(vhds.baothanhhoa.vn) - Vào những ngày này, không khí tại các làng hoa, cây cảnh như Đông Cương (TP Thanh Hóa), Hợp Lý (Triệu Sơn), Xuân Du (Như Thanh)... trở nên náo nức, nhộn nhịp hơn. Các chủ vườn đang tất bật cắt tỉa, chăm bón hoa, cây cảnh... sẵn sàng phục vụ khách chơi Tết Nguyên đán Tân Sửu đang cận kề.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Làng hoa, cây cảnh nhộn nhịp vào Tết

Vào những ngày này, không khí tại các làng hoa, cây cảnh như Đông Cương (TP Thanh Hóa), Hợp Lý (Triệu Sơn), Xuân Du (Như Thanh)... trở nên náo nức, nhộn nhịp hơn. Các chủ vườn đang tất bật cắt tỉa, chăm bón hoa, cây cảnh... sẵn sàng phục vụ khách chơi Tết Nguyên đán Tân Sửu đang cận kề.

Tìm đến làng hoa Đông Cương (TP Thanh Hóa), cũng đúng thời điểm rét lên đến đỉnh điểm, thế nhưng những bông hoa ở đây vẫn đua nhau khoe sắc dưới bàn tay chăm sóc của những người nông dân. Đi dọc trên con đường trải dài từ khu phố 1 đến phố 6, chúng tôi dễ dàng nhìn thấy những ruộng hoa cúc, hoa ly, hoa hồng... đang rực rỡ khoe sắc màu. Được thiên nhiên ưu ái cho đất đai màu mỡ, từ bao đời nay bà con nơi đây trồng hoa bằng tất cả tình yêu, tâm huyết với nghề. Theo những người trồng hoa lâu năm thì nghề này giống như chăm con trẻ, cần sự kiên trì, chăm chút, để ý từng thay đổi dù nhỏ nhất từ khi cây còn nhỏ đến khi trưởng thành. Có như vậy mới có cách chăm sóc, phòng và trị bệnh phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây. Bên cạnh đó, mỗi loại cây lại có đặc tính và cách chăm sóc khác nhau, nếu không thực sự yêu cây, yêu cái đẹp thì rất khó có được những vườn hoa ưng ý, nở đúng dịp.

Những ngày này tại vườn hoa Đông Cương những bông hoa hồng, cúc, ly đang rực rỡ khoe sắc để chào đón Tết Nguyên đán đang cận kề.

Tìm đến vườn hoa của gia đình ông Lê Văn Hanh, phố 1, vốn nổi tiếng bởi sự đa dạng các loài hoa, tay đang thoăn thoắt chăm sóc cho những luống hoa hồng, ông Hanh, cho biết: “Tôi đã trồng hoa gần 10 năm nay. Chủ yếu là các loại hoa hồng, hoa ly, đồng tiền, và nhiều loại cây cảnh khác phục vụ cho ngày tết. Để trồng được cây hoa đẹp, người chủ vườn cần có bàn tay khéo léo, kỹ thật cắt tỉa, chăm bón phải cao. Đặc biệt là giai đoạn thúc cây ra hoa. Tùy theo mỗi loại hoa mà có cách chăm sóc khác nhau. Dịp này gần tết nên khách tham quan và mua hoa càng lúc càng đông, năm nay hoa có kiểu dáng đẹp hơn năm trước, nhưng giá thành chỉ tăng nhẹ”.

Ở làng hoa Đông Cương hoa có kiểu dáng đẹp, nở đúng dịp tết, sử dụng được lâu nên được rất đông thương lái, khách hàng từ các tỉnh, thành lân cận đổ về thu mua. Ông Nguyễn Hữu Hồng - Chủ tịch Hội Nông dân phường Đông Cương, chia sẻ: Nghề trồng hoa có ở đây từ nhiều năm về trước. Ban đầu chỉ có vài hộ trồng trong vườn nhà, đến ngày tết cắt mang ra chợ bán. Sau này, nhận thấy nghề có thể đem lại thu nhập cao nên việc trồng hoa trở nên tập trung và quy củ hơn. Hiện xã có hơn 200 hộ trồng, với diện tích gần 170ha. Bà con cũng tích cực tham gia các lớp hướng dẫn về khoa học, kỹ thuật nên các mô hình trồng hoa, cây cảnh ở đây ngày càng phát triển.

Không chỉ tại làng hoa Đông Cương, những ngày cuối năm không khí đón tết của bà con làng đào xã Xuân Du (Như Thanh), cũng nhộn nhịp không kém. Với hơn 2ha gốc đào đang bắt đầu khoe sắc, gia đình ông Quách Văn Hùng nhẩm tính cây nào to đẹp cũng có thể bán được đến chục triệu đồng, những cây nhỏ bán giá thấp hơn để mọi người đều có đào chơi tết. Năm nay vườn đào nhà ông ước tính thu được khoảng 300 - 400 triệu đồng tuỳ theo giá thị trường. Với người nông dân, số tiền này là nguồn thu nhập không nhỏ. Để có cành đào đẹp nở đúng vào dịp tết, ông Hùng, cho biết: Có hai cách trồng và chăm sóc, đó là chiết cành và gieo hạt. Với cách chiết cành, khi cây đào đã được 4-5 tuổi, tìm một nhánh khỏe mạnh, tách khỏi cây mẹ, đến khi rễ trắng mọc ra từ bầu ghép mới đem ra trồng. Với cách gieo hạt, khi cây đào đã ra quả chín già, hái về để trong nhà khoảng 3-5 ngày, lấy hạt vùi xuống đất, sau một thời gian đào hạt lên, đập lấy nhân, ngâm vào nước, khi hạt nảy mầm khoảng 2cm thì bỏ vào bầu, cứ thế mang ra trồng.

Thời điểm thích hợp nhất để trồng đào là từ tháng 11 âm lịch cho đến hết tháng 2 âm lịch. Sau lứa đào vừa bán được thì trồng ngay, cây mới phát triển tươi tốt, tỷ lệ sống cao. Về mặt kỹ thuật, đưa cây giống vào hố sâu, tránh để vỡ bầu nhiều sẽ ảnh hưởng đến bộ rễ. Nhất thiết không được bỏ phân ngay thời điểm đó, mà đợi khoảng 15-20 ngày, khi cây đang chuẩn bị ra rễ mới bón phân. Một năm bón 2 lần, lần một vào cuối tháng 2 đến đầu tháng 3 âm lịch, lần hai vào cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 âm lịch. Nếu bón quá nhiều hoặc không đúng thời điểm, cây đào sẽ không nở hoa hoặc nở hoa quá sớm. Khi đào trồng được 3 năm tuổi, đến ngày đông chí, tháng 10-11 âm lịch sẽ tiến hành tuốt lá để cây tập trung ra nụ, hoa và lộc mới. Trồng đào ít nhất 3 năm mới tạo đầy đủ các bộ phận: Cành, lá và tán. Lúc ấy, cây đào cũng đã trưởng thành cứng cáp và sau từ 4-5 năm là có thể thu hoạch.

Theo tìm hiểu chúng tôi được biết: hiện toàn xã Xuân Du có gần 300 ha đào, với hơn 1.600 hộ/1.702 hộ trồng đào. Thu nhập từ đào chiếm tới 1/3 tổng thu nhập của xã. Để người trồng đào yên tâm phát triển sản xuất, thời gian qua xã đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, như: Xây dựng, giới thiệu, quảng bá hình ảnh cây đào phai Xuân Du tới đông đảo du khách, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc cho các hộ trồng đào. Hầu hết các thôn của xã trồng đào, trong đó có 8 thôn trồng tập trung, đến nay các thôn đều đã được công nhận là “làng nghề trồng hoa đào cảnh”.

Đến hẹn lại lên, hy vọng bằng những kinh nghiệm được tích lũy cùng với niềm đam mê và sự sáng tạo của những người trồng hoa, cây cảnh, các chủ vườn sẽ có thêm vụ hoa, cây cảnh thắng lợi, mang sắc xuân, đem đến cái tết đủ đầy cho người trồng, lẫn người tiêu dùng.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]