(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Tôi gọi chuyến đi của 209 cựu Thanh niên xung phong (TNXP) Thanh Hóa trở lại chiến trường Quảng Bình một thời hoa lửa là “cuộc hành trình ngày trở lại”. Hơn 40 năm, những mái đầu bạc 70, 80, thậm chí 90 tuổi vẫn tề tựu khí thế trong lần trở lại chiến trường xưa, được thắp nén tâm nhang bên mộ phần những đồng đội đã ngã xuống của mình.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hành trình ngày trở lại!

(VH&ĐS) Tôi gọi chuyến đi của 209 cựu Thanh niên xung phong (TNXP) Thanh Hóa trở lại chiến trường Quảng Bình một thời hoa lửa là “cuộc hành trình ngày trở lại”. Hơn 40 năm, những mái đầu bạc 70, 80, thậm chí 90 tuổi vẫn tề tựu khí thế trong lần trở lại chiến trường xưa, được thắp nén tâm nhang bên mộ phần những đồng đội đã ngã xuống của mình.

Ông Lê Trung Sơn - Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh bồi hồi: “Hồi hộp và mong đợi! hơn 40 năm sau ngày giải phóng mới có dịp trở lại chiến trường xưa!”. Đây là chuyến đi đầu tiên với số lượng lớn TNXP Thanh Hóa như vậy. Nhiều cựu TNXP mong chờ giây phút để thắp nén hương thơm cho đồng đội của mình, được chứng kiến những gì đổi thay trên vùng đất bom đạn một thời và hơn bao giờ hết, để sống lại những kỷ niệm một thời oanh liệt, hào hùng.

Theo chân cán bộ hướng dẫn, những nén hương thành kính được dâng lên mộ phần Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa - Đảo Yến (thuộc thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Có người đôi, ba lần được đến thăm mộ phần Đại tướng, cũng có người lần đầu đến với Vũng Chùa. Nhưng hôm nay thì khác, tình đồng đội, đồng chí lại rực lửa hơn bao giờ hết. Những nén hương báo cáo hoạt động xây dựng tổ chức hội cựu TNXP; tinh thần xây dựng đất nước của người chiến sỹ thời bình được tất cả các cựu binh thành kính báo cáo lên Đại tướng...

Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình lăn bánh trên tuyến đường 20 Quyết Thắng huyền thoại. Đường 20 - Quyết thắng bắt đầu từ Km00 thuộc thôn Phong Nha, (xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đến ngã ba Lùm Bùm, (huyện Ăng - Khăm, tỉnh Khăm Muộn, nước bạn Lào), thông với đường 9. Với chiều dài 125 km, để hoàn thành cung đường trên, quân dân ta đã trộn lẫn biết bao xương máu, mồ hôi và nước mắt. Hơn 40 năm trước, đây là tuyến đường “huyết mạch”, đầu mối giao thông quan trọng trong chiến lược vận tải của đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử. Bởi vị trí chiến lược và tầm quan trọng của nó, nên đây là một trong những trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ.

Với tinh thần “xẻ dọc trường Sơn đi cứu nước”, 33 ngàn TNXP, bộ đội, công dân hỏa tuyến là người con Thanh Hóa đã có mặt trên trận địa giao thông nóng bỏng Trường Sơn. Cựu TNXP Lê Mạnh Dũng - Đơn vị C211 nhớ rõ: “Những địa danh như cua chữ A, dốc Ta Lê, dốc Ba Thang, đường 20 Quyết Thắng... là trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ. Có đợt chúng ném bom suốt 87 ngày đêm không nghỉ, khiến cho hàng trăm chiến sỹ của ta bị thương và hy sinh. Khốc liệt nhất, tại Km 16 + 200, ngày 14/11/1972, trong trận ném bom của giặc Mỹ đã làm sập cửa một hang đá khiến 8 TNXP cùng 5 chiến sỹ binh chủng pháo binh đã anh dũng hy sinh (nay là di tích lịch sử Hang 8 cô)”.

Dâng hương bên nghĩa trang Tân Ấp.

Rời Quảng Bình, đoàn chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử. Thay vì những gồ ghề, sỏi đá, hố bom... trong ký ức của các cựu TNXP năm xưa, con đường mòn Hồ Chí Minh nay đã được nhựa hóa, khang trang. Điều khiến ai cũng ngạc nhiên, khi suốt quãng đường đến với nghĩa trang Tân Ấp (xã Hướng Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) là những trận mưa xối xả. Thế nhưng, sau khi dừng xe, trời đất bỗng ngừng mưa, nắng lên! Nghĩa trang Tân Ấp là 1 trong 3 nghĩa trang đang được Cienco 5 (tiền thân là Ban xây dựng 67) quản trách. Vừa xuống xe, cựu TNXP Phạm Đình Mạc vội bước, vừa đi vừa gọi: “Xuân ơi! Nhàn ơi! Các đồng đội tôi ơi!... có ai ở đây!? Thằng Thành đến thăm chúng mày đây!”.

Cựu TNXP Phạm Đình Mạc vừa mừng, vừa khóc khi tìm thấy mộ phần TNXP Lê Thị Xuân (xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa) nhớ lại: “Ngày 14/4/1972, trong một trận dội bom ác liệt của giặc Mỹ trên tuyến đường 12, cô TNXP Xuân đồng quê nhí nhảnh còn cầm viên sỏi ném vào tôi cảnh báo cẩn thận bom Mỹ. Thật không ngờ khi mươi phút sau, chính em lại là người bị trúng bom của địch. Mảnh bom quái ác giặc Mỹ đã gần như xé nửa người em. Lúc đó, em mở to mắt nằm trên lưng tôi. Tôi đã bảo em nhắm mắt lại! Và em ra đi mãi mãi”.

Chuyện về liệt sỹ Lê Thị Xuân, Nguyễn Thị Sặng chỉ là một trong số hàng trăm câu chuyện chúng tôi được nghe lại từ các cựu TNXP khác. Trong chuyến đi đáng nhớ này, nhiều người may mắn tìm thấy mộ phần đồng đội, nhiều người hãy còn chưa! Sự tiếc nuối, nỗi buồn in hằn trên gương mặt. Thế nhưng ai cũng hiểu, trong hàng chục nghìn đợt tấn công của địch, hàng vạn quả bom thả xuống trong suốt 8 năm chiến đấu ác liệt, hàng vạn TNXP, bộ đội đã hy sinh và nằm lại trên khắp 1.200 km đường Trường Sơn. Để tìm hết, thấy hết là điều không thể!... Song, chúng tôi tin rằng, sau chuyến đi này vẫn sẽ còn nhiều những cuộc hành trình trở lại khác!...

Đình Giang

“Tại Đền thờ các anh hùng liệt sỹ đường 20 Quyết Thắng, để chung tay giúp đỡ những đồng đội, cựu TNXP Quảng Bình, Hội Cựu TNXP Thanh Hóa đã thân gửi 30 suất quà đến những cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn. Ông Cao Ngọc Thành - Chủ tịch Hội cựu TNXP tỉnh Quảng Bình xúc động: “Trong việc mở đường thông tuyến, tỉnh Quảng Bình có trên 40 nghìn TNXP các tỉnh phía Bắc tham gia. Riêng Thanh Hóa có gần 20 nghìn TNXP, trong số đó, hơn 400 TNXP Thanh Hóa đã hy sinh. Hiện nay, các liệt sỹ đang được quy tập tại 3 nghĩa trang của Ban Xây dựng 67. Để tri ân những người đã ngã xuống cho độc lập, thống nhất Tổ quốc, Hội cựu TNXP Quảng Bình đã cử lực lượng TNXP của 3 xã (Vạn Thạch, Hương Hóa và Vạn Ninh) các ngày mùng 1, và 15 hàng tháng đến hương hỏa cho các đồng chí”.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]