(vhds.baothanhhoa.vn) - Với bề dày lịch sử văn hóa, xứ Thanh có nhiều làng nghề truyền thống với hàng trăm sản phẩm độc đáo tinh xảo. Tuy nhiên cơ chế thị trường hiện đang đặt ra cho các làng nghề truyền thống không ít khó khăn, thách thức. Để lưu giữ, kế thừa và phát triển làng nghề đòi hỏi sự cần mẫn, tâm huyết, tận tụy với nghề của biết bao người, trong đó điều đáng mừng là có nhiều bạn trẻ tâm huyết quyết giữ nghề truyền thống mà cha ông để lại...

Khi những người trẻ quyết giữ nghề truyền thống

Với bề dày lịch sử văn hóa, xứ Thanh có nhiều làng nghề truyền thống với hàng trăm sản phẩm độc đáo tinh xảo. Tuy nhiên cơ chế thị trường hiện đang đặt ra cho các làng nghề truyền thống không ít khó khăn, thách thức. Để lưu giữ, kế thừa và phát triển làng nghề đòi hỏi sự cần mẫn, tâm huyết, tận tụy với nghề của biết bao người, trong đó điều đáng mừng là có nhiều bạn trẻ tâm huyết quyết giữ nghề truyền thống mà cha ông để lại...

Khi những người trẻ quyết giữ nghề truyền thốngAnh Nguyễn Bá Quý được phong tặng danh hiệu nghệ nhân làng nghề khi vừa tròn 30 tuổi.

“Giữ nghề” bằng niềm tự hào

Nguyễn Bá Quý sinh ra và lớn lên ở xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa), nơi nổi tiếng với làng nghề đúc đồng Trà Đông. Bố của anh là nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Nguyễn Bá Châu - người tạo nên nhiều kỷ lục Guinness về đúc đồng truyền thống. “Cha truyền con nối”, 35 tuổi đời, Nguyễn Bá Quý đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề và làm nên nhiều kỳ tích.

Tuổi thơ của anh lớn lên bên ánh lửa hồng rực của những lò đúc đồng và được học nghề từ những nghệ nhân nổi tiếng trong làng. Chính những tháng ngày nhìn bố cùng đội thợ đỏ lửa nấu đồng, lên khuôn, đúc đồng, tạo sản phẩm; rồi có thời gian hai bố con rong ruổi từ Bắc vào Nam học hỏi kinh nghiệm làm nghề... Và trong quá trình làm nghề, qua nghiên cứu anh cũng hiểu hơn về giá trị văn hóa của các hiện vật đồ đồng, nhất là trống đồng.

Nguyễn Bá Quý chia sẻ: “Đối với những người được sinh ra, lớn lên ngay tại làng nghề, thì việc gìn giữ và phát huy giá trị đúc đồng truyền thống của cha ông vừa là niềm tự hào vừa là trách nhiệm. Từ khi tôi còn nhỏ, bố thường nói với tôi, nghề này rất quý bởi từ than, củi, rơm, rạ, đồ phế liệu, đồng nát, qua bàn tay người lao động đều trở thành những sản phẩm giá trị. Muốn có sản phẩm thành công phải trải qua một quy trình kỹ thuật phức tạp bao gồm cách làm khuôn, pha chế hợp chất, nấu đồng, đúc sản phẩm và tập trung cao thổi hồn vào từng sản phẩm truyền thống. Được vậy, khi sản phẩm làm ra sẽ có hoa văn sắc nét, tinh xảo.

30 tuổi, anh được Ban Chấp hành Trung ương Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao tặng danh hiệu nghệ nhân làng nghề. Đây cũng là nghệ nhân trẻ tuổi nhất vinh dự được trao tặng danh hiệu này tại làng nghề đúc đồng truyền thống Trà Đông. Không chỉ gìn giữ và phát huy làng nghề, gia đình nghệ nhân Nguyễn Bá Quý còn thành lập Công ty TNHH đúc đồng truyền thống Đông Sơn Chè Đông, trong đó anh giữ vai trò phó giám đốc. Đáng trân quý là gia đình đã tạo nên môi trường làm việc mà những người thợ từ già tới trẻ đều rất hạnh phúc, họ cùng nhau sáng tạo và cho ra nhiều sản phẩm có giá trị.

Từ sự chỉ bảo của người cha cùng tinh thần dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, Nguyễn Bá Quý luôn nỗ lực học hỏi kinh nghiệm làm nghề từ các nghệ nhân, học trong sách vở và không ngừng sáng tạo để tạo nên nhiều sản phẩm tinh xảo, trong đó phải kể đến bộ trống đồng Ngọc Lũ phiên bản lớn. Với sản phẩm này, năm 2018, nghệ nhân Nguyễn Bá Quý được Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao Bằng xác lập kỷ lục “Người thực hiện phiên bản trống đồng Ngọc Lũ bằng phương pháp thủ công truyền thống lớn nhất Việt Nam”. Ngoài ra, anh cùng NNƯT Nguyễn Bá Châu là: “Người thực hiện đúc tượng Mẹ Âu Cơ làm quà Hội nghị cấp cao APEC 2017 được xác lập kỷ lục với số lượng nhiều nhất Việt Nam”. Đặc biệt, năm 2021, trống đồng Quý Châu đã được xếp hạng 4 sao sản phẩm OCOP và hiện nay gia đình anh đang làm hồ sơ trống đồng Quý Châu đạt sản phẩm OCOP 5 sao...

Về dự định trong thời gian tới, nghệ nhân Nguyễn Bá Quý chia sẻ: Cùng với việc mở rộng sản xuất, công ty sẽ thực hiện việc áp dụng những công nghệ mới đưa vào quá trình sản xuất. Gia đình đang có hướng quy hoạch hợp lý lại các khu xưởng, khu bán hàng và xây dựng một khu trưng bày các hiện vật tái hiện nghề truyền thống của làng nghề xưa. Tôi mong muốn du khách trong và ngoài nước đến thăm sẽ có những trải nghiệm thú vị và hiểu hơn về nghề đúc đồng truyền thống Trà Đông.

Thành công từ... nhiều lần thất bại

Tôi gặp Nguyễn Huy Thảo, trong một chuyến công tác về thôn Văn Châu, xã Đông Văn (Đông Sơn). Khác xa với hình ảnh chàng trai với vóc dáng gầy gò, cách nói chuyện nhỏ nhẹ, đó chính là ý chí, nghị lực và tinh thần quyết tâm dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ. Trải nhiều thăng trầm với nghề, có những lúc thậm chí “trắng tay”. Thế nhưng với sức trẻ, không ngại đương đầu với khó khăn, anh Thảo không hề nản trí mà vẫn kiên trì bước tiếp để xây dựng thành công thương hiệu bánh đa nem An Chi hôm nay.

Nói về cơ duyên đến với nghề, anh Thảo cho biết: “Năm 2012 lúc đó tôi đang làm tiếp thị nước giải khát, khi giao hàng cho các quán tạp hóa, tôi rất ấn tượng với bánh đa truyền thống làng Chòm ở xã Thiệu Châu xưa, nay là xã Tân Châu (Thiệu Hóa). Đây cũng là quê gốc của tôi. Ở đây không chỉ có bánh đa mà còn làm cả bánh đa nem hay còn gọi là bánh chả. Lúc đó tôi mới nảy ra ý tưởng lấy các mặt hàng này để bán thêm. Thấy tiềm năng của mặt hàng bánh đa nem, tôi đã quyết định lập nghiệp tại quê nhà”.

Khi những người trẻ quyết giữ nghề truyền thốngVới tinh thần dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, anh Nguyễn Huy Thảo xây dựng thành công thương hiệu bánh đa nem An Chi.

Để thực hiện ước mơ, anh Thảo mất cả năm để đến trực tiếp những nhà làm bánh ngon nhất trong làng Chòm; rồi tiếp tục tìm hiểu, tham quan học hỏi nhiều làng nghề ở Bắc Giang, Hà Nam, Hà Tĩnh... Đồng thời cũng nghiên cứu thêm thị hiếu, thị trường của khách hàng về bánh đa nem. Sau khi tích lũy được chút kinh nghiệm, năm 2014, anh tự tin “khởi nghiệp” với 15 triệu đồng. Thương con, bố anh cũng quyết thế chấp nhà để vay ngân hàng được 50 triệu, vay họ hàng được 1 cây vàng để giúp anh đầu tư mở xưởng, mua máy móc thiết bị.

Cái tên bánh đa nem An Chi, theo anh Thảo, An có nghĩa là bình yên, Chi là một loại cỏ báo điềm lành, mọi chuyện tốt đẹp và may mắn. Mẻ bánh đầu tiên gửi gắm bao niềm tin thì lại thất bại hoàn toàn do pha bột không đúng kỹ thuật. Và càng cố làm thì càng hỏng nhiều hơn. Trong vòng 2 tháng, tiêu tốn khoảng 2-3 tấn bột. Tính theo giá thị trường là vứt đi đứt 150-200 triệu. Nhưng anh quyết không bỏ cuộc. Còn chiếc điện thoại có giá trị, anh cũng cắm nốt được 1 triệu để mua gạo làm ra sản phẩm. Và may mắn được người bạn tin tưởng cho nợ tiền 8 tạ gạo để làm bánh. Như phép màu, mẻ bánh này đã giúp anh vượt qua cửa ải thất bại.

“Liên tiếp sản phẩm làm ra không thành công nhưng tôi không nản chí. Lắng nghe phản hồi của khách hàng để bản thân quyết tâm có sự thay đổi trong tư duy về cách làm, mẫu mã sản phẩm”...

Với tinh thần ham học hỏi, anh Thảo tiếp tục đầu tư công nghệ tiên tiến như máy tráng, máy sấy lắp đặt tại xưởng... Nhờ đó, sản phẩm ngày càng tốt hơn, bánh đa nem mỏng, dai, mềm có vị đậm đà, dùng để cuốn đồ ăn sống; loại bánh chả dùng để rán rất giòn và thơm. Nhờ những phản hồi tích cực của khách hàng, anh Thảo có thêm động lực để sản xuất và mở rộng thị trường, lựa chọn phương pháp, cách thức sản xuất cho phù hợp hiệu quả. Từ 50m2 nhà xưởng thuở ban đầu, đến nay anh đã mở rộng lên 1.500m2, giải quyết việc làm cho 15 đến 20 lao động, thu nhập bình quân đạt 8-10 triệu đồng/người/tháng...

Nghệ nhân đúc đồng Nguyễn Văn Quý hay Chủ cơ sở sản xuất bánh đa nem An Chi Nguyễn Huy Thảo cũng chỉ là 2 trong rất nhiều người trẻ nối nghiệp, phát triển các nghề truyền thống lâu đời của cha ông để lại mà tôi từng gặp. Với sức trẻ, tinh thần dám nghĩ, dám làm, sự năng động, sáng tạo của sức trẻ, họ không chỉ “giữ lửa” và phát triển nghề truyền thống một cách bền vững, mà còn tạo được nhiều việc làm cho lao động địa phương với thu nhập ổn định, góp phần vào sự phát triển của quê hương...

Bài và ảnh: Thu Thủy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]