 năm Hàm Rồng chiến thắng. Biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng một lần nữa lay động niềm tự hào và xúc động của các thế hệ không chỉ người dân xứ Thanh. Đồng thời truyền cảm hứng lan tỏa cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Còn tôi người viết bài báo này, 30 năm trước là một trong những người trực tiếp nhận lệnh cùng với những chàng trai cô gái tuổi mới đôi mươi trong đội hình Đội xây dựng 26/3 do anh Hoàng Văn Tuấn trực tiếp chỉ huy xây dựng lại hai chữ Quyết Thắng càng bồi hồi xúc động mỗi lần nhắc đến Hàm Rồng, mỗi lần nhìn thấy hai chữ quyết thắng hiên ngang còn đó. Tôi cứ miên man liên tưởng có lẽ khí phách hiên ngang, tinh thần quyết thắng năm xưa đã truyền lửa cho thế hệ bây giờ làm nên những kỳ tích trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh nên đón xuân Kỷ Hợi năm nay với những dấu ấn đậm nét trong năm 2018. Xứ Thanh đang bước vào mùa xuân mới với thế và lực mới…

Cao Ngọ


Cao Ngọ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]