(vhds.baothanhhoa.vn) - “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước”. Khắc ghi lời Bác, nhiều năm qua, đặc biệt là trong giai đoạn 2015 - 2020 phong trào thi đua trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực. Qua đó góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công các chỉ tiêu về phát triển KT-XH của tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lan tỏa phong trào thi đua yêu nước

“Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước”. Khắc ghi lời Bác, nhiều năm qua, đặc biệt là trong giai đoạn 2015 - 2020 phong trào thi đua trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực. Qua đó góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công các chỉ tiêu về phát triển KT-XH của tỉnh.

Nhân rộng những điển hình tiên tiến

Từ nhiều năm nay, mô hình nuôi thỏ New Zealand của gia đình anh Lê Ngọc Long, thôn Hòa Trinh, xã Quảng Hòa, huyện Quảng Xương được nhiều người đến tham quan và học tập. Anh Long cho biết: Từ mong muốn tìm một nghề ổn định, phát triển sản xuất ngay trên chính mảnh đất đã nuôi mình khôn lớn, anh tìm hiểu về con thỏ. Qua tham quan, học tập, tìm hiểu ở nhiều địa phương trong cả nước, anh biết được con thỏ ngoài bệnh do thời tiết và thức ăn thì không có bệnh dịch chết hàng loạt như các con vật nuôi khác. Anh Long đã bàn với gia đình bắt đầu với số lượng 20 con thỏ, sau thời gian nuôi 5 tháng thỏ mẹ đẻ ra lứa thỏ đầu tiên đạt 2,3 - 2,5kg/con.

Năm 2017, được sự quan tâm của chính quyền địa phương tạo điều kiện cho anh có quỹ đất với diện tích gần 2 ha. Anh không chần chừ, bắt tay vào công việc chuồng trại. Vì vốn ít, anh quyết định vay mượn và quy hoạch 0,5ha để trồng cỏ làm thức ăn cho thỏ và xây dựng chuồng trại nuôi với diện tích quy mô 500 m2 và các thiết bị cần thiết để đưa 50 con thỏ bố mẹ thuần chủng giống New Zealand vào nuôi. Đến năm 2018, đàn thỏ mẹ tăng lên 400 con, sau 5 tháng số lượng thỏ con đã đạt 2.500 con. Anh đã lặn lội, đấu mối với các Công ty Nippon, Công ty Thực phẩm Hà Nội, Nam Định trong việc bao tiêu sản phẩm cho trang trại. Đến nay, đàn thỏ của anh luôn duy trì với số lượng 5.800 - 6.000 con, mỗi năm trang trại xuất bán với số lượng từ 20 - 22 tấn, tổng thu nhập hàng năm sau khi trừ chi phí là 350 - 450 triệu đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình anh còn giải quyết được việc làm cho 10 lao động thường xuyên và thời vụ với mức lương 5,5 triệu đến 6 triệu đồng/người. Đồng thời bao tiêu sản phẩm cho 8 hộ chăn nuôi khi nhập giống từ trang trại.

Mô hình nuôi thỏ New Zealand mang lại hiệu quả cao của gia đình anh Lê Ngọc Long, xã Quảng Hòa, huyện Quảng Xương.

Đó còn là gương điển hình của ông Hà Văn Xiêm, dân tộc Thái, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Cha Lung, xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn trong việc vận động nhân dân tham gia bảo vệ trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cột mốc, đường biên, góp phần xây dựng quê hương thanh bình. Bản Cha Lung nằm cách trung tâm xã 4km và cách trung tâm huyện 22km về phía Tây với tổng diện tích 1.984,9ha, có đường biên giới dài 19,5km với 3 mốc giới là 33, 34, 35, giáp với cụm Mường Pao, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Bản có 127 hộ, 606 nhân khẩu với 3 dân tộc là Thái - Mường - Kinh. Địa hình bị chia cắt bởi nhiều khe suối, độ dốc lớn và cao gần 1.000m so với mực nước biển. Theo ông Xiêm công tác vận động nhân dân tham gia bảo vệ trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cột mốc, đường biên, chăm sóc, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng ở khu vực biên giới, xây dựng bản làng bình yên, ổn định phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Nhận thức được điều đó, với vai trò là người đảng viên, được chi bộ phân công làm bí thư chi bộ, được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng bản từ năm 2015 đến nay, được Đảng ủy - UBND xã và Đồn Biên phòng Tam Thanh giao nhiệm vụ bảo vệ cột mốc số 339 từ năm 2011 đến nay, bản thân ông luôn hoàn thành tốt công việc được giao. Ông tham mưu cho các cấp, Đồn Biên phòng Tam Thanh phát động phong trào toàn dân tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới. Phong trào đã được triển khai sâu rộng và tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, động viên nhân dân tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ cột mốc, đường biên. Tình trạng xâm canh, xâm cư, vượt biên trái phép được ngăn chặn; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới luôn ổn định, bà con nhân dân tập trung phát triển sản xuất; công tác bảo vệ và phát triển rừng luôn được giữ vững, không có hiện tượng săn bắt thú rừng, khai thác lâm sản trái phép xảy ra...

Từ miền núi cao biên giới đến vùng ven biển, hải đảo, từ thành thị đến nông thôn đều có những tấm gương điển hình trong phong trào thi đua yêu nước. Mỗi việc làm, hành động của họ đều có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội.

Nâng cao đời sống của người dân

Để tạo sức lan tỏa trong thực hiện phong trào thi đua, tại huyện Quảng Xương cùng với triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác thi đua, khen thưởng và các phong trào thi đua chung của cả nước, của tỉnh, hàng năm UBND huyện đã chỉ đạo tổ chức phát động các phong trào thi đua từ huyện đến cơ sở, trong đó từng ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào tình hình thực tế gắn phong trào thi đua với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển KT-XH của từng khối, ngành, cơ quan, đơn vị. Đồng thời tích cực đổi mới, đa dạng hóa các nội dung, hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua. Đặc biệt, nhằm tạo sức lan tỏa trong các phong trào thi đua, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Huyện đã tập trung chỉ đạo tái cơ cấu sản xuất ngành trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa; liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Về công nghiệp, xây dựng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 18,5%; dịch vụ phát triển đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 19,5%/năm, chiếm 37,2% trong cơ cấu kinh tế.

Đó cũng là cách làm có hiệu quả tại huyện Nông Cống, các phong trào thi đua tiêu biểu của huyện giai đoạn 2015 - 2020 phải kể đến phong trào thi đua chuyển đổi cơ cấu giống, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, đưa các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phong trào thi đua xây dựng cánh đồng năng suất, chất lượng và hiệu quả cao, vùng sản xuất rau an toàn, phong trào đưa giống lúa lai, giống mới có năng suất cao vào sản xuất với diện tích 5.000 ha, xây dựng và phát triển vùng lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap 200 ha. 5 năm qua các phong trào thi đua phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được chú trọng, cụm công nghiệp, làng nghề ngày càng phát triển mạnh và hiệu quả. Xây dựng được thương hiệu nón lá Trường Giang, miến gạo Thăng Long... Đến nay toàn huyện có 22/29 xã có nghề, tạo việc làm ổn định cho trên 8.000 lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu” tiếp tục được các cấp, các ngành chỉ đạo và phát triển mạnh mẽ. Toàn huyện đã đạt 508 tiêu chí, bình quân 18,14 tiêu chí/xã, cao hơn trung bình chung của tỉnh. Giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến đạt 14.02%, thu nhập bình quân đầu người đạt 42,6 triệu đồng, xếp thứ 9/27 huyện, thị, thành phố, tăng 2,2 lần so với năm 2015.

Bên cạnh đó các phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương tự học và sáng tạo”, “Nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân”... cũng được quan tâm. Cùng với phong trào thi đua phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, phong trào “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh” gắn với cuộc vận động thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được chỉ đạo đẩy mạnh và được các tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên gương mẫu thực hiện. Qua đó đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường khối đoàn kết thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận của nhân dân.

Khẳng định rằng trong 5 năm qua, phong trào thi đua và nhân rộng điển hình tiên tiến trên phạm vi toàn tỉnh đã được đổi mới và có những bước phát triển khá rõ nét; được cấp ủy Đảng các cấp quan tâm lãnh đạo toàn diện; chính quyền các cấp chú trọng chỉ đạo thực hiện trên từng lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Các phong trào đã có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở đăng ký của từng ngành, từng lĩnh vực, được gắn kết giữa phong trào thi đua yêu nước với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu”... đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân.

Phương Anh


Phương Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]